Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai có đáp án là đề thi thử có chất lượng được dethithu.online sưu tầm và giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn học sinh tham khảo. Hi vọng đây sẽ là tài liệu ôn thi đại học khối C, luyện thi THPT Quốc gia môn Văn hay, giúp các bạn thí sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm):
Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
…ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
Hôm nay…
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ – Đỗ Trung Quân)
Câu 1: Đặt nhan đề cho bài thơ. (0,25 điểm).
Câu 2: Đặt trong toàn bài thơ, câu thơ “Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?” có ý nghĩa gì? (0,25 điểm).
Câu 3: Đoạn thơ
“Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
sao mẹ già ở cách xa đến vậy”
tác giả muốn nói điều gì? (0,5 điểm)
Câu 4: Viết đoạn văn khoảng 5 dòng trình bày cảm xúc khi đọc xong đoạn thơ? (0,5 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
Thư Các Mác gửi con gái.
Con ơi! Dù con sợ Tình yêu, Tình yêu vẫn cứ đến.
Con đừng bao giờ tự hỏi rằng người yêu con có xứng với con không? Cái thứ Tình yêu mà lại mặc cả như món hàng ngoài chợ thì không còn gọi là tình yêu được nữa. Yêu là không so tính thiệt hơn, con ạ!
Nếu người con yêu là một người nghèo khổ thì con sẽ cùng người ấy chung sức lao động để xây đắp tô thắm cho Tình yêu. Nếu người yêu của con già hơn con thì con làm cho người đó trẻ lại với con. Nếu người yêu con bị cụt chân thì con sẽ là cái nạng vững chắc nhất đời họ. Tình yêu đẹp nhất sẽ đến với con nếu con nghĩ và làm đúng lời cha dạy.
Nhưng con cũng phải luôn tự hỏi xem người đó yêu con vì lẽ gì. Nếu người đó yêu con vì sắc đẹp, con nên nhớ sắc rồi sẽ tàn. Nếu người đó yêu con vì có chức tước cao thì khẳng định người đó không yêu con, con hãy từ chối và bảo họ rằng địa vị không bao giờ làm sung sướng cho con người, chỉ có sự làm việc chân chính mới thoả mãn lòng người chân chính.
Con phải độ lượng, phải giàu lòng vị tha nếu có sự hối hận thực sự. Con phải chung thuỷ với người con yêu. Nếu con làm mất hai chữ quý báu ấy, con sẽ hổ thẹn không lấy gì mà mua lại được. Con sẽ không được quyền tự hào với chồng, với con, với xã hội. Nếu con dễ dàng để cho 1 kẻ xa lạ nào đó đặt cái hôn gian manh bẩn thỉu lên môi con, thì trước khi hôn họ đã khinh con, đang khi hôn họ cũng khinh con và sau khi hôn họ càng khinh con hơn nhất.
Ai sẽ vì con mà chăm sóc đời con, vui khi con có tin mừng, buồn khi con không may, nhất định đó là chồng con.
Câu 5: Nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 6: Tại sao Các Mác lại nói: Dù con có sợ Tình yêu, Tình yêu vẫn cứ đến? (0,25 điểm)
Câu 7: Trong văn bản trên Các Mác sử dụng kiểu câu: “Nếu người con yêu là một người nghèo khổ thì con sẽ cùng người ấy chung sức lao động để xây đắp tô thắm cho Tình yêu”. Câu văn trên thuộc kiểu câu nào xét về mặt ngữ pháp? (0,25 điểm)
Câu 8: “Nếu con dễ dàng để cho 1 kẻ xa lạ nào đó đặt cái hôn gian manh bẩn thỉu lên môi con, thì trước khi hôn họ đã khinh con, đang khi hôn họ cũng khinh con và sau khi hôn họ càng khinh con hơn nhất”. Theo em tại sao Các Mác lại nói như vậy (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1. (3,0 điểm)
“Vào đêm thứ Sáu vừa qua, các ngươi đã cướp đi mạng sống một con người đặc biệt, tình yêu của đời ta, mẹ của con trai ta nhưng ta sẽ không bao giờ căm thù các ngươi dù chỉ là một giây phút.
Ta không quan tâm và cũng không muốn biết các ngươi là ai – những kẻ linh hồn đã chết. Nếu Chúa trời mà các người tôn thờ biết tới chúng ta thì mỗi viên đạn găm trên người vợ ta sẽ là một vết thương cào xé trái tim ông ấy.
Thế nên, ta sẽ không bao giờ cho phép mình ghét bỏ các ngươi. Các ngươi muốn ta căm ghét nhưng ta sẽ không đáp trả bằng sự giận dữ ngu ngốc. Sự vô minh ấy đã hình thành nên thứ hình hài như các ngươi.
Các ngươi muốn ta run sợ, muốn nhìn những người đồng bào của mình bằng ánh mắt nghi ngờ, muốn ta hy sinh tự do vì an toàn cá nhân. Các ngươi đã nhầm”.
Viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Bàn về đặc điểm cái tôi trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt. Lại có ý kiến khẳng định: Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
Từ cảm nhận về cái tôi của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm):
1. Nhan đề của bài thơ: Mẹ/ Con sẽ không đợi một ngày kia/…
2. Đặt trong toàn bài thơ, câu thơ “Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?” có ý nghĩa: chỉ sự ra đi vĩnh viễn của người mẹ, chỉ sự mất mát to lớn của con khi mẹ ra đi – đó là những yêu thương, chăm sóc mà mẹ đã dành cho con.
3. Đoạn thơ “Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân/…/sao mẹ già ở cách xa đến vậy”, tác giả muốn nói lên một quy luật phổ biến trong cuộc sống:
- Chúng ta thường mải miết với cuộc sống riêng của mình mà lãng quên mẹ, lãng quên những ân cần của mẹ. Và chỉ khi vấp ngã, đối mặt với sự lạnh lùng, vô cảm của người đời, chúng ta mới nhớ đến mẹ nhưng có thể mẹ già đã không còn bên ta nữa.
- Câu thơ “sao mẹ già ở cách xa đến vậy” chứ đựng niềm ân hận, xót xa của một người con đã từng sống vô tâm, ích kỉ.
4. Đoạn văn cần nêu được tình cảm của người viết đối với mẹ và rút ra bài học cho bản thân: phải biết yêu thương, kính trọng mẹ, biết ơn, trân trọng những gì cha mẹ đã dành cho ta. Tình yêu thương đó cần được thể hiện bằng hành động cụ thể ngay từ hôm nay: quan tâm, chăm sóc, vâng lời, học tập, tu dưỡng tốt,…
5. Nội dung chính của văn bản: Lời dạy của Các Mác với con gái về tình yêu đích thực.
6. Các Mác nói “Dù con có sợ Tình Yêu, Tình Yêu vẫn cứ đến” vì đó là thứ tình cảm tự nhiên của con người, dù muốn hay không thì vẫn trải qua tình cảm đó.
7. Câu “Nếu người con yêu…tô thắm cho Tình Yêu” sử dụng kiểu câu ghép: Nguyên nhân – Kết quả.
8. Các Mác nói: “Nếu con dễ dàng…càng khinh con hơn nhất” vì:
- Nó thể hiện sự dễ dãi bởi nụ hôn là biểu hiện của tình yêu nhưng tình yêu phải xuất phát từ sự tìm hiểu kĩ càng, chín chắn chứ không dễ dàng hôn một người xa lạ như vậy.
- Với người phụ nữ đã có chồng, hành động đó là sự phản bội với chồng của mình nên người phụ nữ không đánh được tôn trọng.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1. (3,0 điểm)
“Vào đêm thứ Sáu vừa qua,… Các ngươi đã nhầm “.
Viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lời tâm sự trên.
1. Giải thích nội dung đoạn trích:
- Đoạn trích là lời tâm sự của một người đàn ông vừa mất đi những người thân yêu nhất:
- Hoàn cảnh nhân vật: “Vào đêm thứ Sáu…mẹ của con trai ta”
- Tâm trạng của nhân vật: đau đớn đến tận cùng nhưng vẫn kìm nén và thể hiện lòng vị tha:“không bao giờ căm thù”, “không quan tâm, không muốn biết ai là người đã giết vợ ta – những kẻ linh hồn đã chết”, “không bao giờ cho phép mình ghét bỏ các ngươi”; “không đáp lại bằng sự giận dữ ngu ngốc”…
- Lí do: Anh nhìn thấu ý đồ xấu xa, đen tối của kẻ thù là muốn anh nghi ngờ đồng bào, có hành động phản kháng để chúng lấy cớ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh. Anh không muốn mình trở thành một kẻ sát nhân không để đối phương đạt được mục đích, chấp nhận nén nỗi đau cá nhân để bảo vệ nền độc lập của đất nước mình.
=> Tâm sự của người đàn ông đã khiến chúng ta phải suy ngẫm về lòng vị tha trong cuộc sống.
2. Nghị luận về lòng vị tha:
a. Khái niệm:
- Lòng vị tha là sự bao dung, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm mà người khác đem lại cho mình và người thân của mình.
b. Phân tích, bàn luận về lòng vị tha trong cuộc sống:
- Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng sẽ từng có lúc phải gánh chịu những chuyện không may do người khác gây ra. Có người sẽ tức giận tìm cách trả thù một cách điên cuồng, mù quáng, song sự bình tĩnh, tỉnh táo, suy xét kĩ lưỡng vấn đề và học cách tha thứ là điều nên làm hơn cả.
- Ý nghĩa tác dụng của lòng vị tha:
- Giúp xóa bỏ hận thù.
- Kiềm chế được tức giận, kìm hãm được những hành động sai trái khi mất đi sự kiểm soát của lý trí.
- Giúp tâm hồn con người thanh thản, nhẹ nhàng, cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Có thể cảm hóa được đối phương.
