Chương trình đào tạo Ngành Sư phạm Hóa học bậc Đại học
- Ngành đào tạo: SƯ PHẠM HÓA HỌC (Chemistry Teacher Education)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Đào tạo giáo viên có trình độ cử nhân khoa học có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, đảm bảo được những yêu cầu đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, dạy học môn hóa học ở trường Trung học phổ thông; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trung học phổ thông về quy mô, chất lượng, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; có chí hướng, có khả năng tự học tự nghiên cứu, tiếp tục học tập suốt đời, học lên trình độ cao hơn.
Mục tiêu cụ thể
Về phẩm chất đạo đức
Có phẩm chất cơ bản của người giáo viên nhà trường XHCN Việt Nam: thấm nhuần thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu người học, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao, có đạo đức tốt, có tác phong mẫu mực của người giáo viên.
Về kiến thức
Có những kiến thức chung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; hiểu và nắm vững các kiến thức chuyên sâu về hóa học cơ bản ở trình độ đại học; hiểu và nắm vững các kiến thức về lý luận nghiệp vụ sư phạm; các yêu cầu đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả dạy học ở trường phổ thông.
Về kỹ năng
Có kỹ năng tiến hành các thực nghiệm hóa học, các phương pháp nghiên cứu khoa học và bước đầu có khả năng tư duy sáng tạo trong công tác. Có kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, vận dụng được những kiến thức về tâm lý, giáo dục học, phương pháp dạy học để giảng dạy tốt môn hóa học ở trường Trung học phổ thông.
Chương trình đào tạo Ngành Sư phạm Hóa học bậc Đại học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Triết học Mác – Lênin | 12 | Giáo dục học |
2 | Kinh tế chính trị Mác – Lênin | 13 | Quản lý hành chính Nhà nước và Quản lý ngành giáo dục và đào tạo |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 14 | Đại số và hình giải tích |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 15 | Giải tích 1 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 16 | Giải tích 2 |
6 | Ngoại ngữ | 17 | Phương trình vi phân |
7 | Giáo dục Thể chất | 18 | Vật lý đại cương 1 |
8 | Giáo dục Quốc phòng | 19 | Vật lý đại cương 2 |
9 | Phương pháp nghiên cứu khoa học | 20 | Thí nghiệm Vật lý đại cương |
10 | Tin học | 21 | Xác suất thống kê |
11 | Tâm lý học | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
1 | Nhập môn Cơ học lượng tử và Vật lý nguyên tử | 6 | Các phương pháp phổ ứng dụng vào Hóa học |
2 | Hóa học Đại cương 1 | 7 | Đối xứng phân tử và lý thuyết nhóm |
3 | Hóa học Đại cương 2 | 8 | Đánh giá thống kê các số liệu thực nghiệm hóa học |
4 | Thí nghiệm Hóa học Đại cương | 9 | Lý luận dạy học môn Hóa học |
5 | Tin học ứng dụng trong Hóa học |
Nội dung các học phần bắt buộc
Phương pháp nghiên cứu khoa học
Nội dung bao gồm: những kiến thức cơ bản về khoa học và nghiên cứu khoa học, về bản chất của nghiên cứu khoa học cũng như cấu trúc logic của một công trình khoa học; các thao tác nghiên cứu khoa học, xây dựng, chứng minh và trình bày các luận điểm khoa học; phương pháp trình bày một báo cáo khoa học; viết được một công trình khoa học và bước đầu biết vận dụng kỹ năng nghiên cứu khoa học vào việc học tập ở đại học.
Tin học
Nội dung môn học bao gồm: các khái niệm cơ bản về xử lý thông tin và máy tính điện tử; các thao tác truy cập Internet, các kỹ năng sử dụng hệ điều hành để thao tác trên máy tính điện tử; khai thác một số phần mềm ứng dụng, soạn thảo và lưu trữ các văn bản phục vụ công tác văn phòng; sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu để tính toán khoa học và giải quyết các vấn đề chuyên môn.
