Chương trình đào tạo Ngành Y học dự phòng bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Y học dự phòng bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           Y HỌC DỰ PHÒNG
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       6 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Đào tạo Bác sỹ Y học dự phòng có y đức và kỹ năng nghề nghiệp để xác định, đề xuất và tham gia tổ chức giải quyết các vấn đề cơ bản của sức khoẻ cộng đồng, có khả năng tự học vươn lên đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ và phòng bệnh cho nhân dân.

Mục tiêu cụ thể

Về thái độ

 

 

– Tận tuỵ với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân;

– Tôn trọng và chân thành lắng nghe ý kiến của cộng đồng về các nhu cầu sức khoẻ và các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng;

– Có tinh thần hợp tác và phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ;

– Trung thực, khách quan, có tinh thần học tập vươn lên.

Về kiến thức

– Có kiến thức khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn và y sinh học cơ sở làm nền tảng cho y học dự phòng;

– Có kiến thức tổng quát về y học dự phòng để xác định các yếu tố của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp tác động đến sức khoẻ của cộng đồng;

– Có kiến thức cần thiết để phân tích và lập kế hoạch can thiệp các vấn đề sức khoẻ của cộng đồng;

– Có kiến thức về những bệnh thông thường và một số bệnh cấp cứu;

– Có phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu khoa học dự phòng;

– Có hiểu biết về pháp luật, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Về kỹ năng

– Thu thập và phân tích thông tin về sức khoẻ cộng đồng và y tế công cộng;

– Phát hiện và giám sát các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ cộng đồng và y tế công cộng;

– Phân tích các vấn đề và chọn ưu tiên;

– Lập kế hoạch can thiệp;

– Tổ chức thực hiện và giám sát;

– Thực hiện được một số kỹ thuật, xét nghiệm trong y học dự phòng;

– Đánh giá hiệu quả một số can thiệp y học dự phòng và y tế công cộng;

– Thực hiện một số phương pháp truyền thông giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng;

– Lồng ghép, phối hợp các hoạt động y học dự phòng và y tế công cộng;

– Phát hiện và xử lý bệnh thông thường;

– Xử trí ban đầu một số cấp cứu ở cộng đồng.

Chương trình đào tạo Ngành Y học dự phòng bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lê nin 7 Tâm lý học
2 Kinh tế chính trị 8 Y đức
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 9 Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành)
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 10 Giáo dục thể chất
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 11 Giáo dục quốc phòng và Y học quân sự
6 Nhà nước và pháp luật
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
Kiến thức cơ sở của khối ngành
1 Xác suất thống kê 5 Lý sinh
2 Thống kê y học 6 Hoá học
3 Tin học cơ bản 7 Sinh học đại cương
4 Tin học ứng dụng 8 Di truyền học
Kiến thức cơ sở của ngành
1 Giải phẫu 10 Chẩn đoán hình ảnh
2 Mô phôi 11 Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm 1
3 Sinh lý học 12 Điều dưỡng cơ bản
4 Hoá sinh 13 Khoa học môi trường và sức khoẻ môi trường 1
5 Vi sinh học 14 Sức khoẻ nghề nghiệp 1
6 Ký sinh trùng 15 Dịch tễ học 1
7 Giải phẫu bệnh 16 Khoa học hành vi và giáo dục sức khoẻ 1
8 Sinh lý bệnh – Miễn dịch 17 Thực tập Y học dự phòng 1
9 Dược lý và độc chất
Kiến thức ngành
1 Nội cơ sở 16 Sức khoẻ tâm thần
2 Ngoại cơ sở 17 Sức khoẻ sinh sản
3 Nội bệnh lý 18 Kinh tế y tế
4 Ngoại bệnh lý 19 Tổ chức và quản lý y tế
5 Phụ sản 20 Thực tế Y học dự phòng 2
6 Nhi 21 Y xã hội học và Nhân học Y học
7 Truyền nhiễm 22 Sức khoẻ lứa tuổi
8 Y học cổ truyền 23 Sức khoẻ môi trường 2
9 Lao 24 Sức khoẻ nghề nghiệp 2
10 Răng hàm mặt 25 Dịch tễ học 2
11 Tai mũi họng 26 Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm 2
12 Mắt 27 Khoa học hành vi và Giáo dục sức khoẻ 2
13 Da liễu 28 Dân số học
14 Phục hồi chức năng 29 Phương pháp nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng
15 Thần kinh 30 Thực tế Y học dự phòng 3

Nội dung khối kiến thức bắt buộc (Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Xác suất thống kê

Cung cấp các khái niệm cơ bản về xác suất và thống kê; nêu các bước của bài toán kiểm định giả thiết thống kê; áp dụng các bài toán thống kê phù hợp trong xử lý các số liệu y học.

