Chương trình đào tạo Ngành Tâm lý học bậc Đại học
- Ngành đào tạo: TÂM LÝ HỌC (Psychology)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân Tâm lý học có phẩm chất tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tâm lý, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống.
Mục tiêu cụ thể
– Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về tâm lý người; những kỹ năng thực hành tâm lý phục vụ cho việc ứng dụng tâm lý học vào cuộc sống. Trên cơ sở những kiến thức đó sinh viên có thể tiếp tục theo học ở các trình độ sau đại học.
– Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào các lĩnh vực hoạt động có sử dụng kiến thức tâm lý học.
Chương trình đào tạo Ngành Tâm lý học bậc Đại học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Triết học Mác-Lênin | 6 | Ngoại ngữ |
2 | Kinh tế chính trị Mác-Lênin | 7 | Tin học đại cương |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 8 | Giáo dục thể chất |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 9 | Giáo dục quốc phòng |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
a. Kiến thức cơ sở khối ngành | |||
1 | Lịch sử văn minh thế giới | 4 | Pháp luật đại cương |
2 | Đại cương văn hóa Việt Nam | 5 | Logic học |
3 | Tâm lý học đại cương I | 6 | Xã hội học đại cương |
b. Kiến thức cơ sở ngành | |||
1 | Giải phẫu và sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao | 3 | Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu tâm lý học |
2 | Lịch sử tâm lý học | 4 | Thống kê xã hội |
c. Kiến thức ngành | |||
1 | Tâm lý học đại cương II | 7 | Tâm lý học lao động |
2 | Tâm lý học xã hội | 8 | Tâm lý học pháp luật |
3 | Tâm lý học phát triển | 9 | Tâm lý học giáo dục |
4 | Tâm lý học nhân cách | 10 | Tâm lý học tham vấn |
5 | Chẩn đoán tâm lý | 11 | Tâm bệnh học |
6 | Tâm lý học quản lý |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Lịch sử văn minh thế giới
Giới thiệu tổng quát về sự hình thành, phát triển các nền văn minh trên thế giới, các thành tựu chủ yếu, vai trò, vị trí của các nền văn minh này trong tiến trình lịch sử nhân loại với những nội dung cụ thể sau:
Văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn minh Hồi giáo, văn minhphương Tây từ cổ đại đến hiện đại .
Đại cương văn hoá Việt Nam
Bao gồm những kiến thức cơ bản về văn hoá, văn hoá học và văn hoá Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển từ nền tảng văn hoá đến văn hoá truyền thống, hiện đại như văn hoá Việt Nam thời kỳ tiền sử, sơ sử, thời kỳ đầu công nguyên, thời Đại Việt và thời hiện đại. Nội dung trọng tâm là giai đoạn văn hoá truyền thống và giai đoạn văn hoá Việt Nam chuyển đổi từ truyền thống sang văn hoá hiện đại.
Tâm lý học đại cương I
Gíới thiệu những quy luật chung nhất trong sự hình thành phát triển và vận hành tâm lý người, sự vận dụng vào việc giáo dục con người phát triển toàn diện. Học phần bao gồm các nội dung: cơ sở tự nhiên và xã hội của tâm lý người, hoạt động giao tiếp – bản thể của tâm lý người, sự hình thành nhân cách trí nhớ, tính cách, khí chất và xu hướùng năng lực
Pháp luật đại cương
Nội dung chủ yếu bao gồm những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các quy phạm, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam, cấu trúc của bộ máy Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Logic học
Bao gồm các nội dung: Những vấn đề của Lô gíc học truyền thống; một số nội dung của Lôgíc học hiện đại; lịch sử Lôgíc; những quy luật, những hình thức cơ bản của tư duy.
Xã hội học đại cương
Giới thiệu khái quát lịch sử hình thành, phát triển khoa học xã hội học, đối tượng và phương pháp nghiên cứu xã hội học. Một số lĩnh vực nghiên cứu xã hội học như: xã hội học đô thị và nông thôn, xã hội học hôn nhân và gia đình, xã hội học truyền thông, xã hội học văn hoá ….
Giải phẫu và sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao
Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về giải phẫu và chức năng của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Đồng thời cung cấp các kiến thức về sinh lý não bộ, các quy luật hoạt động thần kinh cao cấp nhằm giúp họ hiểu rõ hơn cơ sở sinh lý thần kinh của các hiện tượng tâm lý nguời.
Lịch sử tâm lý học
Chỉ ra các tư tưởng tâm lý học qua các thời kỳ khác nhau từ thời kỳ cổ đại đến nửa đầu thế kỷ 19 – trước khi tâm lý học trở thành một ngành khoa học độc lập. Tâm lý học ra đời với tư cách là một ngành khoa học độc lập với mốc sự kiện 1879 trong lịch sử phát triển của tâm lý học. Các trường phái Tâm lý học khách quan: Tâm lý học Gestalt, Tâm lý học hành vi, Phân tâm học. Sự hình thành Tâm lý học Mác xít. Sự hình thành và phát triển Tâm lý học Việt Nam.
Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu tâm lý học
Trình bày các quan điểm cơ bản, các nguyên tắc phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu tâm lý người, các giai đoạn nghiên cứu một đề tài tâm lý học, chỉ ra các phương pháp nghiên cứu cụ thể về tâm lý người. Hướng dẫn các kỹ năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu, kỹ năng xử lý các số liệu nghiên cứu, phân tích các số liệu nghiên cứu, rút ra những nhận xét và kết luận khoa học cũng như các ý kiến đề xuất từ kết quả nghiên cứu.
