Chương trình đào tạo Ngành Sư phạm Vật lý bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Sư phạm Vật lý bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           SƯ PHẠM VẬT LÝ (Physics Teacher Education)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân khoa học ngành Vật lý thuộc khối ngành sư phạm có kiến thức vững vàng về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, có kỹ năng sư phạm; đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Mục tiêu cụ thể

Về phẩm chất đạo đức

 

 

Có phẩm chất cơ bản của người giáo viên nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam: thấm nhuần thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu học sinh, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao, có đạo đức tốt, có tác phong mẫu mực của người giáo viên.

Về kiến thức

Có những kiến thức đầy đủ và sâu sắc về Vật lý đại cương, về thí nghiệm Vật lý, có những kiến thức đầy đủ, cơ bản về Vật lý lý thuyết, Điện tử học, có những kiến thức cơ bản về Toán học, Ngoại ngữ, Tin học, Thiên văn học, những vấn đề về vật lý hiện đại, lịch sử vật lý.

Có những kiến thức về lý luận dạy học Vậy lý, về chương trình Vật lý và thực tiễn dạy học Vật lý.

Về kỹ năng

Có kỹ năng vận dụng các kiến thức vật lý để giải các bài toán về Vật lý đại cương, các bài toán Vật lý ở trung học phổ thông, giải thích các hiện tượng vật lý trong tự nhiên, trong đời sống và ứng dụng vật lý trong kỹ thuật.

Có năng lực giảng dạy Vật lý, thực hiện các công việc của một giáo viên, có thể đáp ứng kịp thời với các yêu cầu phát triển của giáo dục.

Chương trình đào tạo Ngành Sư phạm Vật lý bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lênin 10 Tin học
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 11 Tâm lý học
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 12 Giáo dục học
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 13 Quản lý hành chính Nhà nước và Quản lý ngành giáo dục và đào tạo
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 14 Đại số 1
6 Ngoại ngữ 15 Đại số 2
7 Giáo dục Thể chất 16 Giải tích 1
8 Giáo dục Quốc phòng 17 Giải tích 2
9 Phương pháp nghiên cứu khoa học 18 Giải tích 3
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
1 Cơ học 1 7 Quang học
2 Cơ học 2 8 Vật lý nguyên tử và hạt nhân
3 Nhiệt học 9 Thí nghiệm Vật lý đại cương 1
4 Điện và từ 1 10 Thí nghiệm Vật lý đại cương 2
5 Điện và từ 2 11 Thí nghiệm Vật lý đại cương 3
6 Dao động và sóng 12 Lý luận dạy học Vật lý

Nội dung các học phần bắt buộc

Phương pháp nghiên cứu khoa học

Nội dung môn học bao gồm: những kiến thức cơ bản về khoa học và nghiên cứu khoa học, về bản chất của nghiên cứu khoa học cũng như cấu trúc logic của một công trình khoa học; các thao tác nghiên cứu khoa học, xây dựng, chứng minh và trình bày các luận điểm khoa học; phương pháp trình bày một báo cáo khoa học; viết được một công trình khoa học và bước đầu biết vận dụng kỹ năng nghiên cứu khoa học vào việc học tập ở đại học.

Tin học

Nội dung môn học bao gồm: các khái niệm cơ bản về xử lý thông tin và máy tính điện tử; các thao tác truy cập Internet, các kỹ năng sử dụng hệ điều hành để thao tác trên máy tính điện tử; khai thác một số phần mềm ứng dụng, soạn thảo và lưu trữ các văn bản phục vụ công tác văn phòng; sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu để tính toán khoa học và giải quyết các vấn đề chuyên môn.

Tâm lý học

Nội dung môn học bao gồm kiến thức cơ bản về Tâm lý học đại cương; Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm. Tâm lý học đại cương trình bày khái quát về hiện tượng tâm lý người; nguồn gốc và bản chất của các hiện tượng tâm lý; các yếu tố tác động đến sự hình thành và biểu hiện của hiện tượng tâm lý người. Tâm lý học lứa tuổi mô tả khái quát về đặc điểm các giai đoạn phát triển của cá nhân từ sơ sinh đến trưởng thành. Tâm lý học sư phạm trình bày những cơ sở tâm lý học của các hoạt động dạy học và giáo dục trẻ em.