Thống kê y học

Cung cấp một số khái niệm thống kê cơ bản áp dụng trong khoa học sức khoẻ và y học dự phòng như phân bố chuẩn, thống kê mô tả, thống kê suy luận; phân loại và xác định được các biến số cần thiết trong nghiên cứu, cách chọn mẫu, tính toán cỡ mẫu, cách thu thập, phân tích, tổ chức và trình bày số liệu; sử dụng được máy tính hỗ trợ cho việc xác định cỡ mẫu, thiết kế công cụ thu thập số liệu, phân tích và trình bày số liệu.

Tin học cơ bản

Soạn thảo văn bản hoàn chỉnh bằng Word; dùng Excel hoặc FoxPro để nhập số liệu và làm các bài toán ứng dụng.

Lý sinh

Cung cấp kiến thức về các quá trình, hiện tượng vật lý cơ bản xảy ra trong cơ thể sống; các nguyên lý của các ứng dụng kỹ thuật vật lý chính trong chẩn đoán và điều trị; các ứng dụng chính của các yếu tố vật lý lên cơ thể sống phục vụ mục đích bảo vệ môi trường và cơ thể.

Hoá học

Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về hoá học, hoá phân tích, hướng dẫn thực hiện một số thí nghiệm để bổ sung cho lý thuyết và làm quen với một số thao tác trong phòng thí nghiệm nói chung và phòng xét nghiệm nói riêng.

Sinh học đại cương

Học phần giới thiệu cho sinh viên các nguyên lý sinh học cơ bản và hiện đại (nhất là sinh học phân tử); phục vụ thiết thực cho các môn y học cơ sở và lâm sàng; làm được một số kỹ thuật để minh họa kiến thức sinh học đại cương.

Di truyền học đại cương

Học phần sẽ giới thiệu về cơ sở vật chất và các quy luật di truyền chi phối các tính trạng của người; giải thích nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh của một số bệnh, tật di truyền ở người; chỉ định và thực hiện được một số xét nghiệm di truyền cần thiết, tư vấn di truyền được cho một số trường hợp bệnh tật di truyền thường gặp; thực hiện được một số xét nghiệm di truyền y học.

Giải phẫu

Học phần giới thiệu những kiến thức cơ bản về vị trí, hình thể, liên quan và cấu tạo của các bộ phận/cơ quan/hệ cơ quan của cơ thể người; nhận biết và nêu đúng được tên gọi của những chi tiết giải phẫu chính của các bộ phận/cơ quan cơ thể người; nêu lên được những liên hệ về chức năng và lâm sàng thích hợp.

Mô phôi

Mô tả cấu tạo hình thái vi thể, siêu vi thể và hoá học của các mô và các bộ phận chủ yếu của những cơ quan trong cơ thể người bình thường; giải thích mối liên quan giữa cấu tạo và chức năng của các mô và các cơ quan.

Mô tả hình thành và phát triển của phôi người từ khi thụ tinh đến giai đoạn hình thành mầm các cơ quan; sự hình thành và phát triển, cấu tạo và chức năng của các bộ phận phụ của phôi thai người; mô tả sự hình thành và phát triển bình thường của một số cơ quan; giải thích được sự hình thành một số dị dạng bẩm sinh thường gặp.

Sinh lý học

Các kiến thức cơ bản về chức năng, hoạt động của các cơ quan, hệ thống cơ quan và điều hoà chức năng trong mối liên hệ thống nhất giữa chúng với nhau và giữa cơ thể với môi trường; vận dụng được những kiến thức cơ bản sinh lý học để giải thích một số rối loạn chức năng và áp dụng vào việc học tập các môn lâm sàng.

