Chương trình đào tạo Ngành Giáo dục Tiểu học bậc Đại học
- Ngành đào tạo: GIÁO DỤC TIỂU HỌC (Primary Education)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân Giáo dục tiểu học nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới của giáo dục tiểu học trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Sinh viên tốt nghiệp phải có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ sức khoẻ, có năng lực dạy học, giáo dục học sinh theo các yêu cầu đổi mới của giáo dục tiểu học, có khả năng dạy tốt chương trình tiểu học, nghiên cứu khoa học giáo dục, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của giáo dục tiểu học trong những thập kỷ tới.
Sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo này có thể tiếp tục học lên các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về Giáo dục tiểu học, Quản lí giáo dục và có khả năng trở thành giáo viên cốt cán của cấp tiểu học.
Mục tiêu cụ thể
Sinh viên tốt nghiệp phải đạt được các yêu cầu cụ thể là:
Về phẩm chất đạo đức:
– Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, là công dân tốt, chấp hành các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của ngành.
– Yêu nghề dạy học, thương yêu, tôn trọng, chăm sóc, đối xử công bằng với mọi học sinh, được học sinh tin yêu.
– Có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, biết đoàn kết, hợp tác, khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp, có quan hệ tốt với gia đình học sinh và cộng đồng, biết vận động các lực lượng trong và ngoài nhà trường thực hiện xã hội hoá giáo dục.
– Có ý thức chủ động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện sức khoẻ.
Về kiến thức
– Có kiến thức giáo dục đại cương đủ rộng, nắm vững các kiến thức chuyên môn, bảo đảm dạy tốt các môn học và các hoạt động giáo dục trong chương trình tất cả các lớp cấp tiểu học, được nâng cao về 3 môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên – Xã hội, hoặc 1 môn chuyên sâu (Toán/Tiếng Việt/Sư phạm Âm nhạc/Sư phạm Mĩ thuật/Giáo dục Thể chất/Giáo dục chuyên biệt/Công tác Đội/Tiếng dân tộc), tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp có thể học tiếp lên các trình độ cao hơn.
– Có kiến thức cơ bản về Tâm lý học, Giáo dục học, Phương pháp dạy học, về đánh giá kết quả học tập ở tiểu học, bước đầu biết vận dụng các kiến thức này vào thực tiễn dạy học, giáo dục học sinh ở trường tiểu học.
– Có kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu biết những chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, giáo dục, văn hoá của đất nước.
– Có hiểu biết về Quản lý hành chính nhà nước và Quản lý ngành. Có kiến thức phổ thông về môi trường, dân số, an ninh – quốc phòng, an toàn giao thông, về quyền trẻ em, y tế học đường để có thể thực hiện giáo dục tích hợp.
– Có hiểu biết về tình hình kinh tế – văn hoá – xã hội, đời sống, phong tục tập quán của địa phương để có thể hoà nhập và góp phần phát triển cộng đồng.
– Được trang bị những thông tin cập nhật về đổi mới giáo dục tiểu học trong nước và khu vực, có khả năng vận dụng đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học.
Về kỹ năng
– Biết lập kế hoạch giáo dục cho từng học kỳ và năm học, biết lập kế hoạch bài học theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá ở tiểu học.
– Biết tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể của học sinh và địa phương nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Biết dạy cho học sinh phương pháp học tập, đặc biệt biết tự học, phát triển ở học sinh năng lực tự đánh giá. Biết sử dụng các phương tiện công nghệ dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin, vào quá trình dạy học ở tiểu học.
– Khi có nhu cầu, có thể dạy lớp ghép, dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, dạy học sinh khuyết tật, tàn tật theo hướng hoà nhập.
– Biết làm công tác chủ nhiệm lớp, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động Sao nhi đồng, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Có kỹ năng quản lý lớp học, xây dựng lớp thành tập thể đoàn kết, tự quản. Có khả năng giáo dục học sinh cá biệt. Biết lập sổ sách, xây dựng và lưu trữ hồ sơ về quá trình học tập rèn luyện đạo đức của học sinh.
– Biết giao tiếp và ứng xử thích hợp với học sinh, gia đình học sinh, với đồng nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng.
