Chương trình đào tạo Ngành Đông ph­ương học bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Đông ph­ương học bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           ĐÔNG PHƯƠNG HỌC (Oriental Studies)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

* Đào tạo cử nhân Đông Phương học đạt được những yêu cầu cụ thể dưới đây:

– Có kiến thức cơ bản tương đối rộng về khoa học xã hội và nhân văn, về Đông Phương học, vừa đảm bảo tính hệ thống, tính lịch đại, vừa nắm bắt được tình hình hiện tại của một nước hay một khu vực và mối quan hệ với Việt Nam.

– Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ chuyên ngành với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.

– Có kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong giao tiếp và công việc.

* Chương trình có thể hướng dẫn sâu vào các chuyên ngành như Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc), Ấn Độ học, Đông Nam Á học, Trung Cận Đông học, v.v…

* Những người tốt nghiệp ngành Đông phương học có thể công tác trong lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với các nước phương Đông; hoặc làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm khoa học; hoặc làm việc trong các cơ quan ngoại giao, quan hệ quốc tế, các văn phòng đại diện; hoặc các hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và nước ngoài.

Chương trình đào tạo Ngành Đông ph­ương học bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Triết học Mác – Lênin 7 Giáo dục thể chất
2 Kinh tế chính trị Mác – Lênin 8 Giáo dục Quốc phòng
3 Chủ nghĩa xã hội khoa học 9 Phương pháp nghiên cứu khoa học
4 Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 10 Tin học
5 Tư tưởng Hồ Chí Minh 11 Thống kê xã hội
6 Ngoại ngữ (*) 12 Môi trường và phát triển
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
a. Kiến thức cơ sở của khối ngành và ngành
1 Nhập môn khu vực học 6 Kinh tế học đại cương
2 Xã hội học đại cương 7 Cơ sở văn hóa Việt Nam
3 Cơ sở ngôn ngữ học 8 Lịch sử Việt Nam
4 Lịch sử văn minh phương Tây 9 Thể chế chính trị thế giới
5 Dân tộc học đại cương 10 Địa lý thế giới
b. Kiến thức ngành
1 Lịch sử phương Đông 4 Văn hoá, văn minh phương Đông
2 Lịch sử tư tưởng phương Đông 5 Tiếng Việt và các ngôn ngữ phương Đông
3 lịch sử quan hệ phương Đông

(*) Có thể chọn ngoại ngữ phù hợp với hướng chuyên sâu về chuyên môn

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Nhập môn khu vực học

Cung cấp những kiến thức nhập môn về lý thuyết khu vực học hiện đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: lịch sử hình thành và phát triển của khu vực học với tư cách một khoa học liên ngành; những khái niệm cơ bản; vai trò của khu vực học trong xu thế phát triển của khoa học hiện nay; đối tượng của khu vực học trong xu thế phát triển của khoa học hiện nay; đối tượng của khu vực học; giới hạn phạm vi nghiên cứu.

Học phần cũng trang bị những phương pháp tiếp cận và những thao tác của nghiên cứu khu vực để ứng dụng vào thực tiễn phục vụ các chương trình phát triển cũng như tổ chức các đề tài và chương trình nghiên cứu liên ngành.

Xã hội học đại cương

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về xã hội học bao gồm quá trình hình thành và phát triển cũng như đối tượng nghiên cứu xã hội học, những khái niệm cơ bản và một số trường phái xã hội học, những thiết chế và tổ chức xã hội cơ bản.

Học phần cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng thực hành, sử dụng các phương pháp định tính, định lượng trong nghiên cứu xã hội học.

Cơ sở ngôn ngữ học

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ sở, cơ bản về ngôn ngữ học, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên có thể hiểu sâu hơn về ngoại ngữ mà họ đang học.

Về nhận thức sinh viên được cung cấp kiến thức tổng luận về ngôn ngữ học (như bản chất, chức năng, nguồn gốc, sự phát triển của ngôn ngữ, hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, v.v…) và kiến thức về các phân ngành của ngôn ngữ học (ngữ âm học, từ vựng – ngữ nghĩa học, ngữ pháp học, v.v…)

Về kỹ năng, học phần giúp sinh viên nâng cao các thao tác thực hành ngoại ngữ như phát âm chuẩn các âm tố, phân biệt âm vị và các biến thể; phân biệt được đa nghĩa và đồng âm, xác định cơ cấu nghĩa của từ; phân loại câu, viết câu đúng ngữ pháp…

Lịch sử văn minh phương Tây

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hệ thống về sự phát triển văn minh phương Tây (qua những nền văn minh tiêu biểu Hy-Lap, La Mã…), về bước chuyển sang nền văn minh công nghiệp và văn minh thông tin; những nguyên tắc và mối tương quan giữa hội nhập văn minh thế giới và giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Dân tộc học đại cương

Cung cấp những kiến thức cơ bản về Dân tộc học:lịch sử phát triển của Dân tộc học thế giới, các trường phái trong Dân tộc học và lịch sử phát triển của Dân tộc học Việt Nam; về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam: đặc điểm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự phân bố và các đặc trưng văn hoá tộc người ở Việt Nam (vùng, nhóm ngôn ngữ và tộc người), tính thống nhất và đa dạng của văn hoá tộc người Việt Nam, nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, vị trí của vấn đề dân tộc trong tiến trình lịch sử dân tộc và trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Học phần cũng trang bị những nguyên tắc cơ bản của phương pháp và thao tác trong nghiên cứu Dân tộc học, vận dụng vào việc tiếp cận các vấn đề văn hoá và văn hoá tộc người.

