Tìm hiểu ngành Vật lý học là gì ?
Tìm hiểu ngành Vật lý học là gì ? – Vật lý học – một cách tổng quát nhất đó là khoa học nghiên cứu về “vật chất” và “sự tương tác”. Cụ thể thì Vật lý là khoa học nghiên cứu về các quy luật vận động của tự nhiên, từ thang vi mô (các hạt cấu tạo nên vật chất) cho đến thang vĩ mô (các hành tinh, thiên hà và vũ trụ). Đối tượng nghiên cứu chính của vật lý hiện nay bao gồm vật chất, năng lượng, không gian và thời gian.
Tìm hiểu ngành Vật lý học là gì ?
Tìm hiểu ngành Vật lý học là gì ?
Vật lý còn được xem là ngành khoa học cơ bản bởi vì các định luật vật lý chi phối tất cả các ngành khoa học tự nhiên khác. Điều này có nghĩa là những ngành khoa học tự nhiên như sinh học, hóa học, địa lý học… chỉ nghiên cứu từng phần cụ thể của tự nhiên và đều phải tuân thủ các định luật vật lý. Ví dụ, tính chất hoá học của các chất đều bị chi phối bởi các định luật vật lý về cơ học lượng tử, nhiệt động lực học và điện từ học.
Vật lý có quan hệ mật thiết với toán học. Các lý thuyết vật lý là bất biến khi biểu diễn dưới dạng các quan hệ toán học, và sự xuất hiện của toán học trong các thuyết vật lý cũng thường phức tạp hơn trong các ngành khoa học khác. Sự khác biệt giữa vật lý và toán học là ở chỗ, vật lý luôn gắn liền với thế giới tự nhiên, trong khi toán học lại biểu diễn các mô hình trừu tượng độc lập với thế giới tự nhiên. Tuy vậy, sự khác biệt không phải lúc nào cũng rõ ràng.
MỘT SỐ CHUYÊN NGÀNH THUỘC LĨNH VỰC VẬT LÝ HỌC
(Đang được đào tạo tại các trường đại học)
Chuyên ngành Vật lý
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản về vật lý, toán, điện tử-tin học,… và các kiến thức chuyên ngành; kỹ năng thực hành và ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, các tập đoàn kinh tế manh, các công ty có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài có liên quan đến điện tử, tin học, viễn thông, v.v. hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Chuyên ngành Khoa học Vật liệu
Mục tiêu đào tạo: Đáp ứng sự phát triển của khoa học vật liệu mới, trong đó có khoa học và công nghệ nano được nhà nước xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước. Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn). Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser… những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học. Đặc biệt là sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… Ngoài ra, sinh viên có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước
Chuyên ngành Công nghệ hạt nhân
Mục tiêu đào tạo: Công nghệ hạt nhân là ngành đào tạo rất cần thiết phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển ngành điện hạt nhân hiện nay. Nhu cầu của đất nước về nhân lực liên quan đến công nghệ hạt nhân là rất lớn. Sinh viên trang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.
Triển vọng nghề nghiệp: Đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân như ngành năng lượng hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện hạt nhân trong tương lai của đất nước, các ngành khoa học và kĩ thuật hạt nhân cơ bản và ứng dụng; các ngành kinh tế thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; y học xạ trị, khảo cổ học, địa chất thuỷ văn. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Chuyên ngành Vật lý chất rắn
Vật lý chất rắn là một ngành trong vật lý học chuyên nghiên cứu các tính chất vật lý của chất rắn. Từ các mô hình đơn giản rút ra từ các tính chất cơ bản của các vật liệu chính như kim loại, chất bán dẫn điện, chất cách điện, chất có từ tính, chất siêu dẫn,… dưới dạng tinh thể.
Vật lý chất rắn được ứng dụng trong việc nghiên cứu và sử dụng các vật liệu rắn, đặc biệt là vật liệu mới. Ngành vật lý chất rắn đã được phát triển rất nhanh trong nhiều năm qua. Sự phát triển của vật lý chất rắn gắn liền với sự phát triển và sử dụng các vật liệu mới và những tính năng đặc biệt của nó.
Sinh viên theo học ngành vật lý chất rắn được cung cấp các kiến thức cơ sở và ứng dụng trong các dụng cụ bán dẫn (transitor, SCR, vi mạch)… Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các công ty máy tính, các công ty cung cấp các thiết bị đo lường, các phòng kỹ thuật của các công ty, nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử như tivi, cassette…
Chuyên ngành Vật lý điện tử:
Cung cấp các kiến thức cơ bản và cơ sở về điện học, dẫn sóng và phát sóng, điện tử căn bản, kiến trúc máy tính (phần cứng), các công nghệ điện tử và linh kiện, các hệ thống điều khiển, các thông tin về mạng máy tính và các ứng dụng kỹ thuật của máy tính…
Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty có nhu cầu sản xuất và bảo quản các thiết bị điện tử và máy tính; các cơ quan nghiên cứu và các trường dạy học chuyên
Chuyên ngành Vật lý ứng dụng:
Cung cấp các kiến thức cơ sở về lý thuyết cũng như thực nghiệm về quang học, quang phổ học nguyên tử và phân tử, laser, plasma, kỹ thuật chân không, vật liệu mới (xi mạ, tạo màng kim loại trên các đế vật liệu khác nhau…).
Sinh viên có khả năng hoạt động trong các lĩnh vực phân tích quang phổ và các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ liên quan đến các ngành học trên. Sinh viên cũng có thể làm việc tại các cơ sở xi mạ chân không, các cơ quan xí nghiệp chế tạo vật liệu, các trung tâm phân tích, hoặc có thể giảng dạy ở các trường THPT, CĐ, ĐH.
Chuyên ngành Sư phạm Vật lý
Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, tin học; kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vật lý; về khoa học giáo dục và sư phạm; kỹ năng sử dụng các phương pháp cơ bản, hiện đại giảng dạy Vật lý và công nghệ dạy học.
Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, sản xuất-kinh doanh, hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.