Hoá sinh

Học phần giới thiệu những kiến thức cơ bản và có hệ thống về hoá sinh bao gồm: các sinh chất chủ yếu và chuyển hoá của chúng ở tế bào của cơ thể sống; trình bày nguyên tắc, cách xác định và ý nghĩa một số xét nghiệm hoá sinh lâm sàng thông thường; vận dụng và liên hệ những kiến thức hoá sinh vào việc học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực y học.

Vi sinh học

Học phần giới thiệu về các đặc điểm: hình dạng, cấu trúc, nuôi cấy, kháng nguyên và miễn dịch của vi sinh vật y học; mối quan hệ vi sinh vật, môi trường và cơ thể, khả năng và cơ chế gây bệnh của vi sinh vật; các phương pháp xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh; các nguyên tắc phòng bệnh và điều trị các bệnh nhiễm vi sinh vật.

Ký sinh trùng

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh học, hình thể, cấu tạo của ký sinh trùng: đặc điểm sinh lý, sinh thái và chu kỳ phát triển của các loại ký sinh trùng (KST) chủ yếu ở Việt Nam; đặc điểm dịch tễ ký sinh trùng ở Việt Nam; phân tích đặc điểm bệnh học và tác hại do ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng; phân tích mối liên quan giữa vấn đề ký sinh trùng và sức khoẻ cộng đồng; giới thiệu một số phương pháp chẩn đoán bệnh ký sinh trùng và nguyên tắc điều trị cá thể, điều trị cộng đồng; các nguyên tắc và biện pháp phòng chống ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng.

Giải phẫu bệnh

Học phần giới thiệu cho sinh viên các kiến thức cơ bản về những biến đổi hình thái học của tế bào và mô trong quá trình bệnh lý; nhận định được mối quan hệ giữa hình thái và chức năng; giữa con người và môi trường sống trong việc phân tích những biểu hiện lâm sàng của bệnh; vận dụng kiến thức đã học cả về lý thuyết và thực hành để xác định chẩn đoán một số bệnh thường gặp ở Việt Nam, tìm hiểu nguyên nhân để đóng góp cho điều trị, phòng bệnh cũng như chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Sinh lý bệnh – miễn dịch

Học phần giới thiệu quy luật hoạt động của các cơ quan, hệ thống cơ quan bị bệnh, các quá trình bệnh lý điển hình – quy luật hoạt động của bệnh nói chung để vận dụng vào thực hành lâm sàng. So sánh phân biệt bản chất và hiện tượng trong công tác phòng, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học trên cơ sở phân tích và tổng hợp các hiện tượng bệnh lý.

Giải thích và mô tả về hệ thống các cơ quan và tế bào tham gia vào đáp ứng miễn dịch; các giai đoạn, các yếu tố tham gia vào sự hình thành đáp ứng miễn dịch của cơ thể; vai trò của hệ thống miễn dịch không đặc hiệu và hệ thống miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào) trong khả năng đề kháng phòng chống bệnh tật của cơ thể; những điểm cơ bản nhất về cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch trong bệnh lý quá mẫn, thiểu năng miễn dịch và tự miễn.

Dược lý và độc chất

Học phần giới thiệu về cơ chế tác dụng và tác dụng dược lý của các nhóm thuốc; áp dụng điều trị và độc tính của các thuốc đại diện cho từng nhóm; phân tích các thông số dược động học cơ bản để biết sử dụng thuốc an toàn hợp lý.

Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

áp dụng kiến thức về khoa học dinh dưỡng và khoa học thực phẩm để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng ở cộng đồng; vận dụng được các kiến thức đánh giá và giám sát dinh dưỡng trong theo dõi và phát hiện những vấn đề dinh dưỡng ở cộng đồng. áp dụng được các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc tổ chức quản lý vệ sinh thực phẩm, ăn uống cộng đồng và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Điều dưỡng cơ bản

Học phần giới thiệu cho sinh viên về các nội dung của hoạt động chăm sóc sức khoẻ mà người điều dưỡng phải làm; mô tả các quy trình kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, các tai biến xảy ra trong và sau khi làm thủ thuật; trình bày cách xử trí với từng tai biến. Nguyên tắc cơ bản và xử trí thành thạo các tình huống sơ cứu thông thường.