Tâm lý học
Nội dung bao gồm kiến thức cơ bản về Tâm lý học đại cương; Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm. Tâm lý học đại cương trình bày khái quát về hiện tượng tâm lý người; nguồn gốc và bản chất của các hiện tượng tâm lý; các yếu tố tác động đến sự hình thành và biểu hiện của hiện tượng tâm lý người. Tâm lý học lứa tuổi mô tả khái quát về đặc điểm các giai đoạn phát triển của cá nhân từ sơ sinh đến trưởng thành. Tâm lý học sư phạm trình bày những cơ sở tâm lý học của các hoạt động dạy học và giáo dục trẻ em.
Giáo dục học
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về giáo dục học bao gồm: Lý luận chung về giáo dục (những vấn đề lý luận về giáo dục, hệ thống giáo dục và giáo dục học); lý luận và thực hành tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục (nghĩa hẹp) trong nhà trường; lý luận và thực hành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
Đại số và hình học giải tích
Giới thiệu khái niệm số thực và số phức; định lý cơ bản của đại số về nghiệm của đa thức và các thuật toán liên quan đến đa thức, hàm hữu tỷ; ma trận, định thức và hệ phương trình tuyến tính; không gian Euclide n – chiều; vectơ n – chiều, tích vô hướng, ánh xạ tuyến tính, dạng toàn phương; áp dụng lý thuyết dạng toàn phương để nhận dạng các đường bậc hai và mặt bậc ba.
Giải tích 1
Phép tính vi phân các hàm một biến và nhiều biến (2 biến và 3 biến); bổ túc về giới hạn của hàm một biến (giới hạn dãy số và giới hạn liên tục của hàm một biến); một số khái niệm về tập hợp trên mặt phẳng tọa độ và khái niệm hàm hai biến; phép tính vi phân hàm nhiều biến; áp dụng vi phân để tính gần đúng và tìm cực trị.
Giải tích 2
Lý thuyết tích phân hàm một biến và nhiều biến, bổ túc về tích phân bất định và các phương pháp tính tích phân bất định; các phương pháp tính tích phân xác định (kể cả công thức tính gần đúng); một số ứng dụng của tích phân xác định; mở rộng tự nhiên của tích phân xác định: tích phân 2 lớp, 3 lớp và ứng dụng; những khái quát của khái niệm tích phân xác định (tích phân suy rộng; tích phân đường, tích phân mặt); nghiên cứu sự hội tụ và phân kỳ của chuỗi số dương, chuỗi đan dấu, chuỗi luỹ thừa và chuỗi Fourier.
Phương trình vi phân
Một số bài toán dẫn đến một số dạng phương trình vi phân, các khái niệm cơ bản về phương trình vi phân; phương pháp giải một số phương trình vi phân cấp 1 đơn giản nhất; phương trình vi phân cấp cao: một số dạng hạ thấp cấp được và phương trình vi phân tuyến tính cấp 2; một số hệ phương trình vi phân tuyến tính cấp 1 với hệ số hằng; giới thiệu phương pháp giải các phương trình đạo hàm riêng tuyến tính cấp hai (phương trình truyền nhiệt, phương trình truyền sóng và phương trình Laplace).
Xác suất – Thống kê
Khái niệm, tính chất của xác suất; đối tượng và phương pháp nghiên cứu của thống kê toán học; các kết quả cơ bản của xác suất và thống kê; tính xác suất của một số biến cố; lập bảng phân phối (hàm mật độ) và hàm phân phối; tìm các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên và ý nghĩa thực tiễn của chúng; các phân phối cơ bản (nhị thức Poisson, mũ, đều, chuẩn…); ước lượng các ẩn chưa biết; so sánh hai trung bình, hai tỷ lệ, hai phương sai; tiêu chuẩn phù hợp khi bình phương (c2); tính hệ số tương quan, tìm đường hồi quy tuyến tính thực nghiệm giữa hai biến.
