Chương trình đào tạo Ngành Hán Nôm bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Hán Nôm bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           HÁN NÔM (Sino – Nom)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

Mục tiêu đào tạo

– Đào tạo cử nhân Hán Nôm có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng để đảm nhận các công tác như: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và đoàn thể xã hội có nhu cầu.

– Trên cơ sở cung cấp cho sinh viên những tri thức chung về triết học, lịch sử, văn hoá, ngữ văn… để làm kiến thức nền, chương trình đi sâu trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về Hán Nôm như: Hán văn cơ sở; chữ Nôm và văn bản Nôm; tinh tuyển Hán văn theo trường phái và lịch đại; Hán văn Việt Nam; văn tự học Hán Nôm; ngữ pháp văn ngôn; văn bản học Hán Nôm; từ chương học Hán Nôm; các tri thức về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… cả trên phương diện thực hành và lý thuyết.

– Sinh viên tốt nghiệp chương trình này có khả năng minh giải văn bản Hán Nôm, đồng thời có năng lực khai thác các giá trị của di sản Hán Nôm trên cơ sở các tri thức liên ngành và hiện đại.

Chương trình đào tạo Ngành Hán Nôm bậc Đại học

Chương trình đào tạo

Danh mục các học phần bắt buộc

 

 

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lênin 7 Giáo dục Thể chất
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 8 Giáo dục Quốc phòng
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 9 Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 10 Tin học
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 11 Thống kê xã hội
6 Ngoại ngữ 12 Môi trường và phát triển
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
a) Kiến thức cơ sở của khối ngành và của ngành
1 Lôgíc học đại cương 5 Hán văn cơ sở
2 Xã hội học đại cương 6 Chữ Nôm
3 Cơ sở văn hoá Việt Nam 7 Thực hành văn bản tiếng Việt
4 Tiến trình lịch sử Việt Nam
b) Kiến thức ngành
1 Văn tự học chữ Hán 5 Ngữ pháp văn ngôn
2 Văn tự học chữ Nôm 6 Văn bản học Hán Nôm
3 Âm vận học chữ Hán 7 Từ chương học Hán Nôm
4 Âm vận học chữ Nôm 8 Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Lôgíc học đại cương

Cung cấp những tri thức cơ bản của lôgíc học hình thức, mối liên hệ hữu cơ giữa lôgíc học và triết học, các phương pháp nghiên cứu đặc thù của lôgíc học hình thức, các quy luật lôgíc cơ bản và vai trò, ý nghĩa quan trọng của lôgíc học trong việc hình thành, rèn luyện thói quen tư duy lôgic chặt chẽ, trình bày vấn đề một cách khoa học.

Học phần cũng trang bị những kiến thức về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm và quan hệ của các khái niệm phán đoán, suy luận, chứng minh lôgíc thường dùng, từ đó vận dụng các quy luật lôgíc trong tư duy, tránh sai lầm thường gặp trong suy nghĩ và trình bày vấn đề.

Xã hội học đại cương

Cung cấp những kiến thức cơ bản về xã hội học bao gồm quá trình hình thành và phát triển cũng như đối tượng nghiên cứu xã hội học, những khái niệm cơ bản và một số trường phái xã hội học, những thiết chế và tổ chức xã hội cơ bản.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng thực hành, sử dụng các phương pháp định tính, định lượng trong nghiên cứu xã hội học.

Cơ sở văn hoá Việt Nam

Cung cấp những khái niệm chung về văn hoá học và văn hoá Việt Nam, về hệ thống các thành tố văn hoá Việt Nam và những đặc trưng của chúng.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên những kỹ năng, phương pháp tiếp cận tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề của văn hoá Việt Nam.

Tiến trình lịch sử Việt Nam

Cung cấp những kiến thức tổng quát về quá trình phát triển liên tục với những đặc điểm chủ yếu, những quy luật chung nhất của lịch sử Việt Nam, trong đó đặc điểm nổi bật và xuyên suốt tiến trình lịch sử Việt Nam là công cuộc giữ nước chống ngoại xâm luôn song hành cùng công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Ngoài việc nắm vững những chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, sinh viên còn được trang bị nhận thức lịch sử Việt Nam với tư cách là lịch sử của các cộng đồng quốc gia, dân tộc đã và đang sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, cùng góp phần sáng tạo và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam.