Giáo dục học

Nội dung môn học bao gồm: Lý luận chung về giáo dục (những vấn đề lý luận về giáo dục, hệ thống giáo dục và giáo dục học); lý luận và thực hành tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục (nghĩa hẹp) trong nhà trường; lý luận và thực hành đo lường, đánh giá trong giáo dục.

Đại số 1

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức cơ bản của đại số tuyến tính như tập hợp và ánh xạ, không gian véc – tơ, không gian véc – tơ Euclide, định thức, ma trận, hệ phương trình đại số tuyến tính, các cách giải hệ phương trình tuyến tính.

Đại số 2

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức của đại số như ánh xạ tuyến tính, tính chất tự đồng cấu, ánh xạ trực giao, dạng toàn phương, nghiên cứu các đối tượng hình học như các đường bậc hai và mặt bậc hai.

Giải tích 1

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức cơ bản về hàm một biến thực, khái niệm về giới hạn và về tính liên tục của chúng, phép tính vi phân, tích phân, khái niệm nguyên hàm của hàm số, rèn luyện kỹ năng tính toán đạo hàm và tích phân, và ứng dụng trong việc giải các bài toán Vật lý.

Giải tích 2

Nội dung môn học bao gồm các hàm nhiều biến, phép tính vi phân đạo hàm riêng, cực trị của hàm nhiều biến, phương trình vi phân cấp 1 và cấp 2, và hệ phương trình vi phân cấp 1 với hệ số hằng số, chuỗi số, dãy hàm và chuỗi hàm, chuỗi Fourier.

Giải tích 3

Nội dung môn học bao tích phân bội, trong đó xét kỹ tích phân hai lớp và ba lớp, tích phân đường và tích phân mặt và ứng dụng trong việc giải các bài toán Vật lý.

Phần cuối của học phần trình bày về hàm biến phức, tích phân hàm biến phức phép tính thặng dư.

Cơ học 1

Nội dung môn học bao gồm các kiến thức cơ bản về chuyển động cơ học: các đặc trưng động học của chuyển động chất điểm, động lực học chất điểm, động lực học cơ hệ, định luật bảo toàn động lượng và định luật bảo toàn cơ năng của cơ hệ.

Cơ học 2

Nội dung môn học bao gồm trường hấp dẫn và chuyển động trong trường hấp dẫn, chuyển động trong hệ quy chiếu phi quán tính, các dạng chuyển động của vật rắn, chuyển động của chất lưu, thuyết tương đối hẹp, định luật cơ bản của động lực học tương đối tính, quan hệ giữa khối lượng và năng lượng của hạt.

Nhiệt học

Nội dung môn học bao gồm những khái niệm cơ bản về nhiệt như nhiệt độ, nhiệt dung, nội năng, công, ẩn nhiệt, entropy, chu trình, các hiện tượng, quá trình nhiệt như sự khuếch tán, sự biến dạng của vật rắn, các trạng thái cấu tạo của vật chất, sự biến đổi trạng thái, sự chuyển pha, các thuyết như thuyết động học chất khí, và ba nguyên lý của nhiệt động lực học.

Điện và từ 1

Nội dung môn học bao gồm các khái niệm, hiện tượng về tĩnh điện như: điện trường trong chân không, vật dẫn, điện môi trong điện trường, về dòng điện không đổi và dòng điện trong các môi trường: kim loại, bán dẫn, chất điện phân, chất khí.

Điện và từ 2

Nội dung môn học bao gồm các khái niệm, hiện tượng, các lý thuyết cơ bản về từ và cảm ứng điện từ, chuyển động của các hạt tích điện trong điện trường và từ trường, các vật liệu từ, những cơ sở của thuyết Maxwell về điện từ trường và các phương trình Maxwell.

