Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước bậc Đại Học
- Ngành đào tạo: KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (Water Resources Engineering)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật tài nguyên nước nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức để có thể nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và thực hiện dự án, tổ chức quản lý hệ thống tài nguyên nước, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Cụ thể gồm:
– Thực hiện các dự án quy hoạch và quản lý tài nguyên nước lưu vực sông và vùng lãnh thổ; hay các dự án quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch phòng lũ, tưới tiêu …
– Tiếp cận và thực hiện các công việc về thiết kế và tổ chức thi công các công trình thủy lợi.
– Tiếp cận và thực hiện các công việc về quản lý và khai thác công trình có liên quan đến nước (thủy lợi, thủy điện, cấp thoát nước).
Mục tiêu cụ thể
Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có khả năng:
– Có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, ngành và kiến thức về khoa học xã hội để giải quyết hiệu quả các vấn đề chuyên môn thuộc ngành.
– Có khả năng thiết kế các thí nghiệm, tiến hành thí nghiệm và xử lý kết quả thí nghiệm liên quan đến ngành học như thủy lực, thủy văn, địa kỹ thuật vv.
– Có khả năng thiết kế toàn bộ hay từng hạng mục công việc thuộc lĩnh vực tài nguyên nước nhằm đạt được các yêu cầu kỹ thuật trong điều kiện thực tiễn về kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, đạo lý, sức khoẻ và an toàn lao động và đảm bảo phát triển bền vững.
– Có khả năng nhận biết, diễn đạt và giải quyết các vấn đề kỹ thuật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước.
– Có khả năng hoạt động và cộng tác trong một tập thể đa ngành.
– Hiểu biết về các giá trị đạo đức và nghề nghiệp, về các vấn đề đương đại.
– Có khả năng làm việc chuyên môn (viết báo cáo, giao tiếp) bằng ngoại ngữ một cách hiệu quả.
– Có kiến thức cơ bản đủ rộng để hiểu rõ tác động của các giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước trong bối cảnh kinh tế, môi trường và xã hội toàn cầu; hiểu được sự cần thiết và có khả năng tự học suốt đời.
– Có khả năng sử dụng các công cụ trợ giúp hiện đại như phần mềm máy tính, các thiết bị đo đạc và thí nghiệm vv để có thể nghiên cứu hay theo học các chương trình cao hơn.
Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước bậc Đại Học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin | 8 | Giải tích 1 |
2 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 9 | Giải tích 2 |
3 | Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam | 10 | Vật lý 1 |
4 | Ngoại ngữ cơ bản | 11 | Vật lý 2 |
5 | Giáo dục thể chất | 12 | Hoá học đại cương |
6 | Giáo dục quốc phòng – an ninh | 13 | Tin học đại cương |
7 | Đại số | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
Kiến thức cơ sở ngành | |||
1 | Kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm | 7 | Cơ học chất lỏng |
2 | Toán ứng dụng | 8 | Thủy lực công trình |
3 | Cơ học kỹ thuật | 9 | Thủy văn |
4 | Đồ hoạ kỹ thuật | 10 | Địa kỹ thuật |
5 | Sức bền vật liệu | 11 | Trắc địa và GIS |
6 | Cơ học kết cấu | 12 | Vật liệu xây dựng |
Kiến thức ngành | |||
1 | Cơ sở hạ tầng và giao thông | 3 | Kỹ thuật tài nguyên nước |
2 | Nguyên lý và đồ án thiết kế | 4 | Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm:
Tổng quan về quá trình giao tiếp, kỹ năng lắng nghe và phi ngôn từ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình.
Toán ứng dụng:
Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về lý thuyết xác suất, thống kê toán học và các phương pháp tối ưu hóa. Đây là môn môn học cơ sở của các môn học khác thuộc ngành Kỹ thuật tài nguyên nước. Cụ thể gồm: Lý thuyết xác suất, thống kê toán học, quy hoạch tuyến tính, quy hoạch phi tuyến, quy hoạch động và tối ưu đa mục tiêu.
Cơ học kỹ thuật:
Trang bi cho sinh viên ngành kỹ thuật các kiến thức cơ bản về lý thuyết và các ứng dụng của cơ học kỹ thuật. Nghiên cứu các hệ lực tương đương, thu gọn hệ lực; trạng thái cân bằng của các vật rắn. Phương pháp vectơ, ứng dụng cho kết cấu và cơ học. Động lực học phân tử và vật rắn cho các chuyển động thẳng, cong, xoay và chuyển động song phẳng. Các nguyên lý của công và năng lượng, xung lượng và động lượng.
Đồ hoạ kỹ thuật:
Phương pháp biểu diễn không gian lên mặt phẳng và giải một số bài toán liên quan trên hình biểu diễn của đối tượng (phương pháp hình chiếu thẳng góc, phương pháp hình chiếu trục đo, phương pháp hình chiếu phối cảnh, phương pháp hình chiếu có số). Các tiêu chuẩn cơ bản để thành lập bản vẽ kỹ thuật. Biểu diễn đối tượng trên bản vẽ truyền thống và có sự trợ giúp của MTĐT. Nội dung và yêu cầu của các loại bản vẽ trong thiết kế xây dựng.
Sức bền vật liệu:
Phân tích ngoại lực, nội lực, ứng suất, biến dạng của các cấu kiện chịu lực chủ yếu như kéo nén đúng tâm, uốn, xoắn thường gặp trong thực tế. Cách tính toán độ bền, độ cứng để phục vụ cho việc thiết kế các kết cấu công trình như kết cấu thép, kết cấu gỗ, kết cấu bê tông cốt thép đảm bảo đồng thời các yêu cầu về kinh tế và kỹ thuật.
