Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hàng không bậc Đại Học

Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hàng không bậc Đại Học

  • Ngành đào tạo:           KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG (Aerospace Engineering)
  • Trình độ đào tạo:        ĐẠI HỌC
  • Thời gian đào tạo:       5 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

– Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không nhằm trang bị cho sinh viên có trình độ thiết kế, bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác máy bay và các trang thiết bị phục vụ bay thuộc các nhóm: Cơ khí, động cơ sức đẩy, thuỷ khí và khí động lực và trang thiết bị mặt đất.

– Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc ở các nhà máy sửa chữa , bảo dưỡng và khai thác máy bay, tính toán thiết kế máy bay nhỏ và các thiết bị bay, tính toán thiết kế và chuyển giao công nghệ các hệ thống tự động thuỷ khí trong ngành hàng không và tất cả các ngành kỹ thuật khác.

Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hàng không bậc Đại Học

NỘI DUNG ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác Lênin 9 Đại số
2 Kinh tế chính trị Mác – Lê nin 10 Giải tích 1
3 Chủ nghĩa Xã hội khoa học 11 Giải tích 2
4 Lịch sử Đảng cộng sản Việt nam 12 Vật lý 1
5 Tư tưởng Hồ chí Minh 13 Vật lý 2
6 Ngoại ngữ cơ bản 14 Hoá học đại cương
7 Giáo dục thể chất 15 Tin học đại cương
8 Giáo dục quốc phòng
Kiến thức cơ sở ngành
16 Phương pháp tính 25 Vẽ kỹ thuật
17 Xác suất thống kê 26 An toàn lao động và kỹ thuật môi trường
18 Kỹ thuật điện 27 Sức bền vật liệu
19 Kỹ thuật điện tử 28 Cơ học thuỷ khí
20 Kỹ thuật nhiệt 29 Chi tiết máy (trong đó có 1 bài tập lớn 1 đvht)
21 Cơ học lý thuyết 30 Kỹ thuật số và Vi xử lý
22 Cơ khí đại cương 31 Phương pháp phần tử hữu hạn
23 Ngoại ngữ chuyên ngành 32 Quản trị học đại cương
24 Hình họa
Kiến thức chuyên ngành
33 Khí động học 1 43 Kỹ thuật điện và điện tử hàng không
34 Khí động học 2 44 Cơ học vật bay 1
35 Máy thuỷ khí 45 Cơ học vật bay 2
36 Vật liệu hàng không 46 Thiết bị đo và hiển thị hàng không
37 Kết cấu hàng không 1 47 Thiết kế máy bay 1
38 Kết cấu hàng không 2 48 Tổ chức bảo đảm và khai thác kỹ thuật hàng không
39 Động cơ và lực đẩy 1 49 Các hệ thống trên máy bay
40 Động cơ và lực đẩy 2 50 Tin học hàng không
41 Truyền nhiệt hàng không 51 Thí nghiệm kỹ thuật hàng không 1
42 Cơ sở tự động hàng không 52 Thí nghiệm kỹ thuật hàng không 2
Thực tập và đồ án tốt nghiệp
53 Thực tập 54 Đồ án tốt nghiệp

Nội dung các học phần bắt buộc (Kiến thức CS ngành & Kiến thức ngành)

 

 

Phương pháp tính

Sai số. Giải gần đúng phương trình và hệ phương trình. Nội suy và phương pháp bình phương tối thiểu. Tính gần đúng đạo hàm. Tích phân. Giải gần đúng bài toán Cauchy cấp I.

Xác suất thống kê

Sự kiện ngẫu nhiên và phép tính xác suất, đại lượng ngẫu nhiên, phân phối xác suất, véc tơ ngẫu nhiên, lý thuyết ước lượng thống kê, lý thuyết quyết định thống kê.

Kỹ thuật điện

–  Mạch điện: Những khái niệm cơ bản về mạch điện. Dòng điện sin. Các phương pháp phân tích mạch điện. Mạch ba pha. Quá trình quá độ trong mạch điện.