Hai học phần điện và từ này chú trọng vào việc vận dụng các hiểu biết để giải thích các hiện tượng điện trong tự nhiên và trong đời sống.

Dao động và sóng

Nội dung môn học bao gồm thiết lập và giải phương trình vi phân của các dao động điều hòa, dao động tắt dần, dao động cưỡng bức về cơ học và điện, nêu ý nghĩa Vật lý của các nghiệm, làm rõ sự tương tự giữa các dao động cơ và dao động điện, cũng như sự khác nhau về bản chất Vật lý của dao động cơ và điện, hiện tượng cộng hưởng.

Nội dung môn học cũng bao gồm các khái niệm và tính chất chung  của quá trình sóng: sóng dọc, sóng ngang, phương trình sóng, vận tốc pha, năng lượng của sóng, bó sóng, vận tốc nhóm, giao thoa, sóng dừng, hiệu ứng Doppler, nêu bản chất và sự lan truyền sóng cơ học, đặc trưng của sóng âm và siêu âm, bản chất của sự truyền sóng điện từ, sự phản xạ và khúc xạ sóng điện từ ở mặt phân giới hai môi trường và thang sóng điện từ.

Quang học

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức về tính chất sóng và tính chất hạt của ánh sáng: thuyết điện từ ánh sáng, sự giao thoa, nhiễu xạ và phân cực ánh sáng, sự tán sắc, hấp thụ và tán xạ ánh sáng, một số tính chất của ánh sáng truyền trong các môi trường vật chất, lý thuyết về bức xạ nhiệt, lý thuyết photon, hiện tượng quang điện, và quang hình học; ngoài ra, còn có các kiến thức cập nhật về quang học như holography, sợi quang, cáp quang, quang học phi tuyến.

Vật lý nguyên tử và hạt nhân

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức cơ bản, hiện đại về nguyên tử và hạt nhân nguyên tử: cấu trúc nguyên tử và hạt nhân theo lý thuyết lượng tử, các hiện tượng và định luật về phóng xạ và phản ứng hạt nhân, các ứng dụng trong đời sống, kỹ thuật (laser, sử dụng đồng vị phóng xạ, hiệu ứng Mossbauer, năng lượng hạt nhân).

Thí nghiệm Vật lý đại cương 1

Nội dung môn học bao gồm thực hành các phép đo, biết cách tính toán sai số của phép đo, để xử lý và đánh giá kết quả thực nghiệm; sử dụng một số dụng cụ, thiết bị đo lường thông dụng để xác định một số đại lượng, khảo sát một số hiện tượng về cơ học và nhiệt học.

  1. Thí nghiệm Vật lý đại cương 2 1 đvht

Nội dung môn học bao gồm các bài thực hành thuộc phần điện và từ, các bài thực hành có nội dung sử dụng các dụng cụ thông dụng như dao động kí, các dụng cụ đo điện, khảo sát các hiện tượng trong một vài loài vật liệu như chất điện phân, bán dẫn, và linh kiện như photođiôt và pin mặt trời.

Thí nghiệm Vật lý đại cương 3

Nội dung môn học bao gồm các bài thực hành thuộc phần quang học, các bài thực hành yêu cầu sinh viên biết sử dụng các dụng cụ thiết bị quang học và xác định được một số đại lượng, biết lắp đặt một số hệ quang học đơn giản; khảo sát một số hiện tượng liên quan đến tính chất sóng và tính chất hạt của ánh sáng.

Lý luận dạy học Vật lý

Nội dung môn học bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ dạy học Vật lý ở trường phổ thông; con đường hình thành hệ thống kiến thức Vật lý cơ bản, phát triển tư duy và năng lực sáng tạo của học sinh trong dạy học Vật lý, giáo dục kỹ thuật tổng hợp và giáo dục tư tưởng trong dạy học Vật lý; sử dụng các phương tiện dạy học trong dạy học Vật lý phổ thông; sử dụng thí nghiệm trong dạy học Vật lý, sử dụng bài tập trong dạy học Vật lý, lập kế hoạch dạy học.