Vật lý đại cương 1
Nội dung bao gồm những kiến thức cơ bản về cơ học như: chuyển động của chất điểm; mối liên hệ giữa lực và chuyển động; công và năng lượng; chuyển động quay của vật rắn; chuyển động của chất khí; chuyển động dao động và những kiến thức cơ sở về thuyết tương đối hẹp; khái niệm cơ bản của nhiệt động lực học, thuyết động học phân tử khí, trạng thái rắn của vật chất và sự chuyển pha.
Vật lý đại cương 2
Những kiến thức cơ bản về điện trường; từ trường; tương tác điện, tương tác từ; các hiện tượng cảm ứng điện từ; chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và trong từ trường; chuyển động dao động và sóng điện từ; các hiện tượng đặc trưng của quá trình sóng như giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng; các hiện tượng hấp thụ, tán sắc và phân cực ánh sáng.
Thí nghiệm Vật lý đại cương
Học phần bao gồm các bài thí nghiệm về một số hiện tượng; định luật trong các phần cơ học, vật lý phân tử và nhiệt, điện từ học, quang học như: đo độ dài, chuyển động của con lắc Toán học; nghiên cứu một số định luật cơ bản của chuyển động trên máy Awood; xác định gia tốc trọng trường bằng con lắc thuận nghịch, xác định hệ số nhiệt độ của chất lỏng bằng phương pháp Stock; đo suất điện động và điện trở; xác định đương lượng nhiệt; xác định vận tốc truyền âm trong không khí; nghiên cứu chuyển động quay bằng con lắc chữ thập; xác định điện tích riêng của electron bằng phương pháp manheton; xác định nhiệt độ Curie sắt từ, quang hình học, nghiên cứu dao động ký điện tử; nghiên cứu hiện tượng nhiễu xã qua khe hẹp hoặc cách tử.
Nhập môn cơ học lượng tử và Vật lý nguyên tử
Nội dung bao gồm kiến thức cơ sở về Cơ học lượng tử không tương đối tính với phương trình Srođingơ trạng thái dừng và một số kết quả áp dụng vào việc nghiên cứu nguyên tử. Hệ thống kiến thức gồm có: Toán tử (khái niệm, các toán tử tuyến tính Hecmit, các định lý); hàm riêng, trị riêng của toán tử tuyến tính Hecmit.
Các tiên đề cơ học lượng tử. Lời giải phương trình Srođingơ trạng thái dừng cho một số hệ đơn giản: hạt trong hộp thế, quay tử cứng, dao động tử điều hòa, nguyên tử hiđro và ion giống nó; các khái niệm cơ bản: obitan nguyên tử, hàm mật độ xác suất; 4 số lượng tử.
Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học (sơ lược về các phương pháp gần đúng tính các nguyên tử phức tạp; cấu hình electron; hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học dưới ánh sáng của cơ học lượng tử).
Hóa học đại cương 1
Học phần này gồm các nội dung:
Một số vấn đề về Hóa học hạt nhân; một số vấn đề tiền cơ học lượng tử; cấu tạo nguyên tử; các khái niệm cơ bản (AO, Hàm mật độ xác suất; mây electron; spin electron); mối liên hệ giữa bảng hệ thống tuần hoàn với cấu tạo nguyên tử; phân tử và liên kết hóa học (Đại cương về liên kết hóa học; hình học phân tử; thuyết liên kết hóa trị (VB); thuyết obitan phân tử (MO); phương pháp gần đúng MO-Hucken); liên kết hóa học trong hợp chất phức; đại cương về hóa học tinh thể.
Hóa học đại cương 2
Nội dung bao gồm: Nghiên cứu các quy luật điều khiển các quy trình hóa học: nhiệt động học hóa học, động hóa học, điện hóa học. Xét các thông số nhiệt động, nội năng, entanpi, entropi, thế đẳng áp, đẳng nhiệt, khả năng và chiều hướng mức độ diễn ra quá trình hóa học. Đại cương về nhiệt động học dung dịch.