- Biểu hiện của lòng vị tha: không có những lời lẽ sỉ nhục đối phương, không tìm cách trả thù, gây hại đối phương, sẵn sàng giúp đỡ người đã từng hại mình khi gặp hoàn cảnh khó khăn…
- Trái ngược với lòng vị tha là sự hận thù, nó làm cuộc sống của chính chúng ta trở nên căng thẳng, mệt mỏi trước nhất, có thể đưa ta đến những con đường tội lỗi. Vì vậy, cần hóa giải sự hận thù.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức: Lòng vị tha là phẩm chất cần có ở mỗi con người, là biểu hiện của tính người và tình người.
- Hành động: Bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt để suy xét vấn đề; dùng tình yêu thương, vị tha để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Câu 2. (4,0 điểm) Cảm nhận về cái tôi của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng.
1. Giới thiệu chung:
- Là một trong những người viết thơ tình có sức hấp dẫn nhất trong thơ Việt nam từ đầu thập kỉ 60(của TK XX), Xuân Quỳnh vừa choinh phục bạn đọc bằng một tiếng nói dung dị,chân thành vừa giàu trực cảm vừa lắng sâu trải nghiệm.
- Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh viết năm 1967 tại biển Diêm Điền-Thái Bình, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh.
- Trích dẫn 2 ý kiến.
2. Cảm nhận về cái “tôi” trong bài thơ làm sáng tỏ 2 ý kiến:
a.. Giải thích 2 ý kiến:
- Cái tôi là cái bản ngã, là tâm trạng, cảm xúc, là thế giới tâm hồn riêng của nhà thơ trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi, ta có thể thấy được những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng… của nhà thơ trước cuộc đời.
- Khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt: là những mong muốn, khát khao trong cuộc sống và tình yêu được đẩy lên đến cao độ, nồng nàn.
- Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người: là cái tôi tinh tế trong cảm nhận, trăn trở suy tư khi nhận ra sự mong manh trong tình yêu và sự ngắn ngủi của đời người.
=> 2 ý kiến, 2 góc nhìn khác nhau song đều hướng vào khám phá thế giới tâm hồn của nhà thơ.
b. Cảm nhận về cái tôi trong bài “Sóng”:
Hình ảnh cái tôi Xuân Quỳnh được thể hiện song hành, gắn bó với hình tượng “sóng”, khi tách rời, khi nhập vào làm một.
- Cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt:
- Cái tôi với nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu giống như qui luật của sóng trên biển cả: lúc mạnh mẽ lúc dịu dàng, đầy nữ tính: dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ. Cái tôi ấy luôn khát khao được sống đúng với cá tính của mình, được thấu hiểu và được yêu thương nên đã dấn thân vào hành trình gian truân tìm kiếm hạnh phúc, hướng tới tình yêu chân thành, đích thực: sông không hiểu nổi mình/ sóng tìm ra tận bể.
- Cái tôi còn khát vọng khám phá bản chất, nguồn gốc của tình yêu, để rồi nhận ra rằng tình yêu là bí ẩn như là sóng và không thể nào lí giải được. (Khổ 3,4)
- Cái tôi mang nỗi nhớ nồng nàn da diết vượt qua mọi khoảng cách không gian, mọi giới hạn thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi cả vào trong tiềm thức, xâm nhập cả vào những giấc mơ. (Khổ 5,6)
- Cái tôi khát vọng và tin tưởng tình yêu chung thuỷ sẽ vượt qua những biến động của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời để đến được bến bờ hạnh phúc. (Khổ 7,8)
- Cái tôi nhạy cảm day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người:
- Giả thiết: “dẫu xuôi”, “dẫu ngược” chất chứa dự cảm về những trắc trở trong tình yêu. “Phương Bắc”, “phương Nam”: gợi không gian xa cách, ẩn giấu những phấp phỏng lo âu về sự cách trở. Như vậy, ngay cả khi tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, say đắm, lòng người phụ nữ vẫn không tránh khỏi những dự cảm không lành.
- Cái tôi tìm cách hoá giải nghịch lý và nỗi day dứt ấy bằng khát vọng hoá thân vào sóng, hoà nhập vào biển lớn tình yêu để tình yêu được bất tử hóa, vượt qua sự hữu hạn của đời người. (Khổ 9)
- Nghệ thuật thể hiện:
- Cái tôi trong Sóng được thể hiện bằng thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết, riêng khổ 5 là khổ duy nhất trong bài gồm 6 câu thơ, như một sự phá cách để thể hiện một trái tim yêu tha thiết, nồng nàn.
- Ngôn ngữ bình dị với thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ, các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; cặp hình tượng sóng và em vừa sóng đôi, vừa bổ sung hoà quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của cái tôi thi sĩ.
3. Bình luận, lí giải 2 ý kiến:
- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau thể hiện sự nhìn nhận toàn diện về cái tôi của thi sĩ; giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
- Đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời của nó – đó là những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang vô cùng căng thẳng và đặt trong cảnh ngộ riêng của nhà thơ – từng đổ vỡ trong tình yêu, chúng ta sẽ thấu hiểu vì sao trong cái tôi Xuân Quỳnh lại có những thái cực cảm xúc tưởng chừng đối lập như vậy.
- Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Với trái tim yêu nồng nàn, tha thiết, Xuân Quỳnh mãi là nhà thơ tình được nhiều độc giả trong và ngoài nước yêu thương, mến mộ.