Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG  (Enviromental Engineering Technology)
  • Trình độ đào tạo:        ĐẠI HỌC
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

– Chương trình khung giáo dục đại học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trình độ đại học trang bị cho người học kiến thức cơ bản nhằm phát triển toàn diện, kỹ năng thực hành để có khả năng đảm đương được công tác của một kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật môi trường trong bảo vệ và xử lý môi trường của tất cả các cơ sở sản xuất nông công nghiệp, đồng thời các kỹ sư kỹ thuật môi trường có thể đáp ứng được với sự phát của ngành và xã hội.

– Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, sinh viên có thể đảm trách công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy, xí nghiệp, trang trại… làm việc tại các Viện, trường, các trung tâm ứng dụng và triển khai công nghệ môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc giảng dạy ngành khoa học môi trường tại các cơ sở đào tạo.

Mục tiêu cụ thể

 

 

– Phẩm chất

Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật môi trường là người có phẩm chất đạo đức và đủ sức khỏe để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Kiến thức

Được trang bị đầy đủ kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành, đáp ứng yêu cầu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường của công nghiệp và xã hội.

– Kỹ năng

Sinh viên ngành kỹ thuật công nghệ môi trường có khả năng thiết kế công nghệ, tổ chức thi công, vận hành các công trình xử lý chất thải: khí, lỏng, rắn, các công trình cấp nước sạch khí sạch cho sản xuất và dân dụng, có khả năng tìm hiểu, phát triển ứng dụng Công nghệ môi trường trong sản xuất và đời sống dân dụng.

Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc:

Kiến thức giáo dục đại cương:
1 Triết học Mác-Lênin 10 Xác suất – Thống kê
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 11 Vật lý đại cương 1
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 12 Hóa học đại cương 1
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 13 Nhập môn tin học
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 14 Sinh học 1
6 Ngoại ngữ ** 15 Hóa lý
7 Toán cao cấp 1 16 Môi trường đại cương
8 Toán cao cấp 2 17 Giáo dục thể chất
9 Toán cao cấp 3 18 Giáo dục Quốc phòng
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp:
a) Kiến thức cơ  sở của khối ngành và ngành
1 Quá trình công nghệ môi trường 1 (Các quá trình cơ học) 5 Phân tích môi trường
2 Quá trình công nghệ môi trường 2 (Truyền khối và kỹ thuật phản ứng) 6 Vi sinh kỹ thuật môi trường
3 Thủy lực môi trường 7 Hình họa – Vẽ kỹ thuật
4 Hóa kỹ thuật môi trường
b) Kiến thức ngành
1 Quản lý môi trường 5 Suy thoái và bảo vệ đất
2 Sinh thái học 6 Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại
3 Độc học môi trường 7 Công nghệ xử lý nước thải
4 Công nghệ xử lý khí thải và tiếng ồn 8 Công nghệ xử lý nước cấp
c) Thực hành, thực tập
1 Thực tập phân tích không khí 5 Thực tập Vi sinh kỹ thuật môi trường
2 Thực tập phân tích nước và nước thải 6 Tham quan nhận thức
3 Thực tập phân tích chất thải rắn 7 Thực tập kỹ sư
4 Thí nghiệm Thủy lực môi trường 8 Thực tập tốt nghiệp

Nội dung các học phần bắt buộc (Kiến thức CS ngành và kiến thức ngành):

Môi trường đại cương: Nội dung bao gồm các kiến thức tổng quát về môi trường, sự ô nhiễm môi trường do hoạt động sống và lao động sản xuất của con người, động vật và thực vật; các phương pháp cơ bản xử lý ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước cấp, nước thải, chất thải rắn, các giải pháp nhằm giúp giảm thiểu lượng chất thải vào môi trường.

Quá trình công nghệ môi trường 1 (các quá trình cơ học): Nội dung bao gồm các phương pháp cơ học: lắng, lọc được áp dụng trong xử lý chất thải cũng như cung cấp khí sạch và nước sạch và các thiết bị chuyên dùng trong vận chuyển các lưu chất, thiết bị khuấy trộn chất lỏng.