Hán văn cơ sở

Cung cấp những kiến thức cơ sở về Hán văn, bao gồm những nguyên tắc cấu tạo hệ thống văn tự biểu ý của người Hán, các quy tắc cú pháp, các hư từ quan trọng và vốn chữ Hán thường dùng.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên những khái niệm chung, những tri thức thông thường về thể loại Hán văn Việt Nam và những tri thức văn hoá có liên quan để có thể lý giải được những văn bản Hán văn đơn giản.

Chữ Nôm

Cung cấp những kiến thức cơ bản về một nền văn tự cổ của Việt Nam đã từng được sử dụng để ghi chép về văn hoá và văn chương Việt Nam trong suốt 800 năm lịch sử: điều kiện ra đời và quá trình phát triển của chữ Nôm, đặc điểm loại hình văn tự khối vuông biểu ý, tính chất ghi âm đặc biệt của chữ Nôm, cấu trúc của chữ Nôm và cách đọc.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng phân biệt các cách đọc âm khác nhau trong chữ Nôm (Tiền Hán Việt, Hán Việt, Hán Việt Việt hoá, đọc chỉnh âm), kỹ năng phân tích các kiểu mô thức cấu trúc của chữ Nôm (chữ đơn hay vay mượn, chữ ghép hay sáng tạo, các tiểu loại chữ Nôm…) để vận dụng trong việc đọc các loại văn bản chữ Nôm.

Thực hành văn bản tiếng Việt

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức tổng quát và kỹ năng thực hành ngôn ngữ văn bản (chủ yếu là văn bản khoa học) tiếng Việt. Ngoài việc nâng cao nhận thức về thực hành văn bản trên hai phương diện tiếp nhận và tạo lập, học phần còn giúp cho sinh viên nắm bắt được những kỹ năng quan trọng trong việc phân tích và tạo lập văn bản khoa học tiếng Việt.

Văn tự học chữ Hán

Cung cấp những kiến thức cơ bản về chữ Hán từ góc độ văn học như: lịch sử chữ Hán trong lịch sử văn tự nhân loại; ba mặt hình – âm – nghĩa trong chữ Hán và mối quan hệ của chúng; hệ thống khu biệt nghĩa của chữ Hán (214 bộ thủ); hệ thống khu biệt âm và sự kết hợp của chúng; tính chất ý – âm của chữ Hán…; mối quan hệ của chữ Hán với văn hoá Trung Hoa và văn hoá khu vực đồng văn. Từ đó, giúp cho sinh viên có năng lực phân tích chữ Hán để học chữ Hán nhanh hơn, nâng cao năng lực đọc văn bản Hán văn cụ thể.

Văn tự học chữ Nôm

Cung cấp những kiến thức cơ bản về chữ Nôm từ góc độ văn tự học như: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, mối quan hệ giữa chữ Nôm và chữ Hán, mối quan hệ giữa chữ Nôm và tiếng Việt, mối quan hệ giữa các thành tố trong một chữ Nôm với sự phát triển của chúng trong lịch sử, các thành tố định âm lược nét, các bộ thủ thường dùng trong chữ Nôm…, từ đó, nâng cao năng lực đọc và phân tích chữ Nôm, văn bản Nôm cả về lý thuyết lẫn thực hành.

Âm vận học chữ Hán

Cung cấp cho sinh viên những lý thuyết cũng như thành tựu của âm vận học Trung Hoa và thế giới, các phạm trù và khái niệm cơ bản của âm vận học Trung Hoa như: thanh mẫu, vận mẫu, đẳng, nhiếp, hô, các vận thư và vận đồ cơ bản, các phép đọc chữ Hán như: độc nhược, phiên thiết…  Từ đó làm cho sinh viên thấy rõ sự khác biệt giữa âm tiết của tiếng Hán và các nhân tố biểu hiện nó với các đơn vị, cấp độ ngôn ngữ học như: âm tiết, hình vị, âm vị trong các ngôn ngữ châu Âu. Đồng thời cũng góp phần làm sáng rõ mối liên hệ giữa các kiến thức âm vận học với văn tự học, huấn hỗ học và thực tế sáng tác thơ ca.

