Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đông Hà, Quảng Trị

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đông Hà, Quảng Trị

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đông Hà, Quảng Trị (Lần 1) Đề thi thử Đại học môn Văn có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đông Hà, Quảng Trị (Lần 1) có đáp án đi kèm, là tài liệu luyện thi đại học môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, những bạn chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Hi vọng các bạn sẽ đạt thành tích tốt trong bài thi sắp tới.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

 

 

“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao.

Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.

…Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao

Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.”

(Trích: Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương. Nguồn: SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2, Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, NXB Giáo dục, 2008 )

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả của các biện pháp tu từ trong khổ thơ thứ 3 của đoạn trích.

Câu 4: Đoạn thơ nào gợi cho anh/chị ấn tượng sâu sắc nhất? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

“…Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.”

(Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng lẽ bó tay?– Ths Trương Khắc Trà – Báo Dân trí ngày 3/1/2016).

Câu 5: Nêu nội dung của đoạn trích.

Câu 6: Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận gì?

Câu 7: Chỉ ra một biện pháp tu từ trong đoạn trích. Qua biện pháp tu từ ấy, tác giả muốn thể hiện thái độ gì khi bàn về thực phẩm bẩn?

Câu 8: Anh/Chị có suy nghĩ gì trước vấn nạn “thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc”? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lí do để cười.

Anh/ Chị hãy viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm):

Trình bày cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của bát cháo hành và nồi chè khoán trong hai đoạn văn sau:

“…Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?”

(Trích Chí Phèo – Nam Cao. SGK Ngữ văn lớp 11,tập 1)

“…Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

– Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

– Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

– Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.”

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân. SGK Ngữ văn lớp 12, tập 2)