Quá trình công nghệ môi trường 2 (truyền khối và kỹ thuật phản ứng): Nội dung bao gồm 3 phần:

– Phần 1: các quá trình truyền khối và áp dụng lý thuyết truyền khối để tính toán các thiết bị hấp thu, hấp phụ, trao đổi ion. Các loại thiết bị hấp thu, hấp phụ, cũng sẽ được giới thiệu trong phần này;

– Phần 2: Kỹ thuật phản ứng hóa học, giới thiệu và tính toán các mô hình thiết bị phản ứng: thiết bị khuấy lý tưởng, thiết bị ống lý tưởng, và mô hình dãy hộp. So sánh và chọn lựa các mô hình thiết bị phản ứng;

– Phần 3: Kỹ thuật phản ứng sinh học, Giới thiệu khái niệm về phản ứng sinh học, động học phản ứng sinh học, xác định các thông số động học và phương pháp tính toán các loại thiết bị phản ứng sinh học.

Thủy lực môi trường: Nội dung bao gồm các phương pháp tính toán dòng chảy qua các công trình như kênh, đập tràn, cống, dòng thấm trong đất, dòng chảy không ổn định trong lòng dẫn hở làm cơ sở cho việc tính toán công trình xử lý ô nhiễm trong phạm vi vi mô cũng như vĩ mô.

Hóa kỹ thuật môi trường: Trình bày các kiến thức cơ bản về hóa học môi trường: không khí, đất, nước, chất thải rắn và chất thải nguy hại. Các quá trình biến đổi các chất trong các thành phần nói trên. Mối tương quan giữa các tác nhân ô nhiễm trong môi trường. Các phương pháp giám sát, đánh giá cơ bản các tác nhân ô nhiễm. Một số phương pháp xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường.

Phân tích môi trường: Nội dung bao gồm các phương pháp phân tích thường được sử dụng trong đánh giá ô nhiễm vô cơ và hữu cơ trong môi trường nước, môi trường không khí và môi trường đất. Các phương pháp thu mẫu, tách ly và làm giàu vết các hợp chất cần phân tích. Giới thiệu các kỹ thuật phân tích phân hủy và không phân hủy mẫu phù hợp với các đối tượng lựa chọn cho mục đích phân tích.

Vi sinh kỹ thuật môi trường: Nội dung bao gồm các kiến thức cơ sở về vi sinh vật, hoạt động sống và vai trò của chúng được ứng dụng trong công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nhất là xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp cũng như được ứng dụng để đánh giá về ô nhiễm.

Hình họa vẽ kỹ thuật: Nội dung bao gồm các kiến thức về khả năng tư duy không gian, kỹ năng sử dụng các dụng cụ vẽ thông dụng cũng như giới thiệu các phần mềm và thiết bị vẽ tự động. Trang bị khả năng biểu diễn vật thể và đọc hiểu được các ý tưởng kỹ thuật trên bản vẽ theo TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) hay ISO (Tiêu chuẩn quốc tế).

Quản lý môi trường: Nội dung bao gồm quản lý môi trường, các công cụ luật pháp, chính sách, kinh tế, kỹ thuật đang được áp dụng trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong các doanh nghiệp, khu vực dân cư và các kiến thức về quản lý các thành phần môi trường.

Sinh thái học: Nội dung bao gồm những kiến thức cơ bản về sinh thái và môi trường để nghiên cứu các mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau và với môi trường và có thể tận dụng chúng trong các công tác khác nhau liên quan đến vấn đề tài nguyên và môi trường.

Độc học môi trường: Nội dung bao gồm những khái niệm, phân loại và định nghĩa độc học môi trường, về các độc chất, độc tố trong các môi trường đất, nước, không khí, các hành vi và cách gây hại của độc tố trong từng môi trường thành phần cũng như chu trình sinh địa hóa của chúng. Về tác hại của các độc chất độc tố lên cá thể, quần thể và quần xã trong hệ sinh thái môi trường. Về các quá trình tích lũy, phóng đại sinh học, phản ứng của cơ thể sinh vật đối với độc chất, độc tố.

