Chương trình đào tạo Ngành Y tế công cộng bậc Đại học
- Ngành đào tạo: Y TẾ CÔNG CỘNG (Public Health)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Mã ngành: 52720301
-
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1.1. Mục tiêu chung
Đào tạo Cử nhân Y tế công cộng có y đức, sức khoẻ, có kiến thức về khoa học cơ bản, khoa học xã hội, y học cơ sở, y tế công cộng để tham gia phát hiện và tổ chức giải quyết các vấn đề sức khoẻ ưu tiên trong cộng đồng; có khả năng tự học và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Về thái độ
– Nhận thức được tầm quan trọng của các nguyên lý Y tế công cộng.
– Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cộng đồng về các nhu cầu sức khoẻ và các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
– Cầu thị và hợp tác làm việc theo nhóm và phối hợp liên ngành.
– Trung thực và khách quan, có tinh thần ham học, vượt khó khăn, tự học vươn lên để nâng cao trình độ chuyên môn.
Về kiến thức
– Có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở làm nền tảng cho Y tế công cộng
– Trình bày được các nguyên lý và khái niệm cơ bản về y tế công cộng
– Trình bày được cách phát hiện và xử trí các vấn đề sức khoẻ phổ biến ở cộng đồng
– Trình bày được các yếu tố quyết định sức khỏe
– Nắm vững phương pháp luận khoa học trong công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe
– Nắm vững kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu khoa học
– Nắm vững chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân
Về kỹ năng
– Xác định các yếu tố môi trường, xã hội ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng.
– Xác định được các vấn đề sức khoẻ ưu tiên của cộng đồng và đưa ra những chiến lược và biện pháp giải quyết thích hợp.
– Lập kế hoạch, đề xuất những giải pháp và tổ chức các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.
– Theo dõi và tham gia đánh giá được việc thực hiện các chương trình sức khoẻ tại cộng đồng.
– Giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch và tổ chức phòng chống dịch tại cộng đồng.
– Giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng nhằm xây dựng lối sống và hành vi có lợi cho sức khoẻ.
Chương trình đào tạo Ngành Y tế công cộng bậc Đại học
-
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo
– Khối lượng kiến thức tối thiểu: 130 tín chỉ (TC), chưa kể các học phần Giáo dục thể chất (3TC) và Giáo dục quốc phòng – An ninh (165 tiết).
– Thời gian đào tạo: 4 năm
2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT |
Khối lượng học tập | Tín chỉ |
1 | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu (chưa kể các phần nội dung: Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh) | 35 |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu, trong đó:
– Kiến thức cơ sở ngành – Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành) – Kiến thức bổ trợ (Tự chọn) – Thực tập nghề nghiệp |
18 44 29 6 |
Tổng cộng | 130 |
- KHỐI KIẾN THỨC BẮT BUỘC
3.1. Danh mục các học phần bắt buộc
3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương 32 TC(22 LT-10 TH)
TT | TÊN MÔN HỌC/HỌC PHẦN | Tổng số Tín chỉ | Phân bố Tín chỉ | |
LT | TH | |||
Các môn chung | ||||
Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin | 5 | 5 | 0 | |
Tư tưởng Hồ Chí Minh | 2 | 2 | 0 | |
Đường lối cách mạng của Đảng CSVN | 3 | 3 | 0 | |
Ngoại ngữ (có NN chuyên ngành) | 8 | 3 | 5 | |