–  Máy điện: Khái niệm chung về máy điện. Máy biến áp. Động cơ không đồng bộ. Máy điện đồng bộ. Máy điện một chiều.

– Điều khiển máy điện.

Kỹ thuật điện tử

1-Khái niệm cơ bản; 2-Linh kiện thụ động; 3-Điot bán dẫn; 4- Tranzitor; 5-Khuyếch đại; 6-Các mạch dao động; 7-Bộ chỉnh lưu; 8- Kỹ thuật số; 9- ứng dụng trong công nghiệp.

Kỹ thuật nhiệt

1-Khái niệm cơ bản; 2-Chất môi giới chất tải nhiệt; 3-Các quá trình nhiệt động hoá khí và hơi; 4-Chu trình nhiệt động; 5-Dẫn nhiệt; 6-Đối lưu; 7-Bức xạ; 8-Truyền nhiệt và thiết bị trao đổi nhiệt.

Cơ học lý thuyết

Tĩnh học: Xây dựng mô hình lực, thu gọn hệ lực phẳng, thành lập phương trình cân bằng của hệ lực phẳng tác dụng lên vật rắn và hệ vật rắn. Thu gọn hệ lực không gian. Phương trình cân bằng của hệ lực không gian. Trọng tâm vật rắn.

Động học: Các đặc trưng động học của vật rắn và các điểm thuộc vật. Công thức tính vận tốc và gia tốc với chuyển động cơ bản của vật rắn. Tổng hợp chuyển động điểm, chuyển động vật.

Động lực học: Động lực học chất điểm và cơ hệ. Các định luật Newton, các định lý tổng quát của động lực học, nguyên lý Đalămbe, phương pháp Tĩnh hình học-Động lực, phương trình chuyển động của máy.

Cơ khí đại cương

Các khái niệm cơ bản. Vật liệu dùng trong công nghiệp. Xử lý nhiệt bề mặt vật liệu và sản phẩm. Công nghệ đúc kim loại và hợp kim. Công nghệ gia công biến dạng tạo hình. Công nghệ hàn và cắt kim loại. Gia công cắt gọt trên máy công cụ. Gia công nguội, lắp ráp và bảo quản sản phẩm.

Ngoại ngữ chuyên ngành

Tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp theo các ngành kỹ thuật, công nghệ; Phương pháp viết các tài liệu kỹ thuật, công nghệ.

Hình hoạ

Biểu diễn phẳng các đỗi tượng hình học bằng các hình chiếu thẳng góc. Vấn đề liên thuộc: Xác định một phần tử trên một đối tượng; Xác định thấy khuất; Giao của các đối tượng; Biến đổi hình chiếu và các bài toán về lượng: độ lớn thật, khoảng cách, góc… các bài toán về tập hợp và mặt tiếp xúc.

Vẽ kỹ thuật

Quy ước trong bản vẽ kỹ thuật; Khai triển các hình khối cơ bản; Xây dựng các bản vẽ chi tiết; Xây dựng các bản vẽ lắp; Ứng dụng máy tính trong vẽ kỹ thuật.

An toàn lao động và kỹ thuật môi trường

Môn học trình bày các khái niệm về nguyên nhân gây tai nạn lao động; Nguyên nhân gây cháy nổ trong sản xuất và đời sống; Các khái niệm về hệ sinh thái và môi trường sống; hiện trạng ô nhiễm môi trường sống hiện nay cũng như các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ quản lý  cơ sở vật chất cũng như ý thức bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường trong nhà trường và xã hội.

Sức bền vật liệu

Các kiến thức cơ bản; Thanh chịu kéo; nén; uốn; xoắn; thanh chịu lực phức tạp; tính toán ổn định; tính chuyển vị; giải siêu tĩnh bằng phương pháp lực; tính toán tải trọng động; Tính toán ống dày; Tính độ bền khi ứng suất thay đổi.