Công nghệ xử lý khí thải và tiếng ồn: Nội dung bao gồm 2 phần:

+ Phần 1: Công nghệ xử lý khí thải: Các biện pháp chung để kiểm soát ô nhiễm không khí; Phương pháp thu và vận chuyển khí thải từ nguồn phát sinh tới thiết bị xử lý; Nguyên lý và các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi, các thiết bị xử lý bụi cơ bản như buồng rửa khí rỗng, cyclon, lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, … Nguyên lý xử lý hơi khí độc bao gồm các phương pháp hấp thụ, hấp phụ, nhiệt, xúc tác; quản lý và xử lý các chất khí ô nhiễm đặc trưng như SO2, NOx, HAP, VOC…;

+ Phần 2: Công nghệ chống ồn và rung: Các biện pháp chống ồn bằng quy hoạch, chống ồn tại nguồn và chống ồn trên đường lan truyền, các phương pháp và thiết bị chống ồn và rung.

Suy thoái và bảo vệ đất: Nội dung bao gồm tính chất đất và quá trình biến đổi các đặc tính đất về phương diện hóa lý. Các tác nhân và quá trình tác động gây nên sự suy thoái đất: mặn hóa, phèn hóa, bạc màu và ô nhiễm đất. Bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất. Một số biện pháp kỹ thuật nhằm làm giảm thiểu sự thoái hóa đất: sinh học, thực vật, hóa học với hai phương pháp ex situ và in situ.

Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại: Nội dung bao gồm các khái niệm cơ bản về chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại. Hệ thống quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại: thu gom, phân loại, vận chuyển và các công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, các quy định pháp luật Việt Nam và Quốc tế về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Công nghệ xử lý nước thải: Nội dung bao gồm các phương pháp, quy trình công nghệ và công trình xử lý đối với nước thải sinh hoạt và công nghiệp, xử lý bùn cặn và các vấn đề cơ bản trong quản lý nhà máy xử lý nước thải.

Công nghệ xử lý nước cấp: Nội dung bao gồm các nguồn nước, các loại công trình thu nước và các kỹ thuật xử lý nước, quy hoạch mặt bằng, quản lý vận hành, bão dưỡng các công trình và thiết bị trong nhà máy cấp nước.

Thực tập phân tích không khí: Giúp cho sinh viên làm quen và sử dụng các dụng cụ lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản trong không khí xung quanh.

Thực tập phân tích nước và nước thải: Giúp cho sinh viên làm quen và sử dụng các dụng cụ lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản trong thành phần nước và nước thải.

Thực tập phân tích chất thải rắn: Giúp cho sinh viên làm quen và sử dụng các dụng cụ lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản trong thành phần chất thải rắn.

Thí nghiệm thủy lực môi trường: Thí nghiệm Thủy lực môi trường là môn học thực hành giúp cho sinh viên hiểu rõ các nguyên lý và hiện tượng của cơ học chất lỏng.

Thực tập vi sinh kỹ thuật môi trường: Thực tập vi sinh kỹ thuật môi trường nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức về kỹ năng thực hành các chỉ tiêu cơ bản trong đánh giá kiểm tra môi trường bằng phương pháp vi sinh vật mục đích giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật phân tích vi sinh trong nước, đất và không khí. Nhận diện các đa dạng của vi sinh vật trong môi trường cùng sự phát triển và ảnh hưởng của chúng. Nội dung môn học gồm có 3 phần:

+ Phương pháp phân tích vi sinh trong phòng thí nghiệm

+ Phương pháp bảo quản mẫu

+ Thực hành xác định các chỉ tiêu vi sinh: Colitium, E coli…

Tham quan nhận thức: Sinh viên kiến tập một vài trạm xử lý chất thải, hoặc hoạt động của các cơ quan quản lý môi trường để hình dung được các công tác của mình trong tương lai.

Thực tập kỹ sư: Nội dung bao gồm các kỹ năng về học thuật, giao tiếp, viết và trình bày các báo cáo kỹ thuật.

Thực tập tốt nghiệp: Đây là đợt thực tập của sinh viên trước khi thực hiện luận văn tốt nghiệp. Mục đích của đợt thực tập tốt nghiệp là giúp sinh viên tìm hiểu một quy trình xử lý chất thải hoàn chỉnh, thu thập vác số liệu thực tế của hệ thống xử lý phục vụ cho việc thực hiện luận văn tốt nghiệp. Đồng thời qua đợt thực tập, sinh viên sẽ làm quen với vai trò của người kỹ sư trong việc điều hành và quản lý trạm xử lý chất thải.

Đồ án tốt nghiệp: Sinh viên vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề môi trường một cách hợp lý về mặt khoa học và kinh tế.