Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật máy tính bậc Đại Học
- Ngành đào tạo: KỸ THUẬT MÁY TÍNH (Computer Engineering)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 5 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức khoa học và công nghệ về thiết kế, xây dựng, cài đặt và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của các hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; Đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có đạo đức nghề nghiệp, có thể tham gia thiết kế, xây dựng, cài đặt và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của các hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính. Chương trình trang bị cho sinh viên những kiến thức cụ thể sau:
– Kiến thức giáo dục đại cương: theo qui định chung của khối ngành kỹ thuật nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu và đảm bảo khả năng tương thích về giáo dục đại cương của tất cả ngành.
– Kiến thức cơ sở ngành: Kiến thức cốt lõi của ngành (Kiến trúc hệ máy tính, hệ điều hành, cấu trúc dữ liệu, kỹ thuật lập trình, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin) và các kiến thức cơ sở cần thiết cho kỹ sư của ngành (Kỹ thuật điện tử, mạch logic, mạch và tín hiệu).
– Kiến thức ngành: Những kiến thức tối thiểu cần thiết là những kiến thức về vi xử lý, về thiết kế, phát triển và ứng dụng các hệ máy tính hoặc hệ thống dựa trên máy tính.
Mục tiêu cụ thể
Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính có khả năng:
– Thiết kế, xây dựng, cài đặt và bảo trì cả phần cứng và phần mềm (tập trung vào các phần mềm cho các thiết bị điện tử số) của các hệ thống điện tử số bao gồm các hệ thống truyền thông, máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính.
– Thiết kế, xây dựng và ứng dụng các hệ thống nhúng.
– Có các kiến thức và kỹ năng khác phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.
Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật máy tính bậc Đại Học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin | 8 | Giải tích 1 |
2 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 9 | Giải tích 2 |
3 | Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam | 10 | Vật lý 1 |
4 | Ngoại ngữ cơ bản | 11 | Vật lý 2 |
5 | Giáo dục thể chất | 12 | Hoá học đại cương |
6 | Giáo dục quốc phòng-an ninh | 13 | Tin học đại cương |
7 | Đại số | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
Kiến thức cơ sở ngành | |||
1 | Tiếng Anh chuyên ngành | 7 | Mạch lôgic |
2 | Cấu trúc dữ liệu và giải thuật | 8 | Kiến trúc máy tính |
3 | Toán rời rạc | 9 | Hệ điều hành |
4 | Toán chuyên đề | 10 | Cơ sở dữ liệu |
5 | Mạch và tín hiệu | 11 | Kỹ thuật lập trình |
6 | Điện tử | 12 | Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin |
Kiến thức ngành | |||
1 | Mạng máy tính | 4 | Hệ thống nhúng |
2 | Hệ vi xử lý | 5 | Lập trình thiết kế mạch số |
3 | Xử lý tín hiệu số | 6 | Kỹ năng giao tiếp |
Thực tập và đồ án | |||
1 | Thực tập cơ sở | 3 | Thực tập tốt nghiệp |
2 | Thực tập chuyên ngành | 4 | Đồ án tốt nghiệp |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Tiếng Anh chuyên ngành
Cung cấp các thuật ngữ chuyên ngành công nghệ thông tin. Cách đọc, hiểu tài liệu chuyên ngành, các cấu trúc ngữ pháp hay gặp trong tài liệu chuyên ngành.
Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
Thiết kế và phân tích, giải thuật đệ quy. Mảng và danh sách. Danh sách móc nối, cấu trúc cây. Đồ thị và một vài cấu trúc phi tuyến khác. Sắp xếp, tìm kiếm. Tính phức tạp của thuật toán.
Toán rời rạc
Lý thuyết tổ hợp gồm mở đầu, bài toán đếm, bài toán tồn tại, bài toán liệt kê, bài toán tối ưu tổ hợp. Lý thuyết đồ thị gồm các khái niệm cơ bản của lý thuyết đồ thị, biểu diễn đồ thị trên máy tính, tìm kiếm trên đồ thị, đồ thị Euler và đồ thị Hamilton, cây và liệt kê cây, các bài toán tối ưu trên đồ thị.
Toán chuyên đề
Ứng dụng của thống kê và xác suất trong công nghệ thông tin. Các nguyên tắc của thực nghiệm: thiết kế thí nghiệm và phân tích kết quả. Khảo sát các ví dụ thực tế từ các lĩnh vực của công nghệ thông tin. Lý thuyết hàm biến phức và ứng dụng.
Mạch và tín hiệu
Các đại lượng điện, các mạch điện thụ động, các mạch tích cực, đáp ứng tần số, đáp ứng thời gian (tích chập), biến đổi Laplace, phân tích điều hòa, biến đổi Fourrier, các mạch lọc.