Tin học đại cương | 2 | 1 | 1 | |
Giáo dục thể chất* | 3* | |||
Giáo dục quốc phòng – An ninh* | 165 tiết* | |||
Các môn cơ sở khối ngành | ||||
Xác suất – Thống kê y học | 2 | 2 | 0 | |
Sinh học và di truyền | 2 | 1 | 1 | |
Hóa học | 2 | 1 | 1 | |
Vật lý – Lý sinh | 2 | 1 | 1 | |
Nghiên cứu khoa học | 2 | 1 | 1 | |
Tâm lý y học – Đạo đức Y học | 2 | 2 | 0 | |
Tổng cộng | 32* | 22* | 10* |
*Chưa kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng – An ninh
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu
3.1.2.1. Kiến thức cơ sở ngành 18 TC ( 10 LT-8 TH)
TT | TÊN MÔN HỌC/HỌC PHẦN | Tổng số Tín chỉ | Phân bố Tín chỉ | |
LT | TH | |||
Hóa sinh | 2 | 1 | 1 | |
Giải phẫu | 2 | 1 | 1 | |
Sinh lý | 2 | 1 | 1 | |
Sinh lý bệnh – miễn dịch | 2 | 1 | 1 | |
Vi sinh | 2 | 1 | 1 | |
Ký sinh trùng | 2 | 1 | 1 | |
Các bệnh thông thường 1 | 3 | 2 | 1 | |
Các bệnh thông thường 2 | 3 | 2 | 1 | |
Tổng cộng | 18 | 10 | 8 |
3.1.2.2. Kiến thức ngành 44 TC (32 LT- 12 TH)
TT | TÊN HỌC PHẦN | Tổng số Tín chỉ | Phân bố Tín chỉ | |
LT | TH | |||
Tổ chức và quản lý hệ thống y tế | 2 | 2 | 0 | |
Nguyên lý quản lý và các kỹ năng quản lý cơ bản | 2 | 2 | 0 | |
Quản lý dịch vụ y tế | 3 | 3 | 0 | |
Kế hoạch y tế | 3 | 2 | 1 | |
Quản lý tài chính và kinh tế y tế | 2 | 2 | 0 | |
Chính sách y tế | 2 | 2 | 0 | |
Dịch tễ học cơ bản | 2 | 2 | 0 | |
Phân loại bệnh tật và tử vong quốc tế | 2 | 1 | 1 | |
Phòng chống thảm họa | 2 | 2 | 0 | |
Sức khỏe môi trường cơ bản | 2 | 1 | 1 | |
Sức khoẻ nghề nghiệp cơ bản | 2 | 1 | 1 | |
Nâng cao sức khỏe | 3 | 2 | 1 | |
Sức khoẻ sinh sản | 2 | 2 | 0 | |
Dân số và phát triển | 2 | 2 | 0 | |
Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm | 2 | 1 | 1 | |
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng | 2 | 1 | 1 | |
Nhân học và Xã hội học Sức khỏe | 3 | 3 | 0 | |
Nghiên cứu định tính | 2 | 1 | 1 | |
Thực tập cộng đồng 1 (năm thứ hai) | 2 | 0 | 2 | |
Thực tập cộng đồng 2 (năm thứ ba) | 2 | 0 | 2 | |
Tổng cộng | 44 | 32 | 12 |
3.2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức cơ sở và kiến thức ngành)
* Hóa sinh
Nội dung gồm những kiến thức cơ bản và có hệ thống về hóa sinh, bao gồm: các sinh chất chủ yếu và chuyển hóa của chúng ở tế bào sống của cơ thể, các nguyên tắc và ý nghĩa của một số xét nghiệm hóa sinh lâm sàng thông thường.
* Giải phẫu
Nội dung gồm những kiến thức về đặc điểm giải phẫu đại thể của các bộ phận, cơ quan trong cơ thể người; kiến thức về chức năng, hoạt động của các cơ quan và mối liên hệ với dấu hiệu lâm sàng.
* Sinh lý
Nội dung gồm các kiến thức cơ bản về chức năng, hoạt động của cơ quan, hệ thống cơ quan và chức năng điều hoà trong mối liên hệ thống nhất giữa các cơ quan trong cơ thể, giữa cơ thể với môi trường bên ngoài
* Sinh lý bệnh – miễn dịch
Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về bệnh, bệnh nguyên, bệnh sinh, những rối loạn chức năng của các cơ quan trong quá trình bệnh lý phổ biến; vai trò của hệ thống miễn dịch và những cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch
* Vi sinh
Nội dung gồm những kiến thức về đặc điểm cơ bản nhất về cấu tạo, chuyển hóa, di truyền của vi khuẩn, vi rút và mối quan hệ cơ thể – vi sinh vật, đặc biệt là những vi sinh vật liên quan đến khả năng gây bệnh, dịch tại cộng đồng, các nguyên tắc phòng và chống các bệnh, dịch liên quan đến vi sinh vật.