Kinh tế học đại cương

Cung cấp những kiến thức cơ bản về kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô: cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường và vai trò chi phối của chính phủ vào nên kinh tế; các vấn đề liên quan đến sự lựa chọn của người tiêu dùng và hoạt động của các nhà sản xuất; những điều kiện cân đối tổng thể của nền kinh tế, vai trò của các hoạt động đầu tư, tiết kiệm, chi tiêu của chính phủ và ngoại thương, đặc biệt là các chính sách tài chính và tiền tệ tác động đến phát triển kinh tế; các hiện tượng kinh tế (lạm phát, thất nghiệp …).

Trên cơ sở đó, sinh viên được nâng cao trình độ tư duy phân tích, đánh giá và vận dụng những nguyên lý chung vào điều kiện phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Cơ sở văn hoá Việt Nam

Cung cấp những khái niệm chung về văn hoá học và văn hoá Việt Nam, về hệ thống các thành tố văn hoá Việt Nam và những đặc trưng của chúng.

Học phần cũng trang bị những kỹ năng, phương pháp tiếp cận tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề của văn hoá Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam

Cung cấp những kiến thức tổng quát về quá trình phát triển liên tục với những đặc điểm chủ yếu, những quy luật chung nhất của lịch sử Việt Nam, trong đó, nắm được đặc điểm nổi bật và xuyên suốt tiến trình lịch sử Việt Nam là công cuộc giữ nước chống ngoại xâm luôn xong hành cùng công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Ngoài việc nắm vững những chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, sinh viên được trang bị nhận thức lịch sử Việt Nam với tư cách là lịch sử của các cộng đồng quốc gia, dân tộc đã và đang sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, cùng góp phần sáng tạo và bảo tồn nền văn hoá Việt Nam.

Thể chế chính trị thế giới

Cung cấp những khái niệm cơ bản về thể chế chính trị thế giới: cơ sở hình thành, bản chất, cấu trúc và các loại hình thể chế chính trị thế giới.

Trên cơ sở đó, sinh viên sẽ nâng cao trình độ tư duy biện chứng, phân tích, tổng hợp và liện hệ với đời sống chính trị thực tế.

Địa lý thế giới

Cung cấp những kiến thức địa lý thế giới bao gồm các đặc điểm tự nhiên của các khu vực lớn trên thế giới và đặc điểm kinh tế xã hội của một số quốc gia lớn.

Trên cơ sở đó, học phần nâng cao khả năng tư duy tổng hợp, phân tích của sinh viên đối với các hiện tượng tự nhiên cũng như kinh tế xã hội đang diễn ra trên thế giới.

Lịch sử phương Đông

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hệ thống về khái niệm Phương Đông và Đông phương học Việt Nam; lịch sử Phương Đông qua các thời kỳ: tiền sử, cổ đại, trung đại, cận hiện đại; những điểm chung và vai trò, vị trí của Phương Đông trong lịch sử thế giới, so sánh với Việt Nam; triển vọng và phát triển của Phương Đông đầu thế kỷ XXI.

Lịch sử tư tưởng Phương Đông

Trang bị những nội dung cơ bản về đặc điểm kết cấu kinh tế xã hội của các nước Phương Đông; đặc điểm hình thành và phong cách trình bày của các hệ thống tư tưởng triết học Phương Đông; nội dung cơ bản và các thời kỳ phát triển của tư tưởng Phương Đông (chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam) cũng như những nét đặc thù về cấu trúc và con đường phát triển của tư tưởng Phương Đông; so sánh với Phương Tây.

Lịch sử quan hệ quốc tế ở Phương Đông

Cung cấp những kiến thức cơ bản về mối quan hệ quốc tế ở phương Đông qua các thời kỳ lịch sử, chủ yếu là thời kỳ cận – hiện đại; mối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực và thế giới, giúp cho sinh viên những nhận thức chủ yếu về chính sách bành trướng, xâm lược thuộc địa của các nước tư bản khi chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; trật tự thế giới và các nước Phương Đông

Văn hoá, văn minh phương Đông

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tiếng Việt và một số ngôn ngữ Phương Đông đang được giảng dạy với tư cách là ngoại ngữ chính ở các khoa phương Đông học. Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về: cấu trúc và đặc điểm của tiếng Việt; phân loại các ngôn ngữ Phương Đông theo nguồn gốc và theo loại hình; cấu trúc và đặc điểm của ít nhất một trong những ngôn ngữ Phương Đông mà sinh viên đang theo học.

Học phần cũng trang bị kỹ năng phát hiện được những điểm giống nhau và khác nhau giữa tiếng Việt và ngôn ngữ Phương Đông mà sinh viên đang học và biết cách vận dụng những hiểu biết đó để nâng cao trình độ ngoại ngữ (cụ thể là nâng cao trình độ tiếng Phương Đông mà sinh viên theo học).