Cơ học thuỷ khí

Tính chất của chất lỏng, chất khí; Các định luật cơ bản của cơ học chất lỏng; Giải bài toán cơ học chất lỏng bằng phương trình Navie-Stock; Các đại lượng thứ nguyên và không thứ nguyên…

Chi tiết máy

Các khái niệm cơ bản về thiết kế chi tiết máy: Tải trọng, ứng suất, chỉ tiêu về khả năng làm việc, độ bền mỏi… Các chi tiết máy, lắp ghép; Các bộ truyền: Bộ truyền đai, xích, bánh răng, trục vít-bánh vít.

Kỹ thuật số và vi xử lý

Các hệ thống số và mã hoá dữ liệu trong kỹ thuật vi xử lý; Thiết kế bộ nhớ cho vi xử lý và vi điều khiển; Cấu trúc và hoạt động của bộ vi điều khiển; Lập trình cho vi điều khiển bằng ngôn ngữ Assembler; Điều khiển vào ra và xử lý số liệu tương tự; Các ứng dụng phát triển.

Phương pháp phần tử hữu hạn

Giới thiệu chung về phương pháp PTHH và một số phần mềm hiện có; PTHH trong bài toán kết cấu 1D; PTHH trong bài toán kết cấu 2D, PT tam giác, tứ giác; PTHH trong tính toán kết cấu dầm và khung; PTHH trong bài toán uốn tấm; PTHH trong tính toán vật liệu, kết cấu composite; PTHH trong bài toán đẫn nhiệt; PTHH trong tính toán động lực học kết cấu.

Quản trị học đại cương

Những kiến thức cơ bản về quản trị học như khái niệm, nguyên tắc các chức năng của quản trị học. Chức năng lập kế hoạch. Chức năng tổ chức. Chức năng lãnh đạo (điều phối). Chức năng kiểm tra.

Khí động học 1

Giới thiệu các lý thuyết cơ bản của khí động lực học máy bay chuyển động với vận tốc dưới vận  tốc âm thanh, đặc biệt giới thiệu lý thuyết áp dụng khi nghiên cứu dòng bao quanh cánh máy bay 2D và 3D. Ngoài ra môn học còn giới thiệu các vấn đề dòng nén được, lớp biên & lực cản trong nghiên cứu khí động lực học máy bay.

Khí động học 2

Giới thiệu các lý thuyết cơ bản của khí động lực học máy bay chuyển động với vận tốc gần và trên vận tốc âm thanh, đặc biệt về sóng sốc, dòng nén được trong ống phun. Ngoài ra môn học còn giới thiệu phương pháp tính toán cho các trường hợp dòng nén được qua airfoil, và các phương pháp gần đúng tính dòng trên âm, dòng siêu thanh cùng một số biện pháp để điều khiển lớp biên và giảm lực cả lên máy bay trên âm.

Máy thuỷ khí

Trang bị cho sinh viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không kiến thức chuyên sâu về Máy thuỷ lực thể tích và Máy cánh dẫn. Có thể tính toán thiết kế, lựa chọn hoặc vận hành các loại máy này đúng theo yêu cầu kỹ thuật.

Vật liệu hàng không

Nắm được bản chất cơ-lý-hoá của các loại vật liệu: Vật liệu chất dẻo; vật liệu cao su và vật liệu Polyme-composite và phạm vi ứng dụng của chúng trong các kết cấu hàng không. Các hệ thức cơ bản nhất trong tính toán độ bền và độ cứng của các loại vật liệu trên.