Điện tử
Cung cấp các kiến thức về các linh kiện điện tử, các mạch điện tử cơ bản (dao động, tạo xung, điều chế, chỉnh lưu…) và đo lường điện tử (phép đo và các thiết bị đo).
Mạch lôgic
Giới thiệu chung về hệ thống số, cơ sở số học của hệ thống số, cơ sở logic của hệ thống số, các hệ tổ hợp và hệ dãy cơ bản, phân tích và tổng hợp hệ tổ hợp, phân tích và tổng hợp hệ dãy.
Kiến trúc máy tính
Giới thiệu chung về kiến trúc máy tính và hệ thống máy tính. Biểu diễn dữ liệu và số học máy tính, bộ xử lý trung tâm (CPU), bộ nhớ máy tính, kỹ thuật vào/ra. Giới thiệu các mô hình kiến trúc tiến tiến (kiến trúc pipeline, kiến trúc đa bộ xử lý, kiến trúc các hệ thống đa máy tính).
Hệ điều hành
Chức năng và kiến trúc hệ điều hành, giới thiệu về tầng vật lý và lập trình các cơ chế ở mức thấp. Tiến trình, lập trình các tiến trình song song, đồng bộ và truyền thông giữa các tiến trình, quản lý tiến trình. Điều độ hệ thống tiến trình, hệ thống đa chương trình, đa người sử dụng, quản lý bộ nhớ, hệ thống quản lý file, quản lý hệ thống vào/ra, tổ chức hệ thống bảo vệ an toàn thông tin. Giới thiệu một số hệ điều hành thông dụng (tuỳ chọn): Windows, UNIX, LINUX.
Cơ sở dữ liệu
Đại cương về các hệ cơ sở dữ liệu, các mô hình dữ liệu. Ngôn ngữ định nghĩa và thao tác dữ liệu đối với mô hình quan hệ. Lý thuyết thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ, tổ chức dữ liệu vật lý, tối ưu hóa câu hỏi, an toàn và toàn vẹn dữ liệu.
Kỹ thuật lập trình
Lược sử phát triển của kỹ thuật lập trình, các nguyên lý lập trình, kỹ thuật lập trình có cấu trúc, kỹ thuật lập trình hướng đối tượng, các kỹ thuật lập trình tiên tiến.
Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin
Tìm hiểu các yêu cầu, phân tích hệ thống về chức năng, phân tích hệ thống về dữ liệu. Thiết kế hệ thống, hướng tới việc xây dựng các hệ thông tin cho từng ứng dụng cụ thể, phù hợp với từng môi trường cụ thể.
Mạng máy tính
Cơ sở kỹ thuật truyền số liệu – định nghĩa và phân loại mạng máy tính. Kiến trúc phân tầng ISO. Mạng cục bộ, mạng diện rộng, mạng Internet/ Intranet, mạng thế hệ mới. Quản trị mạng, an toàn-an ninh mạng, mạng di động và không dây. Đánh giá hiệu năng mạng.
Hệ vi xử lý
+ Cung cấp các kiến thức về cấu trúc phần cứng, lập trình Assembly và các vi mạch lập trình được cho phối ghép ngoại vi để sinh viên làm quen với hệ vi xử lý 8088/86 của Intel, làm tiền đề để có thể hiểu được hoạt động của các bộ vi xử lý khác.
+ Các kiến thức tổng quan về các thiết bị ngoại vi, ghép nối vào ra IO, các giao thức ghép nối, các chuẩn IO bus, ghép nối số, ghép nối analog và phương pháp xây dựng các chương trình điều khiển.
Xử lý tín hiệu số
Cung cấp các kiến thức về tín hiệu và hệ rời rạc, phép biến đổi Z, các bộ lọc số, hàm cửa sổ và phép biến đổi Fourier rời rạc.
Hệ thống nhúng
Giới thiệu chung về hệ nhúng, ngôn ngữ lập trình C và ASM cho các hệ nhúng, tổ chức máy tính – quan điểm của người lập trình, giới thiệu các vi điều khiển và các công cụ phát triển, công nghệ thiết kế mạch, thử nghiệm và đánh giá hệ nhúng.
Lập trình thiết kế mạch số
Cung cấp các kiến thức về ngôn ngữ VHDL và ứng dụng ngôn ngữ này vào việc thiết kế các mạch số cơ bản.
Kỹ năng giao tiếp
Kiến thức căn bản về giao tiếp gồm nói, viết và trình bày bằng máy chiếu. Các nguyên tắc của văn phong kỹ thuật gồm các hình thức văn bản, các chiến lược thu thập thông tin, viết tài liệu và trình bày qua máy chiếu. Phương pháp làm việc hiệu quả với người khác, tìm biết các động cơ khiến con người làm việc hăng say, các khái niệm của động học nhóm làm việc. Các chiến lược về cách lắng nghe, thuyết phục và thỏa thuận.