* Ký sinh trùng
Nội dung gồm những kiến thức về cấu tạo, hoạt động và đặc tính ký sinh của một số loại ký sinh trùng gây bệnh hoặc liên quan đến các bệnh ở người, trong đó điển hình là các loài giun sán, các loài tiết túc truyền bệnh; các loài nấm và ký sinh trùng khác; các nguyên tắc cơ bản trong phòng và điều trị bệnh ký sinh trùng ở mức độ cơ thể và cộng đồng.
* Các bệnh thông thường 1
Nội dung gồm các kiến thức cơ bản về bệnh học; nguyên nhân, mối liên quan giữa môi trường và bệnh lý ở người; các triệu chứng cơ bản, phương pháp phòng và điều trị một số bệnh thường gặp tại cộng đồng.
* Các bệnh thông thường 2
Môn học Bệnh thông thường 2 là phần tiếp theo và bổ trợ cho phần Bệnh thông thường 1. Nội dung gồm các vấn đề về chấn thương và những cấp cứu thường gặp tại cộng đồng; những nguyên tắc, kỹ năng sơ cấp cứu chấn thương, tai nạn tại cộng đồng.
* Tổ chức và quản lý hệ thống y tế
Nội dung gồm các thông tin tổng quan, cơ bản về tổ chức và quản lý hệ thống y tế như đặc điểm, cấu trúc tổ chức, chức năng và các thành phần cơ bản của hệ thống y tế.
* Nguyên lý quản lý và các kỹ năng quản lý cơ bản
Nội dung gồm khái niệm và nguyên lý cơ bản của quản lý; các kỹ năng quản lý cơ bản cho sinh viên để vận dụng vào môi trường làm việc trong tương lai.
* Quản lý dịch vụ y tế
Nội dung mô tả hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng và khám chữa bệnh. Bao gồm các kiến thức tổng quan về y tế dự phòng và phân cấp quản lí y tế dự phòng, cách triển khai, theo dõi, đánh giá các hoạt động và kết quả công tác y tế dự phòng; các kiến thức về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trong hệ thống cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và phòng bệnh các tuyến từ trung ương đến xã; các phương pháp và công cụ đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.
* Kế hoạch y tế
Nội dung gồm những khái niệm, kỹ năng và công cụ cơ bản liên quan đến lập kế hoạch để ứng dụng thực hiện chức năng, nhiệm vụ sau tốt nghiệp.
* Quản lý tài chính và kinh tế y tế
Nội dung gồm các kiến thức cơ bản về kinh tế học để phân tích và giải thích hành vi sử dụng, cung cấp dịch vụ y tế; các vấn đề thực tiễn liên quan đến các nguồn tài chính y tế, phương thức chi trả, bức tranh tổng thể về mô hình tài chính y tế Việt Nam, những khó khăn và phương pháp quản lý tài chính y tế, để ứng dụng trong đánh giá các can thiệp y tế, cung cấp bằng chứng khoa học trong xây dựng các chính sách quản lí y tế, quản lý kinh tế ngành và xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả.
* Chính sách y tế
Nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng cơ bản về chính sách y tế, về hệ thống chính sách và qui trình chính sách y tế Việt Nam ở các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở.
* Dịch tễ học cơ bản
Nội dung gồm những khái niệm cơ bản trong đo lường bệnh trạng, đo lường sự kết hợp, nguyên lý và thiết kế cơ bản của dịch tễ học và ứng dụng của các thiết kế trong việc xác định, kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật trong cộng đồng.
* Phân loại bệnh tật và tử vong quốc tế
Nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng phân loại các nguyên nhân gây bệnh và tử vong dựa trên phân loại chuẩn quốc tế ICD-10; các kiến thức, kỹ năng trong đánh giá các nguyên nhân bệnh tật và tử vong theo các cấp độ chi tiết khác nhau; các kỹ năng lưu trữ, phân tích dữ liệu dựa trên các nguyên tắc mã hóa và chuẩn hóa số liệu y/sinh học.
* Phòng chống thảm họa
Nội dung gồm những khái niệm cơ bản về thảm họa và kiến thức cơ bản về quản lí thảm họa; kiến thức về hậu quả của thảm họa và phương pháp quản lý những hậu quả của thảm hoạ.
