Khai báo “Họ và tên” hay “họ tên” là đủ ?

Khai báo “Họ và tên” hay “họ tên” là đủ ?

“Họ và tên” (hay “họ tên”) là nội dung cần khai báo đầu tiên trong các bản khai lý lịch, đơn từ mà mỗi người chúng ta hay thực hiện. Với tư cách công dân, mỗi người trong đời mình cũng phải khai báo không ít văn bản mang tính pháp lý mà văn bản nào cũng phải bắt đầu bằng việc “xưng danh” tên và họ.

Khai báo “Họ và tên” hay “họ tên” là đủ ?

Khai báo “Họ và tên” hay “họ tên” là đủ ?

Đấy là vấn đề mang tính quy phạm. Còn trong mọi cuộc giao tiếp, nhất là trong bối cảnh gặp nhau lần đầu thì chúng ta bắt buộc phải xưng danh để hai bên nhận diện, làm quen với nhau. Bây giờ văn minh, ngoài việc tự giới thiệu bằng lời, người ta còn trao cho nhau tấm các-vi-dít (carte de visite) thay lời trình diện. Và dù theo cách nào, việc xưng đầy đủ họ và tên mỗi người cũng là cần thiết.

Nhưng viết họ, tên thế nào là đúng cách?

Trong cấu trúc thông thường một cái tên người Việt, ta thấy có “họ + tên đệm + tên”. Ví dụ: Nguyễn Văn Thành, Bùi Thị Yến. Trước đây, để phân biệt giới tính, tên nam giới thường được đệm là “Văn” và nữ giới đệm là “Thị”. Dần dần, cách đặt tên đệm “Văn”, “Thị” đã không còn phổ dụng nữa, nhất là chữ “Thị” càng ngày càng bị mọi người ít dùng (như một thành tố bắt buộc). Hoặc là người ta bỏ hẳn “Thị” (Bùi Thanh Yến, Khuất Thu Hồng) hoặc thêm một thành tố khác kề sau “Thị” (Lê Thị Thanh Hương, Phạm Thị Thu Trang). Cách đặt tên kèm tên tự thời trước (Trúc Khê Ngô Văn Triện, Á Nam Trần Tuấn Khải, Thanh Ba Bùi Đức Tịnh) gần như đã không còn. Càng ngày, người ta càng đa dạng hóa cách đặt tên bằng cách hoặc rút ngắn (chỉ còn 2 âm tiết, thường đối với con trai: Đinh Liệt, Võ Quý, Trần Hà), hoặc kéo dài quá 3 âm tiết (Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Tôn Nữ Diễm Hạnh Ngân, Trần Hoàng Lưu Ly Thiên Chức), hoặc đệm thêm tên nước ngoài (Jennifer Phạm, Louis Huỳnh Mai Phương, Dũng Taylor)…

“Họ” có là “tập hợp những người có cùng một tổ tiên, một dòng máu” và trong giao tiếp, họ là “tiếng đặt trước tên riêng, dùng chung cho những người cùng một họ để phân biệt với họ khác”. Còn “tên” là “từ hoặc nhóm từ dùng để chỉ một cá nhân, cá thể nhằm phân biệt với những cá nhân, cá thể khác” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2015). Với những trường hợp cần phải khai báo rõ ràng theo quy định thì việc ghi “họ tên” đầy đủ là bắt buộc và cần thiết. Đầy đủ tức là phải gồm “họ + tên đệm + tên chính” (tên khai sinh), không được thiếu bất cứ thành tố nào (tên có 2 âm tiết hay 10 âm tiết cũng phải ghi). Trong các chương trình truyền hình, ta thấy tên các phát thanh viên thường chỉ viết bằng 2 âm tiết: Kim Tiến, Minh Trí, Vân Anh, Hữu Bằng, Nguyễn Ngân, Đan Lê… Với các cầu thủ bóng đá cũng vậy, hầu hết các cầu thủ xuất hiện trên sân chỉ được giới thiệu bằng 2 từ (Công Vinh, Anh Đức, Đình Tùng, Thành Lương…). Đấy là cách nói “gọn hóa” cho tiện và tiết kiệm, chứ trong danh sách đăng ký thi đấu hay trong biên bản trận đấu thì tên các cầu thủ phải ghi rõ họ tên. Với các em học sinh, bài kiểm tra (hay bài thi), họ tên phải ghi đầy đủ, không được lược bỏ họ mà ghi trống không: “Liên Hương”, “Hữu Chí”, “Mai Diên”… Tôi đã từng đọc các bài thi của các em, họ tên được ghi rất đại khái, cẩu thả (như chỉ viết gọn lỏn: Phạm Q. Hồng, V. Thanh, Hồng Mai…), thầy cô rất khó vào sổ, nhất là có khi lại có 2 – 3 cái tên trùng nhau trong một lớp. Đành phải có cách “đánh dấu” bổ sung để phân biệt: Nguyễn Mạnh Hùng A, Nguyễn Mạnh Hùng B… Với cách ghi tên cẩu thả như vậy, rất nhiều thầy cô đã từ chối chấm bài vì không hợp lệ trường quy.

 

 

Vừa qua, các cơ quan hữu quan quản lý hộ khẩu đã có ý kiến là tên người Việt Nam không dài quá 25 ký tự. Dự định này đã nhận được nhiều ý kiến phản đối. Tên riêng là quyền của mỗi người. Người ta có quyền đặt dài ngắn, hay dở tùy theo quan niệm. Nhưng theo tôi, thông thường, 5 (hoặc 6) âm tiết cho một cái tên pháp lý là phù hợp. Mỗi âm tiết chỉ tên tiếng Việt có thể 1chữ cái (A, như Lê A, Y – Trần Thanh Y), có thể có 7 chữ cái (Nghiêng – Đỗ Văn Nghiêng). Nếu tên 5 – 6 âm tiết thì cũng phải mất xấp xỉ (hoặc hơn) 25 ký tự. Bởi với mọi loại giấy tờ tùy thân, trong đó có chứng minh thư, “diện tích dành để ghi tên” trong khung thiết kế ma-két là có hạn. Nếu viết dài quá sẽ ảnh hưởng đến việc trình bày và khó trong việc quản lý (mã hóa họ, tên cho công dân)… Đặt tên là quyền của mỗi người, nhưng nó phải thỏa mãn những yêu cầu thực tế (việc này thực hiện đầu tiên trong giấy khai sinh), phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và tiện lợi khi sử dụng.

Theo: Báo lao động