Kết cấu hàng không 1

Lý thuyết cơ bản biến dạng dẻo; Bài toán 2D; Biến dạng xoắn; Biến dạng tấm mỏng; ổn định kết cấu và phương pháp phân tích; Phân tích kết cấu bằng phương pháp năng lượng;

Kết cấu hàng không 2

Phân tích kết cấu của máy bay; Các dạng chịu lực điển hình; Ma trận kết cấu; Đánh giá khả năng bay được và sự biến dạng dẻo của kết cấu máy bay;

Động cơ và lực đẩy 1

Học phần này bao gồm những vấn đề lý thuyết cơ bản của chong chóng và động cơ pit-tông sử dụng trên máy bay. Những yêu cầu chính của động cơ và lực đẩy máy bay. Phân loại động cơ và lực đẩy máy bay. Tiêu hao nhiên liệu và trọng lượng riêng của các loại động cơ. Đặc tính hoạt động của động cơ và lực đẩy chong chóng. Các lý thuyết chong chóng: lý thuyết động lượng, lý thuyết xoáy, lý thuyết phần tử cánh, lý thuyết kết hợp. Tính toán bề rộng và góc nghiêng cánh chong chóng. Chong chóng máy bay trực thăng. Phân loại động cơ đốt trong. Nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong 4 thì và 2 thì. Chu trình thực của động cơ đốt trong. Tính toán nhiệt cho động cơ xăng và động cơ diesel. Kết hợp động cơ đốt trong với chong chóng máy bay.

Động cơ và lực đẩy 2

Học phần này bao gồm những vấn đề lý thuyết cơ bản của động cơ turbine phản lực sử dụng trên máy bay. Những yêu cầu chính của động cơ phản lực. Phân loại động cơ phản lực. Cấu tạo động cơ turbine phản lực. Lực đẩy, tiêu hao nhiên liệu và trọng lượng riêng của động cơ. Chu trình nhiệt của động cơ turbine phản lực. Hiệu suất từng thành phần của động cơ turbine phản lực. Máy nén và turbine khí của động cơ turbine phản lực. Cân bằng công suất giữa máy nén và turbine. Tính năng hoạt động của các thành phần của động cơ turbine phản lực. Giới hạn nhiệt độ tối đa vào turbine. Anh hưởng miệng hút và vòi phản lực. Động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu. Động cơ có buồng đốt tăng lực đẩy.

Truyền nhiệt hàng không

Lý thuyết truyền nhiệt; Các định luật cơ bản về truyền nhiệt; Các phương pháp truyền nhiệt trong hàng không; Giải quyết các bài toán về truyền nhiệt;  áp dụng lý thuyết truyền nhiệt trong động cơ turbin khí; Làm mát trong hàng không.

Cơ sở tự động hàng không

Khái niệm về các phần tử và hệ thống điều khiển tự động. Mô hình hoá hệ thống liên tục và rời rạc; Hàm truyền ổn định;Đánh giá chất lượng động lực học hệ thống; Hệ thống kín, hở; Hệ thống theo dõi; ứng dụng trong các hệ thống trong kỹ thuật hàng không.

Kỹ thuật điện và điện tử hàng không

Điện cơ bản; Điện tử & điện tử số cơ bản; ắc quy hàng không; Động cơ điện hàng không; Máy phát điện trên tàu bay; các bộ biến đổi điện trên tàu bay; Hệ thống phân phối điện trên tàu bay; Lý thuyết vô tuyến và ăng ten; Hệ thống liên lạc hàng không; Các hệ thống dẫn đường; Rađa thời tiết trên tàu bay; Hệ thống lái tự động.

Cơ học vật bay 1

Giới thiệu về sơ đồ khí quyển- máy bay, các phương trình cơ bản của cơ chất lỏng, lực nâng, lực cản, các chế độ bay, tính năng bay, đường đặc tính máy bay, trần bay, bán kính bay… đường đặc tính động cơ, đường đặc tính tổng hợp, hệ số tải trọng, công suất, đồ thị toạ độ cực, ảnh hưởng của dòng rối tới tính năng bay, ổn định tĩnh của vật bay…

Cơ học vật bay 2

Giới thiệu về điều khiển và ổn định máy bay, hệ phương trình cơ bản của máy bay, Phương pháp tuyến tính hoá, lí thuyết kích động nhỏ, chuyển động dọc và ngang của máy bay, ổn định và điều khiển của máy bay trước các tác động của môi trường, lí thuyết điều khiển tự động, áp dụng tính toán điều khiển và ổn định cho một loại máy bay cụ thể.