Cơ học kết cấu:
Trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết để giải quyết các bài toán thực tế có liên quan đến các công việc thiết kế và thi công. Giúp cho sinh viên có khả năng xác định phản lực, nội lực, chuyển vị của hệ thanh tĩnh định dưới tác dụng của tải trọng bất động. Phương pháp xác định nội lực, chuyển vị của hệ thanh siêu tĩnh.
Cơ học chất lỏng:
Trang bị cho sinh viên các kiến thức các đặc trưng của chất lỏng, các phương trình cơ bản của thủy tĩnh, thủy động và động lực học đặc biệt đối với chất trọng lực không nén được và có tính nhớt. Tạo cho sinh viên kỹ năng cần thiết để phân tích và tính toán các vấn đề liên quan đến môn học. Có khả năng áp dụng các kiến thức của môn học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong thực tế. Cụ thể gồm: thủy tĩnh, cơ sở của thủy động lực học, tổn thất cột nước, dòng chảy qua lỗ vòi, dòng chảy qua đường ống.
Thuỷ lực công trình:
Nghiên cứu về dòng chảy đều không áp trong kênh, dòng chảy ổn định không đều trong lòng dẫn hở: kênh, các dạng nước nhảy, đập tràn, nối tiếp và tiêu năng hạ lưu công trình, chế độ chảy qua cửa cống, các loại công trình nối tiếp, chuyển động không ổn định trong lòng dẫn hở và cơ sở lý luận về mô hình vật lý các hiện tượng thuỷ lực.
Thuỷ văn:
Trang bị cho sinh viên các kiến thức về sự hình thành dòng chảy sông ngòi, các phương pháp tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế, điều tiết dòng ứng dụng trong thiết kế, quy hoạch các công trình thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. Cụ thể gồm: sự hình thành dòng chảy sông ngòi, tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế, tính toán điều tiết dòng chảy.
Địa kỹ thuật:
Dòng thấm trong đất gồm dòng thấm 2 hướng, đường dòng và đường thế, các lực thấm, khống chế nước ngầm, hạ thấp nước dưới đất. Tính chất vật lý, cơ học của đất, đá. Cân bằng giới hạn và lý thuyết về áp lực đất: áp lực đất chủ động và bị động, phân tích giới hạn của tường chắn và mái dốc. ổn định mái dốc: phân tích thoát nước và không thoát nước, mái dốc vô hạn, phương pháp phân thỏi, gia cố mái dốc, quan trắc hiện trường.
Trắc địa và GIS:
Lý thuyết và thực hành công tác khảo sát mặt bằng- khống chế toạ độ, cao độ các điểm, vẽ bình đồ, mặt cắt, sử dụng các thiết bị đo, kết hợp số liệu thu được dùng máy kinh vĩ bằng kỹ thuật laze với phần mềm khảo sát bằng máy tính, ứng dụng GIS trong trắc địa.
Vật liệu xây dựng:
Cách phân loại vật liệu xây dựng (VLXD), các tính chất cơ bản của VLXD, sơ bộ cách sản xuất một số loại VLXD chính hiện đang dược dùng phổ biến trong xây dựng, các tính chất kỹ thuật và cách thiết kế, sử dụng một số chất kết dính vô cơ và vật liệu hỗn hợp được chế tạo từ các chất kết dính vô cơ (như vôi, xi măng pooc lăng và các sản phẩm từ xi măng như bê tông và vữa xây dựng…).
Cơ sở hạ tầng và giao thông:
Tổng quan về trắc địa, bản đồ và GIS ứng dụng; quy hoạch, phát triển, thiết kế, xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý dự án, quản lý chất thải rắn, môi trường, kinh tế xây dựng và tối ưu hệ thống hạ tầng, hệ thống giao thông.
Nguyên lý và đồ án thiết kế:
Thiết kế dự án chuyên ngành dựa vào các kiến thức đã thu được từ các môn học trước, các chế độ hiện hành và những ràng buộc của thực tế bao gồm hầu hết các vần đề cần phải quan tâm về: kinh tế, môi trường, bền vững, năng lực sản xuất, sức khỏe và an toàn, xã hội và chính trị. Trong môn học này, sinh viên học cách viết đề cương công việc, tiếp xúc với khách hàng và làm việc với những người tư vấn đặc biệt. Một phần của học phần được dành cho kinh tế xây dựng, quản lý và giám sát dự án, tính toán chi phí xây dựng và lập hồ sơ xây dựng.
Kỹ thuật tài nguyên nước:
Cung cấp kiến thức phục vụ kiểm soát và điều tiết nguồn nước cho các mục đích sử dụng tổng hợp. Nội dung bao gồm thủy văn, nước ngầm, các nguyên tắc và kinh tế trong quy hoạch, luật nước, các công trình thủy lợi như trạm bơm, hồ chứa, đập tràn vv, giao thông thủy, thủy điện, tiêu thoát nước mưa và nước thải, phòng lũ, quy hoạch tài nguyên nước.
Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước:
Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về quy hoạch và quản lý tài nguyên nước tự nhiên và nhân tạo. Bước đầu nắm và vận dụng được Luật, thể chế và chính sách trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước và môi trường. Cụ thể gồm: khái niệm về nguồn nước – vai trò của nguồn nước trong phát triển kinh tế- xã hội của loài người và môi trường, quy hoạch và phát triển nguồn nước, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, vấn đề Luật, thể chế và chính sách đối với nguồn nước.