Thống kê xã hội
Cung cấp một số kiến thức cơ bản nhất về cơ sở lý thuyết xác suất và thống kê thực hành, bao gồm: các khái niệm cơ bản về xác suất; đại lượng ngẫu nhiên; lý thuyết mẫu; cách tính và ý nghĩa các đại lượng thống kê liên quan đến mẫu xác suất; phương pháp tính toán, đo lường các hệ số tương quan nhằm đo lường mối quan hệ giữa các hiện tượng xã hội; nội dung, ý nghĩa các hệ số đó; việc áp dụng chúng cho tính toán, phân tích thông tin và khẳng định các giả thuyết trong các nghiên cứu của khoa học xã hội.
Tâm lý học đại cương II
Chỉ ra những đặc trưng văn hoá và sự phát triển hình thái cao cấp của hành vi người, vấn đề ý thức và vô thức trong tâm lý người, nhu cầu và động cơ trong tâm lý học, trí tuệ và vấn đề phát triển trí tuệ.
Tâm lý học xã hội
Chỉ ra những kiến thức cơ bản về nhóm xã hội, tập thể, đám đông (các cơ chế tâm lý, các quy luật tâm lý, vấn đề thủ lĩnh và lãnh đạo nhóm); các hiện tượng tâm lý xã hội cơ bản; giao tiếp xã hội; hành vi xã hội và nhân cách xã hội.
Tâm lý học phát triển
Trình bày các quan điểm trong tâm lý học về bản chất, nguồn gốc, điều kiện, động lực và các quy luật về sự phát triển về tâm lý con người; các cơ sở phân định các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi, các thành tựu phát triển tâm lý chủ yếu trong từng lứa tuổi từ thời kỳ thai nhi đến tuổi già của con người, cũng như quá trình phát triển bình thường và không bình thường về tâm lý con người.
Tâm lý học nhân cách
Trình bày các quan điểm cơ bản trong tâm lý học về bản chất nhân cách, các đặc điểm cơ bản của nhân cách, cấu trúc nhân cách. Phân tích các quan điểm khác nhau về sự hình thành và phát triển nhân cách, các điều kiện và các yếu tố cơ bản chi phối sự hình thành và phát triển nhân cách, đồng thời trình bày một số phương pháp nghiên cứu cơ bản về nhân cách trong tâm lý học.
Chẩn đoán tâm lý
Chỉ ra những quan điểm cơ bản về lý luận và thực hành chẩn đoán tâm lý người. Giới thiệu các trắc nghiệm cơ bản để chẩn đoán tâm lý người. Vận dụng các trắc nghiệm đã được thích nghi của thế giới vào Việt nam. Xây dựng và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu, chẩn đoán tâm lý phù hợp với Việt nam.
Tâm lý học quản lý
Xác định các đặc điểm nghề nghiệp và đặc điểm tâm lý của hoạt động quản lý. Giao tiếp trong hoạt động quản lý và phong cách lãnh đạo của người quản lý. Nêu các phẩm chất tâm lý, nhân cách của người quản lý và người dưới quyền; phương pháp tác động của người quản lý đối với người dưới quyền nhằm đạt mục tiêu.
Tâm lý học lao động
Chỉ ra các hiện tượng và các biện pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong việc tổ chức quá trình lao động. Vấn đề điều chỉnh tâm lý các hoạt động lao động. Các hiện tượng tâm lý trong công tác hướng nghiệp và chọn nghề. Lỗi, rủi ro thường gặp trong hoạt động lao động. Các khía cạnh tâm lý của tổ chức lao động khoa học và mối quan hệ người- máy.
Tâm lý học pháp luật
Chỉ ra cấu trúc tâm lý của hoạt động bảo vệ pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên. Nêu rõ những đặc điểm tâm lý của hoạt động phạm tội, nhân cách tội phạm và nhóm tội phạm. Chỉ ra những đặc điểm tâm lý của hoạt động điều tra, xử án, hoạt động giáo dục cải tạo phạm nhân.
Tâm lý học giáo dục
Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về cơ sở tâm lý học của giáo dục nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy, hoạt động học và mối quan hệ giữa hai hoạt động đó theo quan điểm “dạy học định hướng vào nhân cách”, trong đó hoạt động học là trọng tâm trong hoạt động cùng nhau giữa thầy và trò; đồng thời nắm được cơ sở tâm lý học của giáo dục gia đình, giáo dục xã hội và việc khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn biểu hiện trong học tập, trong hành vi đạo đức.
Tâm lý học tham vấn
Là một môn khoa học mang tính ứng dụng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tham vấn và một số kỹ năng thực hành để trợ giúp cho các đối tượng có khó khăn tâm lý; chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm và phương pháp tiếp cận giữa tư vấn và tham vấn; tăng cường cho sinh viên các nguyên tắc và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nắm vững các giai đoạn của một quá trình tham vấn và các bước trong một buổi tham vấn.
Tâm bệnh học
Trang bị cho sinh viên những kiến thức tổng quan về Tâm bệnh học từ góc độ Khoa học tâm lý, để giúp họ nắm được bản chất của các rối nhiễu tâm lý và rối loạn tâm thần từ các quan điểm khác nhau; chỉ ra một số bệnh tâm lý cơ bản hình thành trong các giai đoạn phát triển tâm lý con người; hướng dẫn cách phân loại các bệnh tâm lý theo hệ thống DSM – IV và ICD – 10.