Thiết bị đo và hiển thị hàng không

Khái quát chung về đồng hồ đo và hiển thị trên tàu bay; Đồng hồ kiểm tra và hiển thị các chế độ làm việc của tàu bay; Đồng hồ đo lượng nhiên liệu và lượng nhiên liệu tiêu hao; Đồng hồ khí động và hệ thống thông tin khí động; Hệ thống đồng hồ con quay và hệ thống dẫn đường quán tính/ tham chiếu; Hệ thống đồng thế bay và hướng bay; Hệ thống hiển thị bay điện tử; Giới thiệu một số hệ thống hiển thị trên một số loại máy bay hiện đại.

Thiết kế máy bay 1

Cung cấp các kiến thức cơ bản về thiết kế máy bay dân dụng và máy bay loại nhỏ; Phương pháp tính toán các thông số động lực học;Xác định trọng lượng máy bay; Chọn động cơ máy bay; Bố trí các thiết bị trên máy bay;

Tổ chức bảo đảm và khai thác kỹ thuật hàng không

Cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức bảo đảm, bảo dưỡng, các công tác kỹ thuật bảo đảm độ in cậy, an toàn bay và khai thác máy bay ở trên không & mặt đất.

Các hệ thống trên máy bay

Các hệ thống trên máy bay; Hệ thống thuỷ lực trên máy bay; Hệ thống lái; Hệ thống càng; Phanh; Chống trượt; Chống cháy; Chống mưa; Chống đóng băng; Hệ thống nhiên liệu; Các hệ thống môi trường.

Tin học hàng không

Tổng quan về việc phát triển hệ thống thời gian thực; mô hình hoá hệ thống thời gian thực; Cấu trúc và ứng xử của gói; Lớp bị động; Sự phân cấp ứng xử và hệ thống; Tích hợp mã từ bên ngoài hệ thống; Các mẫu thiết kế thời gian thực; Mô hình hoá tính đồng quy ; Các dịch vụ hệ thống thời gian thực.

Thí nghiệm hàng không 1

Học phần này bao gồm một loạt những bài thí nghiệm liên quan đến các học phần chuyên ngành kỹ thuật hàng không trong năm thứ 3, bao gồm Khí động lực học 1, Kết cấu hàng không 1, Cơ học bay 1 và Động cơ lực đẩy máy bay 1. Trong trường hợp mà một số thí nghiệm chưa có thiết bị để thực hiện thì băng hình vidéo về các thí nghiệm này được chiếu cho sinh viên xem như một biện pháp thay thế tạm thời.

Sinh viên phải nghiên cứu cơ sở lý thuyết trước khi làm thí nghiệm và phải nộp báo cáo sơ bộ ngay sau mỗi buổi thí nghiệm. Sinh viên phải hoàn tất thật đầy đủ từ 4 đến 5 thí nghiệm được chọn trong số 12 đến 15 thí nghiệm mỗi học kỳ.

Thí nghiệm hàng không 2

Học phần này bao gồm một loạt những bài thí nghiệm liên quan đến các học phần chuyên ngành kỹ thuật hàng không trong năm thứ 4, bao gồm Khí động lực học 2, Kết cấu hàng không 2, Cơ học bay 2 và Động cơ lực đẩy máy bay 2. Trong trường hợp mà một số thí nghiệm chưa có thiết bị để thực hiện thì băng hình vidéo về các thí nghiệm này được chiếu cho sinh viên xem như một biện pháp thay thế tạm thời.

Sinh viên phải nghiên cứu cơ sở lý thuyết trước khi làm thí nghiệm và phải nộp báo cáo sơ bộ ngay sau mỗi buổi thí nghiệm. Sinh viên phải hoàn tất thật đầy đủ từ 4 đến 5 thí nghiệm được chọn trong số 12 đến 15 thí nghiệm mỗi học kỳ.