Chương trình đào tạo Ngành Triết học bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Triết học bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           TRIẾT HỌC (Philosophy)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân triết học nhằm đạt được các mục tiêu sau:

– Trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên môn của ngành Triết học, giúp sinh viên nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp tư duy khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan khoa học.

– Trên cơ sở nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật, sinh viên có thể vận dụng tốt những kiến thức triết học vào việc lý giải các vấn đề của thực tiễn.

– Có thể tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc có thể chuyển đổi sang những ngành học gắn với triết học theo yêu cầu của thực tiễn xã hội.

 

 

Cử nhân Triết học có thể làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các khoa học triết học, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng; có thể làm việc trong các ban, ngành của trung ương và địa phương.

Chương trình đào tạo Ngành Triết học bậc Đại học

Chương trình đào tạo

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lênin 8 Giáo dục Quốc phòng
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 9 Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 10 Tin học
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 11 Toán cao cấp
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 12 Vật lý học đại cương
6 Ngoại ngữ 13 Sinh học đại cương
7 Giáo dục thể chất 14 Môi trường và phát triển
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
a) Kiến thức cơ sở của khối ngành và của ngành
1 Dân tộc học đại cương 5 Lôgíc học hình thức
2 Đạo đức học đại cương 6 Cơ sở văn hoá Việt Nam
3 Mỹ học đại cương 7 Tôn giáo học đại cương
4 Những vấn đề triết học trong khoa học tự nhiên
b) Kiến thức ngành
1 Lôgíc học biện chứng 7 Lịch sử triết học cổ điển Đức
2 Triết học Mác – Lênin nâng cao 8 Sự ra đời và phát triển của triết học Mác – Lênin
3 Lịch sử triết học Trung Quốc cổ – trung đại 9 Một số tác phẩm triết học của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin
4 Lịch sử triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại 10 Một số trào lưu triết học phương Tây hiện đại
5 Lịch sử triết học ấn Độ cổ – trung đại 11 Lịch sử tư tưởng Việt Nam
6 Lịch sử triết học Tây Âu trung – cận đại

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Dân tộc học đại cương

Cung cấp những kiến thức cơ bản về dân tộc học: lịch sử phát triển của dân tộc học thế giới, các trường phái trong dân tộc học và lịch sử phát triển của dân tộc học Việt Nam; về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; đặc điểm của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, sự phân bố và các đặc trưng văn hoá tộc người ở Việt Nam (vùng, nhóm ngôn ngữ và tộc người), tính thống nhất và đa dạng của văn hoá tộc người Việt Nam, nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, vị trí của vấn đề dân tộc trong tiến trình lịch sử dân tộc và trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Đạo đức học đại cương

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản về đạo đức từ lập trường mácxít. Trên cơ sở nắm vững các khái niệm của đạo đức học, hiểu rõ quy luật của sự hình thành và phát triển đạo đức, đặc biệt là đạo đức mới, đạo đức cộng sản chủ nghĩa, sinh viên nâng cao được khả năng nhận thức, đánh giá và ứng dụng những kiến thức đã tiếp nhận được vào thực tiễn xây dựng đạo đức mới trong điều kiện hiện đại hoá xã hội ở Việt Nam.

Mỹ học đại cương

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về mỹ học từ lập trường mácxít. Trên cơ sở đó giúp sinh viên biết cách sống và sáng tạo theo quy luật của cái đẹp; biết phân biệt các loại hình nghệ thuật; biết cách phân tích và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, xác định cho mình một lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến, một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh.

Những vấn đề triết học trong khoa học tự nhiên

Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết mới nhất về các mặt bản thể luận, nhận thức luận, lôgíc học, phép biện chứng, đạo đức học, mối quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các khoa học tự nhiên với nhau và với triết học v.v… nảy sinh từ các phát minh mới nhất trong khoa học tự nhiên hiện đại; về vai trò của triết học duy vật biện chứng trong việc đánh giá các phát minh đó.

Lôgíc học hình thức

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản của lôgíc học hình thức, mối liên hệ hữu cơ giữa lôgíc học và triết học, các phương pháp nghiên cứu đặc thù của lôgíc học hình thức, các quy luật lôgíc cơ bản và vai trò, ý nghĩa quan trọng của lôgíc học trong việc hình thành, rèn luyện thói quen tư duy lôgíc chặt chẽ, trình bày vấn đề một cách khoa học.