Nội cơ sở

Với học phần nội cơ sở sinh viên sẽ được học về kỹ thuật khám toàn thân và các tạng; các tổn thương cơ bản của bệnh, các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và X quang chính của bệnh; phân biệt được bệnh này với bệnh khác, các nguyên nhân chính của các hội chứng.

Ngoại cơ sở

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về cách khám, các triệu chứng và các hội chứng của các bệnh ngoại khoa thường gặp; một số kiến thức cơ bản về gây tê, gây mê, vô khuẩn và tiệt khuẩn trong ngoại khoa. Khai thác bệnh sử, tiền sử, khám và phát hiện được các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, các hội chứng của các bệnh ngoại khoa thường gặp.

Nội bệnh lý

Là học phần tiếp theo của học phần nội cơ sở. Học phần nội bệnh lý sẽ giới thiệu về những cơ chế gây bệnh, tổn thương cơ bản của bệnh; triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và một số dấu hiệu X quang chính của bệnh; nêu được các tiêu chuẩn chẩn đoán một số bệnh thường gặp. Phân biệt được bệnh này với bệnh khác; nguyên tắc điều trị và các thuốc điều trị chính, áp dụng điều trị thực tế.

Ngoại bệnh lý

Là học phần tiếp theo của học phần ngoại cơ sở. Trong học phần này sinh viên được giới thiệu về đặc điểm dịch tễ học, sinh bệnh học, tổn thương giải phẫu bệnh của các bệnh ngoại khoa thường gặp; mô tả các triệu chứng lâm sàng của các bệnh ngoại khoa thường gặp. Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt các bệnh ngoại khoa thường gặp; các nguyên tắc xử trí ban đầu, chỉ định và nguyên tắc điều trị các bệnh ngoại khoa thường gặp.

Phụ sản

Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về chẩn đoán, biết cách theo dõi các trường hợp thai nghén bình thường; chẩn đoán, định hướng và xử trí bước đầu một số trường hợp sản phụ khoa cấp cứu; chẩn đoán những trường hợp thai nghén bệnh lý, một số bệnh phụ khoa thường gặp. Kết hợp với học phần giáo dục sức khoẻ và tổ chức quản lý y tế sinh viên có khả năng thực hiện được công tác tư vấn về các biện pháp kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho cộng đồng.

Nhi

Học phần sẽ giới thiệu những vấn đề chính của chiến lược chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em, các ưu tiên nhi khoa và chương trình quốc gia về lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh. Trình bày những đặc điểm giải phẫu và sinh lý chủ yếu của các hệ thống và các bộ phận cơ thể trẻ em. Đánh giá được sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Các kiến thức cơ bản về bệnh lý trẻ em: dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và các nguyên tắc xử trí bệnh. Chẩn đoán và xử trí các bệnh và các cấp cứu nội khoa thường gặp ở trẻ em. Thực hiện tư vấn giáo dục sức khoẻ cho bà mẹ/người nuôi dưỡng trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh cho trẻ em.

Truyền nhiễm

Học phần giúp sinh viên nắm vững các triệu chứng lâm sàng thể điển hình của các bệnh truyền nhiễm thông thường và các thể lâm sàng, biến chứng của bệnh. Ra các quyết định làm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán bệnh, điều trị một số bệnh truyền nhiễm thường gặp, thể điển hình. Phát hiện, sơ cứu và chuyển kịp thời các trường hợp bệnh nặng lên tuyến trên điều trị. Giới thiệu các biện pháp phòng một số bệnh truyền nhiễm phổ biến gây dịch tại địa phương.

Y học cổ truyền

Học phần này sẽ giảng cho sinh viên những điểm cơ bản về lý luận, thuốc đông dược và các phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Kết hợp được y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh thông thường. Thực hành thành thạo các thủ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thuỷ châm để điều trị một số bệnh thường gặp trên lâm sàng.

Lao

Học phần giới thiệu tình hình bệnh lao hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Các triệu chứng lâm sàng nghi lao, nguyên tắc và phác đồ điều trị lao trong chương trình chống lao Quốc gia; nhận thức được tầm quan trọng của bệnh lao trong cộng đồng và tư vấn được các biện pháp phòng ngừa lao; chẩn đoán được một số thể lao điển hình thường gặp.

