Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp bậc Đại Học
- Ngành đào tạo: KỸ THUẬT HỆ THỐNG CÔNG NGHIỆP (Industrial System Engineering)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4,5 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (KTHTCN) nhằm trang bị cho sinh viên nắm vững lý thuyết, có kiến thức, kỹ năng vững vàng để phát hiện, đề xuất và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành. Kỹ sư ngành KTHTCN có thể tham gia nghiên cứu, thiết kế, phát triển, điều hành – quản lý, cải thiện và tái thiết kế các hệ thống công nghiệp cũng như trợ giúp ra quyết định cho nhà quản lý.
Mục tiêu cụ thể
Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp có khả năng:
– Điều hành hiệu quả các hệ thống công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ (nhà máy, phân xưởng, công ty dịch vụ…).
– Thiết kế mới các hệ thống công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ từ qui mô nhỏ đến trung bình và lớn.
– Phát hiện, mô hình hóa, tìm lời giải và đề xuất các thay đổi cần thiết để cải thiện hệ thống công nghiệp theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành, rút ngắn thời gian, nâng cao sức cạnh tranh.
– Phân tích, đánh giá, mô hình hóa và hỗ trợ ra quyết định cho các các cấp quản lý chủ trì thực hiện các công việc như: tổ chức điều độ – lập kế hoạch sản xuất và dịch vụ, dự báo cho sản xuất và dịch vụ, thiết kế và thực hiện hệ thống quản lý vật tư tồn kho, kiểm soát và quản lý chất lượng, nghiên cứu tổ chức lao động hợp lý, bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý, quản lý dự án công nghiệp, thiết kế hệ thống, tổ chức công tác thống kê – điều tra phục vụ quản lý, thiết kế và thực hiện bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống công nghiệp; tích hợp máy tính và các hệ thống sản xuất; thiết kế sản phẩm trong sản xuất và dịch vụ.
Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp bậc Đại Học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin | 8 | Giải tích 1 |
2 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 9 | Giải tích 2 |
3 | Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam | 10 | Vật lý 1 |
4 | Ngoại ngữ cơ bản | 11 | Vật lý 2 |
5 | Giáo dục thể chất | 12 | Hoá học đại cương |
6 | Giáo dục quốc phòng – an ninh | 13 | Tin học đại cương |
7 | Đại số | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
Kiến thức cơ sở ngành | |||
1 | Xác suất thống kê | 4 | Vận trù học |
2 | Kỹ thuật Cơ khí | 5 | Kỹ thuật Điện – Điện tử đại cương |
3 | Quản lý sản xuất và dịch vụ | 6 | Kinh tế Kỹ thuật |
Kiến thức ngành | |||
1 | Kỹ thuật Hệ thống | 7 | Kỹ thuật điều độ trong sản xuất và dịch vụ |
2 | Thiết kế sản phẩm và dịch vụ | 8 | Quản lý vật tư – Tồn kho |
3 | Quản lý bảo dưỡng công nghiệp | 9 | Quản lý chất lượng |
4 | Chuỗi cung ứng và hậu cần | 10 | Quản lý dự án Công nghiệp |
5 | Đo lường lao động và thiết kế công việc | 11 | Kỹ thuật ra quyết định |
6 | Thiết kế vị trí và mặt bằng hệ thống công nghiệp | 12 | Mô hình hóa & Mô phỏng các HTCN |
Thực tập và đồ án | |||
1 | Thực tập tốt nghiệp | 2 | Đồ án tốt nghiệp |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Xác suất và thống kê
Thống kê mô tả, khái niệm đám đông và mẫu, các phân bố ngẫu nhiên rời rạc, phân bố ngẫu nhiên liên tục, lấy mẫu và phân bố mẫu; vấn đề ước lượng tham số, kiểm định giả thuyết thống kê, kiểm định phi tham số, phép phân tích phương sai, phép phân tích hồi qui, chuỗi thời gian và dự báo; các phương pháp thăm dò và lấy mẫu..
Quản lý sản xuất và dịch vụ
Dự báo nhu cầu sản xuất, thiết kế sản phẩm và dịch vụ, hoạch định quy trình sản xuất; thiết kế vị trí mặt bằng; thiết kế công việc và đo lường hiệu quả công việc; thống kê kiểm soát chất lượng; quản lý tồn kho; hoạch định nhu cầu vật tư, điều độ sản xuất.
Vận trù học
Các kiến thức cơ bản về qui hoạch toán học cho mô hình tất định như qui hoạch tuyến tính, qui hoạch phi tuyến, qui hoạch động, qui hoạch nguyên, qui hoạch mạng. Những kiến thức về các mô hình Chuỗi Markov, mô hình Poisson, mô hình tái sinh, lý thuyết sắp hàng, lý thuyết tin cậy cũng được trang bị.