Học phần cũng trang bị những kỹ năng nắm vững nguồn gốc, bản chất, đặc điểm và quan hệ của các khái niệm phán đoán, suy luận, chứng minh lôgíc thường dùng, từ đó vận dụng thành thạo các quy luật lôgíc trong tư duy, tránh sai lầm thường gặp trong suy nghĩ và trình bày vấn đề.

Cơ sở văn hoá Việt Nam

Cung cấp những khái niệm chung về văn hoá học và văn hoá Việt Nam, về hệ thống các thành tố văn hoá Việt Nam và những đặc trưng của chúng.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên những kỹ năng, phương pháp tiếp cận tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề của văn hoá Việt Nam.

Tôn giáo học đại cương

Cung cấp cho sinh viên những tri thức khoa học cơ bản và tương đối có hệ thống về tôn giáo với tư cách là một hiện tượng xã hội phức tạp, có lịch sử phát triển lâu dài và ảnh hưởng nhiều chiều đến đời sống tinh thần của con người.

Trên cơ sở các quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo, sinh viên có thể vận dụng để giải thích xu hướng vận động của tôn giáo trong lịch sử và hiện tại (trên thế giới cũng như ở Việt Nam), đồng thời nắm vững và thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Lôgíc học biện chứng

Trang bị cho sinh viên những kiến thức về lôgíc học biện chứng: đối tượng của lôgíc học biện chứng; những nguyên tắc cơ bản của lôgíc học biện chứng; các cặp phạm trù cơ bản của lôgíc học biện chứng; sự hình thành và phát triển khái niệm; các hình thức cơ bản của tư duy lôgíc biện chứng. Trên cơ sở những kiến thức cơ bản của lôgíc học biện chứng và khả năng vận dụng vào trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Triết học Mác – Lênin nâng cao

Trang bị cho sinh viên những kiến thức giúp sinh viên hiểu sâu hơn, có hệ thống hơn và nắm vững hơn những nguyên lý cơ bản của triết học Mác – Lênin: thế giới quan triết học Mác – Lênin; lý luận nhận thức của triết học Mác – Lênin; lý luận hình thái kinh tế – xã hội; vấn đề dân tộc, giai cấp, nhân loại; vấn đề con người; vấn đề nhà nước; vấn đề ý thức xã hội và vai trò của nó trong sự phát triển xã hội…

Học phần còn giúp sinh viên rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng; nâng cao năng lực, khả năng vận dụng các nguyên lý cơ bản của triết học Mác – Lênin vào việc nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn xã hội đang đặt ra.

Lịch sử triết học Trung Quốc cổ – trung đại

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về triết học Trung Quốc trong thời kỳ lịch sử cổ – trung đại (từ sơ khai đến thế kỷ XIX): điều kiện lịch sử hình thành; các trường phái và các triết gia tiêu biểu; nội dung tư tưởng triết học của các trường phái, triết gia tiêu biểu qua các giai đoạn; đặc điểm triết học Trung Quốc cổ – trung đại.

Học phần cũng giúp sinh viên đánh giá được những giá trị cơ bản và những đóng góp của triết học Trung Quốc thời kỳ cổ – trung đại đối với triết học thế giới; đồng thời cũng thấy được những hạn chế của triết học Trung Quốc, từ đó nâng cao tư duy biện chứng khoa học trong nghiên cứu triết học.

Lịch sử triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về triết học Hy Lạp – La Mã thời kỳ cổ đại (từ sơ khai đến thế kỷ thứ III): điều kiện lịch sử hình thành; những đặc điểm cơ bản; các trường phái và các triết gia tiêu biểu cùng với nội dung tư tưởng triết học của các trường phái và triết gia tiêu biểu thời cổ đại Hy Lạp – La Mã.

Học phần cũng giúp sinh viên biết vận dụng quan điểm duy vật biện chứng vào việc phân tích, đánh giá những giá trị, cũng như hạn chế của tư tưởng triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại, từ đó nâng cao tư duy biện chứng khoa học trong nghiên cứu triết học.

Lịch sử triết học ấn Độ cổ – trung đại

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về triết học ấn Độ thời kỳ cổ trung đại (từ sơ khai đến thế kỷ thứ XV): điều kiện lịch sử hình thành và phát triển; các trường phái; nội dung và đặc điểm tư tưởng triết học của các trường phái chủ yếu.