Âm vận học chữ Nôm

Cung cấp cho sinh viên những vấn đề cơ bản của âm đọc chữ Nôm, giúp cho sinh viên nắm được các kiểu ghi âm của chữ Nôm. Qua đó, sinh viên nắm được các vấn đề cơ bản như: sự giao lưu lâu dài giữa ngôn ngữ Việt và Hán, sự xuất hiện của âm Hán Việt, sự nảy sinh 6 thanh điệu trong tiếng Việt, cách đọc âm Hán Việt hoá của chữ Hán ở Việt Nam, sự phát triển của ngữ âm tiếng Việt và sự thay đổi âm đọc chữ Nôm, những quy tắc và sơ đồ chỉnh âm theo chiều đồng đại và lịch đại. Trên cơ sở nắm vững những vấn đề trên, sinh viên tập phân tích các loại âm đọc và các luật chỉnh âm trong văn bản Nôm, kỹ năng phân chia âm tiết, tập đọc các văn bản Nôm thuộc các thể loại: thơ, văn, bi, minh, châm, kệ, văn xuôi tự sự…

Ngữ pháp văn ngôn

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, có hệ thống về ngữ pháp văn ngôn (ngữ pháp Hán văn trên thư tịch ở Trung Quốc trước thời Ngũ Tứ cũng như ở Việt Nam thời Trung đại). Trên cơ sở những khái niệm và những tri thức cụ thể của ngữ pháp học, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về từ pháp, cú pháp văn ngôn như: từ loại, chức năng cơ bản và sự hoạt dụng của các từ loại trong văn ngôn, vấn đề hư từ trong văn ngôn, các loại câu cơ bản, các loại câu cần chú ý của hình thái ngôn ngữ viết này.

Văn bản học Hán Nôm

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lý thuyết văn bản nói chung và văn bản học Hán Nôm nói riêng như: đối tượng, nhiệm vụ, lịch sử ra đời của văn bản học và văn bản học Hán Nôm; các khái niệm cơ bản của văn bản học (văn bản, bản tác giả, bản biên tập; bản hiệu đính, phiên bản, dị bản…) cũng như các vấn đề của văn bản học Hán Nôm (tình trạng   văn bản Hán Nôm, tính đa ngành trong nội dung văn bản…); sưu tầm và miêu tả văn bản; nghiên cứu lịch văn bản và khôi phục văn bản (thời gian, địa điểm, tác giả của văn bản); các tiêu chí làm công cụ cho việc giám định và xác định tác giả văn bản (chất liệu văn bản, các đặc điểm về ngôn ngữ, văn tự, kỵ huý…); các vấn đề về công bố văn bản.

Từ chương học Hán Nôm

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Từ chương học – môn học có lịch sử lâu đời, có liên hệ trực tiếp với hoạt động sáng tạo ngôn từ, một trong những phân nhánh của Ngữ văn học cổ điển. Trên cơ sở đó, sinh viên nắm được những thuật ngữ, khái niệm cốt lõi của từ chương học, những đặc điểm độc đáo của Từ chương học Hán Nôm, các phương thức từ chương học thông dụng (vận dụng điển cố, ý tại ngôn ngoại, ước lệ, tượng trưng, so sánh, ẩn dụ, phúng dụ, hoán dụ, nhân hoá, chơi chữ, đảo trang, hài thanh, song thanh điệp vận…) cũng như các vấn đề liên quan giữa từ chương học với thể loại văn học (vận văn, biền văn, tản văn).

Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo

Giúp cho sinh viên nhận thức một cách tổng quát nội dung chủ đạo của ba học thuyết lớn: Nho, Phật, Đạo vốn có ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình phát triển của văn hoá Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức trên, học phần đi vào các thuật ngữ, khái niệm, phạm trù chủ chốt, có tính cốt lõi của 3 học thuyết trên như: Khổng tử với chủ trương đức trị, lễ giáo dựa trên chữ Nhân; Mạnh tử với chủ trương nhân chính, vương đạo, tính thiện; Nhận thức luận trong Lão tử; Đạo pháp tự nhiên của Lão tử; Những tín niệm cơ bản của Phật giáo (vô ngã, vô thường, giải thoát, từ bi…). Quá trình diễn biến của ba học thuyết này trên quê hương của chúng cũng như trong môi trường văn hoá Việt Nam trên cơ sở minh giải một số trích đoạn văn bản Hán Nôm.