Chương trình đào tạo Ngành Ngôn ngữ­ học bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Ngôn ngữ­ học bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           NGÔN NGỮ HỌC (Linguistics)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Cử nhân ngôn ngữ học được trang bị những kiến thức căn bản về Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, trong đó bao gồm cả những tri thức về bản thể của đối tượng nghiên cứu cũng như các phương pháp nghiên cứu, phân tích cụ thể, để họ có thể tác nghiệp trong những môi trường rộng rãi có liên quan đến Ngôn ngữ học, Việt ngữ học và tiếng Việt như: nghiên cứu và giảng dạy về Ngôn ngữ học, Việt ngữ  học, làm biên tập xuất bản báo chí, phát thanh truyền hình …

Chương trình đào tạo còn giúp cho sinh viên có được những khả năng tiếp cận, tập sự nghiên cứu giải quyết những vấn đề hữu quan bằng lý luận và thực tiễn Ngôn ngữ học; đồng thời, họ cũng sẽ có được một số kỹ năng, thao tác làm việc Ngôn ngữ học đối với những đối tượng hữu quan mà trong quá trình tác nghiệp (nghiên cứu, giảng dạy, biên tập, truyền thông …) cần phải xử lý.

Chương trình đào tạo Ngành Ngôn ngữ­ học bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lênin 7 Giáo dục thể chất
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 8 Giáo dục Quốc phòng
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 9 Phương pháp nghiên cứu khoa học
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 10 Tin học
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 11 Thống kê xã hội
6 Ngoại ngữ 12 Môi trường và phát triển
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
a. Kiến thức cơ sở của khối ngành và ngành
1 Lôgic học đại cương 4 Hán văn cơ sở
2 Xã hội học đại cương 5 Chữ nôm
3 Cơ sở văn hoá Việt nam 6 Thực hành văn bản tiếng Việt
b. Kiến thức ngành
1 Đại cương về ngôn ngữ học 6 Phương ngữ học tiếng Việt
2 Ngữ âm học tiếng Việt 7 Phong cách học tiếng Việt
3 Từ vựng học tiếng Việt 8 Ngữ dụng học
4 Ngữ pháp học tiếng Việt 9 Các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt nam
5 Ngữ nghĩa học 10 Lý thuyết căn bản

Nội dung các học phần bắt buộc (Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

 

 

Lôgic học đại cương

Cung cấp những kiến thức cơ bản về lôgic học hình thức, mối liên hệ hữu cơ giữa lôgic học và triết học, các phương pháp nghiên cứu đặc thù của lôgic học hình thức, các quy luật lôgic cơ bản và vai trò, ý nghĩa quan trọng của lôgic học trong việc hình thành, rèn luyện thói quen tư duy lôgic chặt chẽ, trình bày vấn đề một cách khoa học.

Học phần cũng trang bị những kiến thức về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm và quan hệ của các khái niệm phán đoán, suy luận, chứng minh lôgic thường dùng, từ đó vận dụng các quy luật lôgic trong tư duy, tránh sai lầm thường gặp trong suy nghĩ và trình bày vấn đề.

Xã hội học đại cương

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về xã hội học bao gồm quá trình hình thành và phát triển cũng như đối tượng nghiên cứu xã hội học, những khái niệm cơ bản và một số trường phái xã hội học, những thiết chế và tổ chức xã hội cơ bản.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng thực hành, sử dụng các phương pháp định tính, định lượng trong nghiên cứu xã hội học.

Cơ sở văn hoá Việt nam

Cung cấp những khái niệm chung về văn hoá học và văn hoá Việt Nam, về hệ thống các thành tố văn hoá Việt nam và những đặc trưng của chúng.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên những kỹ năng, phương pháp tiếp cận tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề của văn hóa Việt nam.

Hán văn cơ sở

Cung cấp những kiến thức cơ sở về Hán văn, bao gồm những nguyên tắc cấu tạo hệ thống văn tự hiểu ý của người Hán, các quy tắc cú pháp, các hư từ quan trọng và vốn chữ Hán thường dùng.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên những khái niệm chung, những tri thức thông thường về thể loại Hán văn Việt nam và những tri thức văn hoá có liên quan để có thể lý giải được những văn bản Hán văn đơn giản.

Chữ Nôm

Cung cấp những kiến thức cơ bản về một nền văn tự cổ của Việt Nam đã từng được sử dụng để ghi chép về văn hoá và văn chương Việt Nam trong suốt 800 năm lịch sử: điều kiện ra đời và quá trình phát triển của chữ Nôm, đặc điểm loại hình văn tự khối vuông biểu ý, tính chất ghi âm đặc biệt của chữ Nôm, cấu trúc của chữ Nôm và cách đọc.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng phân biệt các cách đọc âm khác nhau trong chữ Nôm (Tiền Hán Việt, Hán Việt, Hán Việt Việt hoá, đọc chỉnh âm), kỹ năng phân tích các kiểu mô thức cấu trúc của chữ Nôm (chữ đơn hay vay mượn, chữ ghép hay sáng tạo, các tiểu loại chữ Nôm …) để vận dụng trong việc đọc các loại văn bản chữ Nôm.

Thực hành văn bản tiếng Việt

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức tổng quát và kỹ năng thực hành ngôn ngữ văn bản (chủ yếu là văn bản khoa học) tiếng Việt. Ngoài việc nâng cao nhận thức về thực hành văn bản trên hai phương diện tiếp nhận và tạo lập, học phần còn giúp cho sinh viên nắm được những kỹ năng quan trọng trong việc phân tích và tạo lập văn bản khoa học tiếng Việt.