Học phần cũng giúp sinh viên đánh giá những giá trị, những đóng góp và những hạn chế của tư tưởng triết học ấn Độ cổ – trung đại, qua đó nâng cao tư duy biện chứng khoa học trong nghiên cứu triết học.

Lịch sử triết học Tây Âu trung – cận đại

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lịch sử triết học Tây Âu ở hai thời kỳ trung cổ – phục hưng và cận đại; điều kiện ra đời và phát triển; đặc điểm của triết học Tây Âu thời kỳ trung cổ, phục hưng và cận đại; những trường phái và triết gia tiêu biểu thời kỳ này.

Học phần cũng giúp sinh viên thấy những bước phát triển mới của triết học Tây Âu trung cổ, phục hưng và cận đại so với triết học Hy Lạp cổ đại nhưng vẫn nằm trong lôgíc chung của sự phát triển lịch sử triết học Tây Âu. Qua nghiên cứu, đánh giá triết học Tây Âu trung cổ, phục hưng và cận đại sinh viên nâng cao được năng lực tư duy khoa học và khả năng phân tích các trường phái triết học theo quan điểm mácxít.

Lịch sử triết học cổ điển Đức

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản của triết học cổ điển Đức, giúp sinh viên nắm được điều kiện ra đời, nội dung và đặc điểm của triết học cổ điển Đức; triết học cổ điển Đức trong sự phát triển của triết học nhân loại; nắm được phương pháp tư duy và nội dung tư tưởng triết học của các triết gia thời kỳ này. Qua nghiên cứu triết học cổ điển Đức giúp sinh viên nâng cao khả năng phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học các trường phái triết học.

Sự ra đời và phát triển của triết học Mác – Lênin

Giúp sinh viên có được những hiểu biết khái quát về điều kiện ra đời, quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển của triết học Mác – Lênin; ý nghĩa lịch sử của sự ra đời triết học Mác – Lênin; qua đó lĩnh hội đầy đủ hơn các nguyên lý cơ bản của triết học Mác – Lênin theo quan điểm lịch sử, hình thành phương pháp nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo triết học Mác – Lênin.

  1. Một số tác phẩm triết học của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin: 6 đvht

Giới thiệu và cung cấp cho sinh viên những nội dung tư tưởng triết học trong một số tác phẩm của C. Mác, Ph. Ănghgen và V.I. Lênin, qua đó giúp sinh viên nắm được một cách có hệ thống điều kiện lịch sử hình thành, phát triển, nội dung của những nguyên lý cơ bản của triết học Mác – Lênin và ý nghĩa của các nguyên lý đó trong lịch sử cũng như hiện nay. Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tìm tòi, phát hiện tư tưởng triết học khi đọc các tác phẩm kinh điển, cũng như khả năng tự phân tích, đánh giá, tổng hợp, khái quát các vấn đề triết học qua nghiên cứu sách báo.

Một số trào lưu triết học phương Tây hiện đại

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về triết học phương Tây hiện đại trên lập trường mácxít: điều kiện lịch sử hình thành; các trào lưu cơ bản và nội dung của chúng; những hạt nhân hợp lý và những hạn chế,… Thông qua nghiên cứu triết học phương Tây hiện đại sinh viên hiểu được mối liên hệ của chúng với triết học phương Tây nói chung, triết học Mác nói riêng; hiểu đó như là một bộ phận của lịch sử triết học, một bộ phận của văn hoá nhân loại, có những giá trị nhất định cần tiếp thu; giúp sinh viên có phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu, đánh giá triết học phương Tây hiện đại.

Lịch sử tư tưởng Việt Nam

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lịch sử tư tưởng Việt Nam (từ thời cổ đại đến nửa đầu thế kỷ XX): điều kiện lịch sử hình thành và các giai đoạn phát triển chủ yếu; nội dung và đặc điểm tư tưởng của các giai đoạn; những giá trị tích cực và những hạn chế của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Qua nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam sinh viên không những hiểu rõ nội dung tư tưởng mà còn hiểu về phong cách văn hoá, tư duy của người Việt; nắm được phương pháp nghiên cứu lịch sử tư tưởng, biết đánh giá khách quan khoa học và kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.