Chương trình đào tạo Ngành Giáo dục Tiểu học bậc Đại học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Triết học Mác-Lênin | 8 | Giáo dục thể chất |
2 | Kinh tế chính trị Mác-Lênin | 9 | Giáo dục quốc phòng |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 10 | Toán học 1 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 11 | Nhập môn lý thuyết xác suất và thống kê toán |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 12 | Cơ sở văn hoá Việt Nam |
6 | Ngoại ngữ | 13 | Giáo dục môi trường |
7 | Quản lý hành chính Nhà nước và quản lý ngành | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
a) Kiến thức cơ sở của khối ngành và của ngành | |||
1 | Tâm lý học đại cương | 5 | Lý luận giáo dục tiểu học và Lý luận dạy học tiểu học |
2 | Sinh lý học trẻ em | 6 | Đánh giá kết quả giáo dục ở tiểu học |
3 | Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm | 7 | Phương pháp nghiên cứu Khoa học giáo dục |
4 | Những vấn đề chung của Giáo dục học | 8 | Phương tiện kỹ thuật dạy học và Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học |
b) Kiến thức ngành | |||
1 | Tiếng Việt 1 | 9 | Phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã hội ở tiểu học |
2 | Tiếng Việt 2 | 10 | Đạo đức và phương pháp giáo dục đạo đức ở tiểu học |
3 | Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học 1 | 11 | Phương pháp dạy học Thủ công và Kỹ thuật ở tiểu học |
4 | Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học 2 | 12 | Âm nhạc 1 |
5 | Văn học 1 | 13 | Phương pháp dạy học Âm nhạc ở tiểu học |
6 | Toán học 2 | 14 | Mỹ thuật 1 |
7 | Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 1 | 15 | Phương pháp dạy học Mỹ thuật ở tiểu học |
8 | Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 2 | 16 | Phương pháp dạy học Thể dục ở tiểu học |
c) Thực hành, thực tập sư phạm | |||
1 | Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên | 3 | Thực tập sư phạm |
2 | Thực hành tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Thực hành Công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và Sao nhi đồng |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Tâm lý học đại cương
Giới thiệu khái quát về khoa học tâm lý; các khái niệm cơ bản về tâm lý học như: tâm lý, ý thức, hoạt động, giao tiếp, nhân cách; các hoạt động tâm lý cơ bản.
Sinh lý học trẻ em
Các giai đoạn tăng trưởng và phát triển của cơ thể trẻ em. Cấu tạo, đặc điểm sinh lý lứa tuổi và vệ sinh bảo vệ các hệ cơ quan: hệ Thần kinh và hoạt động thần kinh cấp cao; hoạt động của các Cơ quan phân tích; hệ Nội tiết và hệ Sinh dục; hệ Hô hấp; hệ Tuần hoàn; hệ Tiêu hoá và trao đổi chất của trẻ em lứa tuổi tiểu học.
Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm
Bao gồm những kiến thức chung về sự phát triển tâm lý của trẻ em, những đặc điểm tâm lý cơ bản, các hoạt động cơ bản của học sinh tiểu học; một số nội dung cơ bản về tâm lý học dạy học và tâm lý học giáo dục tiểu học; nhân cách người giáo viên tiểu học: đặc trưng lao động sư phạm, phẩm chất và năng lực của người giáo viên tiểu học.
Những vấn đề chung của Giáo dục học
Giới thiệu cho sinh viên về đối tượng và nhiệm vụ của Giáo dục học; Hệ thống khái niệm và phạm trù của Giáo dục học; Giáo dục và sự phát triển; Mục đích và nhiệm vụ của giáo dục: những nhiệm vụ giáo dục ở nhà trường, quản lý giáo dục…
Lý luận giáo dục tiểu học và Lý luận dạy học tiểu học
Bao gồm các kiến thức cơ bản về lý luận giáo dục: bản chất của quá trình giáo dục, nội dung, nguyên tắc và phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục ở trường tiểu học.
Các kiến thức cơ bản về quá trình dạy học ở trường tiểu học: bản chất, nhiệm vụ, động lực, nguyên tắc, nội dung, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, phương tiện dạy học và các đặc điểm của hoạt động dạy học ở trường tiểu học.
Đánh giá kết quả giáo dục ở tiểu học
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về đánh giá kết quả học tập ở tiểu học bao gồm các kiến thức và kỹ năng cơ bản về đánh giá kết quả học tập ở tiểu học: khái niệm và chức năng của đánh giá kết quả học tập ở tiểu học; nguyên tắc đánh giá, phân loại kiểm tra và đánh giá kết quả học tập ở tiểu học; nội dung và kỹ thuật đánh giá kết quả học tập ở tiểu học.
Phương pháp nghiên cứu Khoa học giáo dục
Giới thiệu kiến thức về khoa học giáo dục và nghiên cứu khoa học giáo dục; quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục; lôgic tiến hành một đề tài khoa học giáo dục; đánh giá một công trình khoa học giáo dục.