Kinh tế kỹ thuật
Khái niệm chung về kinh tế kỹ thuật cũng như khái niệm liên quan đến giá trị thời gian của tiền tệ, sức thu và sức mua của đồng tiền, các khái niệm tương đương của dòng tiền. Xem xét các cơ sở so sánh phương án và chọn lựa phương án đầu tư hay tập đầu tư. Một số các trường hợp chuyên biệt như phân tích thay thế, phân tích cân bằng và tối ưu nhiều phương án. Phần kế tiếp giới thiệu các khái niệm khấu hao, thuế lợi tức, cách ghi chép kế toán để thực hiện các báo cáo tài chính cũng như phân tích dự án sau thuế đối với dòng tiền tệ sau thuế. Cuối cùng là giới thiệu khái niệm phân tích rủi ro và độ nhạy của các dự án.
Kỹ thuật Cơ khí
Nguyên lý cấu tạo cơ cấu, phương pháp xác định các yếu tố động – lực học cơ cấu, các cơ cấu truyền động cơ bản, lý thuyết tạo hình các bề mặt gia công cơ bản. Các phương pháp gia công phổ biến (khái niệm về dao, máy, công nghệ): tiện, phay, bào, khoan, mài,…các phương pháp gia công bằng các tia năng lượng (nguyên lý và ứng dụng): tia lử điện, laser,… công nghệ gia công một số chi tiết điển hình. Những thông số đặc trưng cho hệ thống sản xuất ( lead time, throughput, production rate, work-in-process, utilization,…). Các dạng sản xuất (job shop, flow shop, batch, mass,…).
Kỹ thuật Điện – Điện tử đại cương
Trang bị các kiến thức căn bản về điện và điện tử. Phần kỹ thuật điện cung cấp các khái niệm về mạch điện qua đó tìm hiểu các loại máy điện. Phần KT điện tử cung cấp các khái niệm về mạch khuếch đại, mạch số, mạch nguồn. Mạch khuếch đại gồm các nội dung tín hiệu, linh kiện qua đó tìm hiểu các mạch khuếch đại tín hiệu nhỏ, tín hiệu lớn, khuếch đại một chiều. Mạch số bao gồm đại số Boole, các mạch tổ hợp, các mạch tuần tự. Mạch nguồn gồm các nội dung chỉnh lưu, ổn áp, nguồn điều khiển.
Kỹ thuật hệ thống
Cung cấp các kiến thức, phương pháp và kỹ thuật thiết kế hệ thống. Nội dung bao gồm vai trò của tư duy hệ thống trong thiết kế, vòng đời hệ thống, các phương pháp luận thiết kế hệ thống, quy trình xác định nhu cầu, quy trình thiết kế ý niệm, quy trình thiết kế sơ khởi, quy trình thiết kế chi tiết, quy trình tích hợp hệ thống, quy trình thử nghiệm và đưa vào sử dụng. Ngoài ra môn học còn giới thiệu các công cụ phân tích và thiết kế hệ thống như timeline diagram, functional flow diagram, IDEF0, N2 diagram, functional tree. Các yêu cầu quản lý dự án thiết kế hệ thống và tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống cũng được trình bày.
Thiết kế sản phẩm và dịch vụ
Dự án phát triển sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, phát triển và lựa chọn ý tưởng, cấu trúc sản phẩm, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế cho chế tạo, quá trình tạo nguyên mẫu, phân tích kinh tế dự án phát triển sản phẩm, dịch vụ và qui trình thiết kế.
Quản lý bảo trì công nghiệp
Kỹ thuật độ tin cậy, bảo trì và tính sẵn sàng, phân tích các dạng và nguyên nhân gây hư hỏng, các mô hình ra quyết định thay thế, hệ thống thông tin quản lý bảo trì.
Đo lường lao động và thiết kế công việc
Phân tích các thao tác, thiết kế công việc thủ công, thiết kế vị trí làm việc, môi trường làm việc, định mức thời gian cho công việc, cách đánh giá hiệu suất công việc.
Thiết kế mặt bằng hệ thống công nghiệp
Cung cấp những công cụ và kỹ thuật cho sinh viên để giải quyết các bài toán liên quan về mặt bằng hệ thống công nghiệp như: tổng quan về hệ thống, bài toán mặt bằng nhà máy, sử dụng máy tính trong việc qui hoạch mặt bằng, bài toán vị trí phẳng của các thiết bị đơn, bài toán vị trí phẳng nhiều thiết bị, bài toán mặt bằng hệ thống nhà kho và bài toán lấy hàng tối ưu.
Kỹ thuật điều độ trong sản xuất và dịch vụ
+ Cung cấp các kiến thức cơ bản về: ý nghĩa và nguyên tắc công tác điều độ; các mô hình điều độ cơ bản như: mô hình một máy, mô hình Jobshop, mô hình Flowshop, mô hình dự án.
+ Cung cấp những giải thuật cơ bản phục vụ cho việc tìm lời giải tốt nhất của công tác điều độ như: giải thuật chia nhánh và chận (Branch and Bound), giải thuật dịch chuyển điểm nghẽn (Shifting Bottleneck), giải thuật flow shop linh hoạt, các giải thuật tìm kiếm cục bộ (Local Search).
+ Cung cấp các giải thuật điều độ nhân lực, điều độ ca và phương pháp sắp xếp nhân lực.