Răng hàm mặt

Học phần này sẽ giới thiệu cho sinh viên đặc điểm hình thái và mối quan hệ với chức năng của răng và bộ răng (răng sữa và răng vĩnh viễn). Tình hình và phương hướng giải quyết các vấn đề răng miệng ở Việt Nam, nguyên nhân, phương pháp điều trị và dự phòng các bệnh răng miệng phổ biến: sâu răng và nha chu viêm. Liệt kê và nêu được đặc điểm chủ yếu của các nhiễm trùng. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh răng miệng cho cá nhân và cộng đồng.

Tai mũi họng

Sinh viên sẽ được học về dịch tễ học và nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng của các bệnh tai mũi họng thông thường. Chẩn đoán và xử trí được một số bệnh thông thường, một số bệnh cấp cứu và chấn thương tai mũi họng thường gặp; chẩn đoán định hướng và chuyển kịp thời các bệnh thuộc chuyên khoa tai mũi họng đi đúng tuyến chuyên khoa. Tư vấn tuyên truyền phòng bệnh tai mũi họng.

Mắt

Học phần giúp sinh viên hiểu được vai trò và mối liên quan bệnh mắt và bệnh toàn thân; sử dụng được một số phương tiện khám mắt thông thường; phát hiện và chẩn đoán được một số bệnh mắt thông thường; sơ cứu và điều trị được một số bệnh cấp cứu về mắt thường gặp. Hướng dẫn được cộng đồng thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng chống bệnh mắt.

Da liễu

Học phần giới thiệu các thương tổn cơ bản của các bệnh da liễu thông thường; cách điều trị, tư vấn được cách phòng chống các bệnh dự án liễu thông thường ở tuyến cơ sở. Các nội dung cơ bản của chương trình phòng chống bệnh phong và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phục hồi chức năng

Học phần mô tả quá trình tàn tật và nêu các định nghĩa khiếm khuyết, giảm khả năng và tàn tật; trình bày các biện pháp phòng ngừa khiếm khuyết, giảm khả năng và tàn tật; trình bày các nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản trong phục hồi chức năng: vận động điều trị, giao tiếp, sử dụng các dụng cụ phục hồi chức năng. Đánh giá được tình trạng một bệnh nhân tổn thương tủy sống. Thực hiện được một số bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống.

Thần kinh

Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng khám và phát hiện một số triệu chứng thần kinh thường gặp: hệ thống thần kinh vận động, cảm giác, khám phản xạ … Trình bày được một số hội chứng cơ bản trong thần kinh: hội chứng liệt nửa người, hội chứng liệt hai chân, hội chứng đau đầu, tăng áp lực nội sọ, hội chứng thắt lưng hông.

Sức khoẻ tâm thần

Trình bày được nội dung của tâm thần học hiện đại và kể được các nguy cơ chủ yếu về sức khoẻ tâm thần hiện nay. Phát hiện đúng các biểu hiện về triệu chứng, hội chứng học thường học trong thực hành tâm thần học; xử trí được các trạng thái cấp cứu trong tâm thần như: kích động, tự sát …. Chẩn đoán được một số bệnh nhân tâm thần thường gặp tâm phân liệt, loạn thần triệu chứng, trầm cảm, nghiện ma túy, lạm dụng rượu… Biết tổ chức chăm sóc theo dõi bệnh nhân ở cộng đồng; vận dụng được các phương pháp điều trị (liệu pháp hoá dược, liệu pháp tâm lý trong điều trị, dự phòng các rối loạn tâm thần).

Ung thư

Học phần giới thiệu cho sinh viên các kiến thức cơ bản, đại cương về ung thư. Chẩn đoán sơ bộ một số bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam: ung thư phế quản phổi, ung thư tuyến vú, ống tiêu hoá, vòm mũi họng, cổ tử cung, u lympho ác tính, khoang miệng, gan … Dự phòng và phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư thường gặp.