Phương tiện kỹ thuật dạy học và Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học
Bao gồm một số kiến thức cơ bản về sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong dạy học ở tiểu học; giới thiệu một số ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học (chủ yếu đề cập đến việc thiết kế và trình bày bài giảng bằng Power Point, sử dụng phần mềm giáo dục để dạy học tiểu học và khai thác internet, dạy học logo).
Tiếng Việt 1
Học phần bao gồm các nội dung sau: đại cương về tiếng Việt (nguồn gốc, đặc điểm Tiếng Việt); ngữ âm tiếng Việt (âm tiết, hệ thống âm vị và chữ viết tiếng Việt); từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt (đặc điểm của từ tiếng Việt, các lớp từ tiếng Việt xét trên bình diện: cấu tạo, ngữ nghĩa, nguồn gốc).
Tiếng Việt 2
Giới thiệu các kiến thức cơ bản, hiện đại, thiết thực về bản chất, chức năng về hệ thống tiếng Việt hiện đại. Bao gồm các nội dung về Ngữ pháp tiếng Việt: khái niệm về ngữ pháp và ngữ pháp học, ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp, từ loại; ngữ pháp văn bản; phong cách học tiếng Việt.
Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học 1
Bao gồm các kiến thức đại cương về phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học; những kiến thức, kỹ năng tổ chức quá trình dạy học các phân môn Học vần, Tập viết; Luyện từ và câu ở tiểu học.
Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học 2
Trang bị cho sinh viên các kiến thức và cách rèn luyện kỹ năng tổ chức quá trình dạy học các phân môn Chính tả, Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn.
Văn học 1
Hệ thống hoá một số kiến thức, kỹ năng về Văn học viết Việt Nam đã học ở trung học phổ thông. Giới thiệu một số kiến thức về Lý luận văn học, Văn học dân gian Việt Nam, Văn học thiếu nhi Việt Nam, Văn học nước ngoài.
Toán học 2
Điều kiện tiên quyết: Toán học 1.
Bao gồm một số kiến thức về cấu trúc đại số, xây dựng tập hợp số tự nhiên, xây dựng tập hợp số hữu tỉ theo sơ đồ NQ+Q, xây dựng tập hợp số thực dựa trên khái niệm số thập phân và vận dụng kiến thức các tập hợp số vào dạy học các tập hợp số ở tiểu học.
Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 1
Giới thiệu những vấn đề chung về phương pháp dạy học Toán ở tiểu học, bao gồm: Những đặc điểm tâm lý của trẻ em tiểu học khi học toán; các phương pháp và hình thức dạy học toán ở tiểu học; phương pháp kiểm tra đánh giá; sử dụng thiết bị dạy học toán ở tiểu học.
Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 2
Giới thiệu các phương pháp dạy học Toán cụ thể ở tiểu học như: dạy học số và các phép tính, đại lượng và đo đại lượng, dạy học các yếu tố hình học, các yếu tố thống kê, dạy học giải toán có lời văn…
Phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã hội ở tiểu học
Phần 1: Những vấn đề chung về Phương pháp dạy Tự nhiên – Xã hội ở tiểu học: giới thiệu mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí; một số phương pháp, hình thức tổ chức, phương tiện dạy học Tự nhiên – Xã hội; kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lý.
Phần 2: Hướng dẫn dạy học các môn học ở tiểu học: Hướng dẫn dạy môn Tự nhiên và Xã hội; Hướng dẫn dạy môn Khoa học; Hướng dẫn dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Đạo đức và phương pháp giáo dục Đạo đức ở tiểu học
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về giáo dục đạo đức và dạy học đạo đức trong chương trình môn Đạo đức ở tiểu học, phương pháp giáo dục đạo đức và phương pháp dạy học môn Đạo đức ở tiểu học, trách nhiệm rèn luyện đạo đức của người giáo viên tiểu học để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học.
Phương pháp dạy học Thủ công và Kỹ thuật ở tiểu học
Giới thiệu kiến thức chung về phương pháp dạy học Thủ công – Kỹ thuật ở trường tiểu học; mục tiêu, nội dung chương trình Thủ công – Kỹ thuật ở tiểu học; các phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập Thủ công – Kỹ thuật ở tiểu học; thực hành một số bài tập về: xây dựng kế hoạch bài học, tổ chức dạy học theo chương trình, sách giáo khoa tiểu học.
Âm nhạc 1
Giới thiệu một số khái niệm về ca hát (sơ lược bộ máy phát âm, hơi thở – hơi thở ca hát, bài tập luyện thanh, tư thế ca hát thông thường); động tác giữ nhịp, dàn dựng bài hát; học các bài hát trong chương trình tiểu học mới.