Quản lý vật tư và tồn kho
+ Cung cấp các kiến thức về quản lý vật tư tồn kho. Nội dung tập trung giới thiệu các hệ thống tồn kho và các mô hình tồn kho, bao gồm hệ thống nhu cầu độc lập với mô hình tất định và mô hình xác suất, hệ thống nhu cầu rời rạc, hệ thống nhu cầu phụ thuộc. Các hệ thống và mô hình được phân tích và so sánh.
+ Các thuật toán xác định mức tồn kho tối ưu đáp ứng nhu cầu vật tư.
+ Kiến thức về kế toán tồn kho, kiểm soát tồn kho.
Quản lý chất lượng
Cung cấp các khái niệm, nguyên lý, phương pháp và công cụ quản lý chất lượng. Các khái niệm cơ bản về chất lượng và quản lý chất lượng, vai trò của chất lượng trong kinh doanh và sản xuất, hoạch định và chiến lược cho chất lượng, xây dựng văn hóa chất lượng, hệ thống chất lượng, phương pháp cải tiến chất lượng, công cụ kiểm soát chất lượng bằng thống kê.
Quản lý dự án công nghiệp
Xác định, đánh giá và chọn lựa dự án, cấu trúc dự án, điều độ dự án, quản lý nguồn lực, công nghệ, ngân sách, chi phí, kiểm soát dự án, kết thúc dự án. Môn học còn trang bị kiến thức về các dự án nghiên cứu & phát triển, về các chương trình máy tính hỗ trợ quản lý dự án.
Kỹ thuật ra quyết định
Khảo sát việc ra quyết định trong môi trường từ tất định (deterministic) đến ngẫu nhiên (stochastic), từ vấn đề đơn tiêu chuẩn (single criterion) đến vấn đề đa tiêu chuẩn (multiple criterion), từ vấn đề đa mục tiêu (MODM) đến vấn đề đa thuộc tính (MADM).
Mô hình hóa và mô phỏng các hệ thống công nghiệp
+ Cung cấp các kiến thức, phương pháp mô hình hóa và mô phỏng hệ thống công nghiệp (sản xuất và dịch vụ).
+ Các khái niệm cơ sở về mô hình hóa và mô phỏng, ưu khuyết điểm của mô phỏng trong nghiên cứu hệ thống công nghiệp, phương pháp luận nghiên cứu mô phỏng, kỹ thuật phát số ngẫu nhiên, phân tích dữ liệu đầu vào, xử lý kết quả mô phỏng, thiết kế thực nghiệm mô phỏng, các phần mềm mô phỏng thông dụng.
+ Các phương pháp và kỹ thuật mô hình hóa và mô phỏng được trình bày thông qua một phần mềm mô phỏng thông dụng.
Chuỗi cung ứng và hậu cần
+ Cung cấp các kiến thức về quản lý vật tư tồn kho. Nội dung tập trung giới thiệu các hệ thống tồn kho và các mô hình tồn kho, bao gồm hệ thống nhu cầu độc lập với mô hình tất định và mô hình xác suất, hệ thống nhu cầu rời rạc, hệ thống nhu cầu phụ thuộc. Các hệ thống và mô hình được phân tích và so sánh.
+ Các thuật toán xác định mức tồn kho tối ưu đáp ứng nhu cầu vật tư.
+ Các kiến thức về kế toán tồn kho, kiểm soát tồn kho.
Thực tập tốt nghiệp
Trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế về quản lý một hệ thống sản xuất công nghiệp. Dựa trên những số liệu hiện trạng của một hệ thống sản xuất, dùng những công cụ phần mềm mô phỏng, thiết kế bố trí mặt bằng nhà máy… để đánh giá hiệu quả của hệ thống sản xuất, tìm ra những vị trí tắc nghẽn trong hệ thống, đưa ra giải pháp tối ưu, hỗ trợ cán bộ nhà máy ra quyết định trong sản xuất. Kết quả của đợt thực tập cũng là tiền đề cho việc làm Đồ án tốt nghiệp sau này.
Đồ án tốt nghiệp
+ Đồ án tốt nghiệp là một công trình cá nhân hay tập thể (2 hoặc 3 sinh viên) về vấn đề trong các lĩnh vực của ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp: thiết kế hoặc tái thiết kế một hệ thống sản xuất hay dịch vụ, thiết kế tối ưu mặt bằng hệ thống sản xuất hay dịch vụ, điều độ hệ thống, đánh giá chất lượng tổng thể, quản lý tồn kho, hoạch định nhu cầu vật tư, hoạch định nhu cầu nguồn lực, quản lý bảo trì hệ thống… do giáo viên hướng dẫn đưa ra và được duyệt bởi bộ môn.
+ Đồ án phải trình bày rõ vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, cơ sở lý thuyết để giải quyết vấn đề, các phương pháp lựa chọn, dùng những công cụ phần mềm mô phỏng hoặc lập trình để lựa chọn giải pháp tối ưu hướng phát triển và kết luận.
Sinh viên phải bảo vệ trước hội đồng.