Đại cương về ngôn ngữ học

Cung cấp cho sinh viên những tri thức khoa học căn bản về bản chất, chức năng, bản thể của ngôn ngữ, nguồn gốc của ngôn ngữ, mối quan hệ ngôn ngữ – tư duy, về hệ thống và các cấp độ, đơn vị của ngôn ngữ; những chi thức căn bản, mở đầu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa của ngôn ngữ và trong một chừng mực nhất định, một vấn đề về ngữ dụng.

Học phần cũng trang bị những thao tác làm việc cần thiết để sinh viên nhận thức được rõ hơn, thực hành tốt hơn về những vấn đề nói trên.

Ngữ âm học tiếng Việt

Cung cấp cho sinh viên những tri thức căn bản của ngữ âm tiếng Việt: hệ thống ngữ âm của tiếng Việt, cấu trúc âm tiết, các tiểu hệ thống âm vị, các giải pháp âm vị học trong những vấn đề hữu quan.

Luyện cho sinh viên các thao tác phân tích, nghiên cứu, xử lý các vấn đề của thực tiễn ngữ âm tiếng Việt.

Từ vựng  học tiếng Việt

Cung cấp những tri thức căn bản về từ và từ vựng tiếng Việt như: từ và cấu tạo từ, nghĩa của từ, các quan hệ ngữ nghĩa trong từ và trong từ vựng, phương pháp phân tích nghĩa của từ, các lớp từ, sự hình thành và phát triển của từ vựng tiếng Việt.

Huấn luyện cho sinh viên những thao tác áp dụng những nghiên cứu lý thuyết vào phân tích xử lý các vấn đề cụ thể của từ vững – ngữ nghĩa tiếng Việt.

Ngữ pháp học tiếng Việt

Từ pháp học tiếng Việt

Cung cấp những tri thức căn bản về từ pháp học tiếng Việt như: từ loại và hệ thống từ loại, hệ thống các tiểu loại từ, cấu trúc và chức năng các loại đoản ngữ như danh ngữ, động ngữ…

Huấn luyện những thao tác xử lý cụ thể trong lý luận cũng như thực tiễn nghiên cứu từ pháp học tiếng Việt

Cú pháp học tiếng Việt

Cung cấp những tri thức căn bản về cú pháp học tiếng Việt như: câu của tiếng Việt, các kiểu loại câu được phân loại, miêu tả theo những tiêu chí khác nhau và theo những hệ thống ngữ pháp khác nhau, những lý luận và phương pháp phân tích, miêu tả câu…

Bên cạnh đó, cũng huấn luyện cho sinh viên những phương pháp và thao tác phân tích câu, miêu tả hệ thống cú pháp học tiếng Việt

Ngữ nghĩa học

Cung cấp những tri thức căn bản về quá trình phát triển và những khái niệm cơ sở của ngữ nghĩa học; bước đầu giới thiệu một số phương pháp trong nghiên cứu và phân tích nghĩa, đặc biệt chú ý giới thiệu những vấn đề về lý luận và phương pháp mới của ngữ nghĩa học hiện đại.

Học phần cũng huấn luyện cho sinh viên những thủ pháp và thao tác ứng dụng vào phân tích ngữ nghĩa trong tiếng Việt.

Phương ngữ học tiếng Việt

Cung cấp những tri thức căn bản như: phân vùng phương ngữ và miêu tả những đặc điểm căn bản của các phương ngữ, phương ngữ và lịch sử ngôn ngữ dân tộ, phương ngữ và chuẩn ngôn ngữ, chuẩn hoá tiếng Việt.

Học phần cũng huấn luyện những thao tác cụ thể như lập bảng hỏi, chọn nghiệm chứng viên, lập bản đồ… để phân tích, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của các phương ngữ tiếng Việt.

Phong cách học tiếng Việt

Cung cấp cho sinh viên những tri thức căn bản về phong cách học tiêng Việt như: khái niệm và cơ sở phân chia các phong cách chức năng, các phương tiện và thủ pháp phong cách học của tiếng Việt, nét đặc trưng của các phong cách chức năng tiếng Việt.

Học phần cũng huấn luyện những phương pháp, thao tác cụ thể trong thực hành nghiên cứu phong cách học tiếng Việt.

Ngữ dụng học

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản như: lý thuyết hành vi ngôn ngữ, lý thuyết hội thoại, lý thuyết lập luận, ý nghĩa tường minh và ý nghĩa hàm ẩn, các loại ý nghĩa trong một phát ngôn, tiền giả định, hàm ý ngôn ngữ và hàm ý hội thoại, ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp…

Học phần cũng huấn luyện những thao tác căn bản trong nghiên cứu, phân tích ngôn ngữ từ cách tiếp cận của môn học này với bộ khái niệm cập nhật về ngữ nghĩa học và ngữ dụng học.

Các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt nam

Cung cấp cho sinh viên những tri thức căn bản về: bức tranh phân bố và bối cảnh địa lý – xã hội của ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, các nhóm ngôn ngữ xét theo quan hệ cội nguồn, các xu hướng, quá trình biến đổi của một số ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ, vấn đề song ngữ, xây dựng chính sách ngôn ngữ ở nước ta.

Lý thuyết văn bản

Cung cấp những tri thức căn bản về ngôn ngữ học và văn bản như: giao tiếp và văn bản, các loại hình văn bản, đoạn văn và ngôn ngữ, hệ thống liên kết văn bản.

Học phần cũng huấn luyện những phương pháp, thao tác vận dụng các vấn đề lý thuyết đó vào thực tiễn phân tích và tạo lập văn bản, vận dụng vào ngữ dụng học, phong cách học.