Giới thiệu sơ lược về phím đàn điện tử (sơ lược về cấu trúc, nhận biết các nốt trên phím đàn, chức năng và cách sử dụng, bảo quản đàn và tư thế tập); luyện các gam; bước đầu tập sử dụng một nhạc cụ để phục vụ cho dạy học tiểu học.
Phương pháp dạy học Âm nhạc ở tiểu học
Giới thiệu chung về vai trò của âm nhạc, đặc điểm và khả năng tiếp thụ âm nhạc của học sinh tiểu học; chương trình, sách giáo khoa âm nhạc ở tiểu học; phương pháp dạy học hát, nghe nhạc, tập đọc nhạc, cách xây dựng kế hoạch bài học âm nhạc và vận dụng vào việc dạy học âm nhạc theo chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới.
Mỹ thuật 1
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về vẽ tranh, tập nặn và tạo dáng (khái niệm, vai trò, một số phương pháp thể hiện, một số thể loại tranh, tượng); khái niệm về bố cục tranh và điêu khắc trong mĩ thuật; Một số hình thức bố cục tranh và thể loại của điêu khắc; hướng dẫn phương pháp thực hành thông qua các bài ứng dụng giúp sinh viên thực hiện bài tập có tính sáng tạo.
Phương pháp dạy học Mỹ thuật ở tiểu học
Giới thiệu chương trình, sách giáo khoa mỹ thuật ở tiểu học; tiếp cận, làm quen với phương pháp giới thiệu, phân tích tác phẩm mĩ thuật cổ và dân gian Việt Nam; một số hoạ sỹ hiện đại tiêu biểu của nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng các tác phẩm của họ; giới thiệu tranh thiếu nhi; một số vấn đề chung về phương pháp dạy học mỹ thuật ở trường tiểu học; các phương pháp dạy – học các phân môn Mỹ thuật ở tiểu học; xây dựng kế hoạch bài học theo các phân môn Mỹ thuật ở tiểu học.
Phương pháp dạy học Thể dục ở tiểu học
Giới thiệu một số kiến thức chung về phương pháp dạy học thể dục ở tiểu học gồm: những vấn đề chung, nguyên tắc, các phương pháp, phương tiện dạy học và các hình thức tổ chức dạy học thể dục; các phương pháp dạy học cụ thể các phân môn thể dục: Thể dục, Nhảy dây, Điền kinh, Đá cầu, Bơi lội, Trò chơi vận động.
Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên
Bao gồm một số biện pháp chung về rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên: phương pháp, biện pháp tổ chức rèn luyện các kỹ năng sư phạm, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (viết chữ, viết bảng…), giao tiếp… và rèn luyện kỹ năng dạy các môn học, nghiên cứu khoa học giáo dục; tổng kết đánh giá hoạt động thực hành sư phạm thường xuyên.
Thực hành tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp – Thực hành Công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và Sao nhi đồng
Ý nghĩa, vai trò của việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở tiểu học; rèn luyện các kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh tiểu học.
Thực hành tổ chức các hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (cắm trại, trò chơi, các bài múa, hát của thiếu nhi, kể chuyện); thực hành tổ chức các sinh hoạt Sao nhi đồng.
Thực tập sư phạm
Thực tập sư phạm bao gồm:
– Các hoạt động tìm hiểu thực tế địa phương; tìm hiểu thực tế giáo dục.
– Kiến tập dạy các môn học và kiến tập các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học.
– Thực tập dạy học và các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp GVTH; sinh viên thực hiện các nhiệm vụ như giáo viên tiểu học ở cơ sở thực tập.
– Đánh giá hoạt động thực tập sư phạm.
Tổ chức thực tập: thực tập sư phạm có thể thực hiện theo hai phương án:
Phương án 1: thực tập liên tục một học kì 15 đvht, thực hiện toàn bộ các nội dung của thực tập sư phạm.
Phương án 2: bố trí thực tập theo hai đợt:
– Đợt 1: kiến tập ở trường tiểu học 4 đvht, bao gồm: các hoạt động tìm hiểu thực tế địa phương; tìm hiểu thực tế giáo dục, kiến tập dạy các môn học và kiến tập các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học; tổng kết, đánh giá kiến tập sư phạm.
– Đợt 2: Thực tập ở trường tiểu học 11 đvht, sinh viên thực hiện các nhiệm vụ như giáo viên tiểu học ở trường thực tập: thực tập dạy học và các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; tổng kết, đánh giá thực tập sư phạm.