* Sức khỏe môi trường cơ bản
Nội dung gồm kiến thức cơ bản về mối quan hệ giữa sức khoẻ, môi trường và bệnh tật. Các yếu tố nguy cơ của môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ và các biện pháp phòng chống.
* Sức khỏe nghề nghiệp cơ bản
Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; phân loại các yếu tố tác hại nghề nghiệp; nguyên nhân cơ bản gây bệnh và tai nạn thương tích nghề nghiệp, úng dụng quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động trong hoàn cảnh cụ thể.
* Nâng cao sức khỏe
Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về các yếu tố quyết định sức khỏe, hành vi sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, lí thuyết về hành vi, giáo dục sức khỏe, các cách tiếp cận và chiến lược hành động nâng cao sức khoẻ.
* Sức khỏe sinh sản
Nội dung gồm những kiến thức và thực hành cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam; các kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục, giới, quyền và sự tham gia của nam giới trong dịch vụ sức khỏe sinh sản..
* Dân số và phát triển
Môn học này gồm hai phần chính: Dân số học và Dân số và phát triển.
Nội dung gồm các kiến thức và khả năng phân tích về biến động dân số và những tác động qua lại của các quá trình dân số với các vấn đề phát triển. Phần dân số học cung cấp kiến thức về qui mô, cơ cấu dân số và các biến động dân số. Phần dân số và phát triển cung cấp kiến thức về mối quan hệ, tác động qua lại giữa dân số và các vấn đề phát triển (như kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường, bình đẳng giới…), cơ sở xây dựng chính sách dân số phù hợp với từng đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
* Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm
Nội dung gồm những kiến thức và nguyên lý cơ bản về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, một số vấn đề dinh dưỡng và thực phẩm đang nổi cộm ở Việt Nam, một số kỹ thuật cơ bản về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
* Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
Nội dung gồm những kiến thức và kỹ năng cho hoạt động lập kế hoạch cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện cho người khuyết tật.
* Nhân học và Xã hội học sức khỏe
Nội dung gồm những kiến thức và khả năng phân tích các vấn đề sức khỏe và bệnh tật một cách khái quát; xác định các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình xây dựng các chương trình can thiệp của Y tế công cộng.
* Nghiên cứu định tính
Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu định tính, kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu định tính một cách độc lập hoặc liên kết với các nhóm ngành; thiết kế các chương trình y tế phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương, định hướng cho các nghiên cứu chuyên biệt, hoặc thực hiện đánh giá định tính các chương trình y tế.
* Thực tập cộng đồng 1
Thực tập cộng đồng 1 tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với cộng đồng, làm quen với thực tế công việc của cán bộ y tế tuyến huyện và xã. Đây cũng là cơ hội cho sinh viên áp dụng và củng cố những kiến thức đã được học trong năm thứ nhất và thứ hai đặc biệt là phương pháp tiếp cận cộng đồng, làm việc nhóm.
* Thực tập cộng đồng 2
Thực tập cộng đồng 2 là cơ hội cho sinh viên tiếp tục áp dụng và củng cố những kiến thức đã được học trong 3 năm đầu của chương trình Cử nhân Y tế công cộng. Sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ nănglàm việc nhóm, huy động cộng đồng, xác định các vấn đề sức khỏe ưu tiên và đề xuất biện pháp và kế hoạch giải quyết các vấn đề sức khỏe ưu tiên đã được xác định.
* Thực tập cộng đồng 3
Sinh viên sẽ được học tập và làm việc tại một cơ sở y tế phù hợp với định hướng đã chọn để áp dụng và củng cố những kiến thức lý thuyết đã được học. Tiếp tục rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc nhóm, huy động cộng đồng, xác định các vấn đề sức khỏe ưu tiên và đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề sức khỏe ưu tiên đã được xác định. Sinh viên có cơ hội áp dụng và phát triển những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được từ những năm trước trong lĩnh vực cụ thể phù hợp với định hướng đã chọn vào hoàn cảnh thực tế tại đơn vị sinh viên thực tập. Sau khi hoàn thành thực tập cộng đồng 3, khả năng làm việc của sinh viên về lĩnh vực lựa chọn sẽ tăng lên, giúp cho sinh viên có thể thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản của định hướng đã chọn.