Y học hạt nhân

Học phần sẽ giảng về nguyên lý và ưu điểm của một số phương pháp chẩn đoán y học hạt nhân in vitro như IRMA, RIA và ứng dụng. Cơ chế, nguyên lý và ưu điểm chẩn đoán y học hạt nhân in vitro thường dùng. Sử dụng các kỹ thuật y học hạt nhân thích hợp trong công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành của mình. Cơ chế, nguyên lý và ưu nhược điểm một số phương pháp điều trị phổ biến bằng y học hạt nhân. Nguyên lý, cơ chế, các biện pháp kiểm soát và an toàn bức xạ.

Dị ứng

Học phần này sẽ giới thiệu những khái niệm cơ bản và hiện đại về các bệnh dị ứng và tự miễn. Khám, chẩn đoán và xử trí một số bệnh dị ứng và tự miễn hay gặp. Xử trí nhanh và chính xác một số trường hợp cấp cứu dị ứng: sốc phản vệ, cơ hen phế quản nặng, mày đay cấp tính, phù Quincks … Hướng dẫn được cách phòng các bệnh dị ứng hay gặp ở cộng đồng.

Dịch tễ học

Trình bày được các khái niệm và nguyên lý cơ bản của dịch tễ học; tính toán được các chỉ số sức khoẻ chủ yếu của cộng đồng, mô tả được tình hình sức khoẻ và bệnh tật của cộng đồng. Trình bày được cách xác định yếu tố nguy cơ phát triển của bệnh. Trình bày được cách đánh giá một chương trình can thiệp.

Sức khoẻ môi trường

Trình bày được các định nghĩa và khái niệm về các yếu tố ảnh hưởng lên sức khoẻ; các yếu tố gây ô nhiễm: nguồn gốc, yếu tố nguy cơ môi trường tác động lên sức khoẻ con người; trình bày các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững cho các vùng sinh thái khác nhau. Khảo sát đánh giá một số yếu tố môi trường, tác động của môi trường lên sức khoẻ.

Sức khoẻ nghề nghiệp

Xác định và đánh giá được các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động. Trình bày được các ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ có trong lao động ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và phòng chống tai nạn lao động. áp dụng được các phương pháp dịch tễ học trong nghiên cứu sức khoẻ nghề nghiệp.

Tổ chức và quản lý y tế

Trình bày được khái niệm và các thành phần của hệ thống y tế; các nguyên tắc, mô hình hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ mạng lưới y tế Việt Nam từ trung ương đến địa phương và mối quan hệ giữa ngành y tế với các ngành liên quan trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trình bày được các nguyên lý cơ bản về quản lý y tế, lập kế hoạch, tổ chức điều hành, theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động/chương trình y học dự phòng, trên cơ sở đó lập được kế hoạch hành động theo vấn đề y học dự phòng cụ thể và thực hiện được một số nội dung quản lý y tế cơ bản. Trình bày được khái niệm, quy trình chính sách y tế; phân tích và đánh giá chính sách thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; trình bày một số chính sách lớn về y học dự phòng của Việt Nam hiện hành.

Kinh tế y tế

Trình bày các khái niệm cơ bản về kinh tế, kinh tế y tế; mối quan hệ giữa kinh tế và phát triển; các bước của quá trình phân tích chi phí. So sánh các mô hình tài chính y tế; phân tích ưu, nhược điểm của viện phí; phân tích khó khăn khi thực hiện bảo hiểm y tế; phân tích chi phí cho một dự án, chi phí hộ gia đình cho sức khoẻ; phân tích, lựa chọn can thiệp y tế dựa trên các đánh giá kinh tế y tế.

Giáo dục sức khoẻ

Trình bày được khái niệm về truyền thông – giáo dục sức khoẻ và nâng cao sức khoẻ, phân tích được vai trò của truyền thông giáo dục sức khoẻ và nâng cao sức khoẻ trong công tác chăm sóc sức khoẻ. Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khoẻ và quá trình thay đổi hành vi sức khoẻ. Trình bày được quá trình truyền thông và các yêu cầu làm cho truyền thông giáo dục sức khoẻ có hiệu quả. Phân tích các kỹ năng cần rèn luyện trong truyền thông giáo dục sức khoẻ. Trình bày được các phương pháp, phương tiện truyền thông – giáo dục sức khoẻ; lập được kế hoạch truyền thông – giáo dục sức khoẻ cho một chương trình cụ thể. Trình bày các nội dung quản lý đặc trưng trong truyền thông giáo dục sức khoẻ.