Tốc độ và cơ chế phản ứng hóa học: ảnh hưởng của nồng độ, nhiệt độ, chất xúc tác đến tốc độ phản ứng; phản ứng dây chuyền, quang hóa, xúc tác men (enzim). Hóa học với dòng điện (điện cực, thế điện cực, phương trình Nersnst, cân bằng oxi hóa khử, sự điện phân). Một số cân bằng khác trong dung dịch chất điện ly (cân bằng axit bazơ, cân bằng hòa tan, sự điện ly, thủy phân, cân bằng tạo phức, dung dịch keo), thuyết axit bazơ.
Thí nghiệm Hóa học đại cương
Các thí nghiệm đại cương minh họa một cách định lượng bằng thực nghiệm các kiến thức được đưa ra trong chương trình lý thuyết có khoảng 15 bài thí nghiệm.
Tin học ứng dụng trong Hóa học
Nội dung bao gồm kiến thức về thuật toán, củng cố các lệnh cơ bản về INPUT, OUPUT, FUNCTION, PROCEDURE của ngôn ngữ PASCAL; bước đầu lập trình được cho một số bài toán Hóa học đơn giản; ngân hàng các chương trình con (đối tượng hóa học như: hồi quy phi tuyến, phương pháp đơn hình, lọc Kalman, entropi cực đại, thuật giải di truyền, mạng nơron, biến đổi Fourier,…).
Các phương pháp phổ ứng dụng trong hóa học
Nội dung bao gồm kiến thức cơ sở lý thuyết và thực nghiệm về các phương pháp phổ.
Các cơ sở chung: sóng điện từ, màu, áng sáng; cơ sở của từng phương pháp phổ trong đó yếu tố chủ đạo là năng lượng liên hệ với từng tham số đặc trưng của từng loại phương pháp phổ.
Các kiến thức và kỹ năng thực nghiệm về từng phương pháp phổ được đề cập có hệ thống, đạt tới yêu cầu: sinh viên bước đầu xử lý được các phổ đồ (bản ghi phổ) để thu thập thông tin Hóa học cần thiết.
Các phương pháp phổ được đề cập bao gồm các phổ hồng ngoại (IR), tử ngoại – khả kiến (UV – Vis), cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), cộng hưởng thuận từ electron (EPR), khối phổ (MS),… Sự phối hợp các phương pháp.
Đối xứng phân tử và lý thuyết nhóm
Các nội dung cơ bản về đối xứng phân tử (Khái niệm, yếu tố và phép đối xứng, nhóm điểm đối xứng và sự phân loại phân tử Hóa học) cùng với sự áp dụng lý thuyết nhóm vào đối xứng phân tử được đề cập một cách thích hợp tạo thành một thể hoàn chỉnh về khối kiến thức quan trọng của học phần.
Đánh giá thống kê các số liệu thực nghiệm hóa học
Phương pháp thống kê là phương pháp phổ biến và tin cậy trong việc xử lý số liệu thực nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Nội dung học phần đề cập đến: Phân loại sai số, các nguyên nhân xuất hiện sai số trong đo đạc hóa học phân tích; các đặc trưng của đại lượng ngẫu nhiên và các lý thuyết phân bố các đại lượng ngẫu nhiên; đánh giá, xử lý kết quả thực nghiệm và biểu diễn kết quả thực nghiệm.
Lý luận dạy học môn hóa học
Nội dung bao gồm các kiến thức cơ bản và hiện đại về nhiệm vụ môn học, phương pháp nghiên cứu khoa học và lý luận dạy học hóa học; các nhiệm vụ của việc dạy và học hóa học ở trường phổ thông bao gồm nhiệm vụ trí dục, phát triển và giáo dục; nội dung dạy học hóa học ở trường phổ thông; các phương pháp dạy học hóa học (Định nghĩa, cơ sở phân loại, hệ thống các phương pháp dạy học); vấn đề đổi mới phương pháp dạy học hóa học; các hình thức tổ chức dạy học ở trường phổ thông nhằm đảm bảo tính giáo dục và tính phát triển của việc dạy và học hóa học.