Chương trình đào tạo Ngành Vật lý trị liệu bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Vật lý trị liệu bậc Đại học

  • – Ngành đào tạo:           VẬT LÝ TRỊ LIỆU (Physical Therapy)
  • – Trình độ đào tạo:         Đại học
  • – Mã ngành đào tạo:      52720333
  • – Thời gian đào tạo:       4 năm.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Đào tạo Cử nhân Vật lý trị liệu có y đức, có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, kiến thức và kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ ngành học ở trình độ đại học; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, tự học và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Mục tiêu cụ thể

 

 

Về Thái độ

– Tận tuỵ với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, hết lòng phục vụ người bệnh.

– Khiêm tốn học tập, chân thành hợp tác với đồng nghiệp.

– Trung thực, khách quan, nghiêm túc trong công việc chuyên môn.

Về Kiến thức

– Có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, nguyên lý kỹ thuật- công nghệ và kiến thức chuyên môn ngành học để giải quyết độc lập, sáng tạo các vấn đề thuộc ngành Vật lý trị liệu.

Hiểu biết các nguyên lý, qui tắc, quy trình vận hành, bảo quản, bảo dưỡng một số loại trang thiết bị thuộc ngành Kỹ thuật Vật lý trị liệu;

– Có kiến thức về phương pháp luận khoa học trong thực hành kỹ thuật, học tập, nghiên cứu khoa học.

– Hiểu biết về pháp luật và các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Về Kỹ năng

– Thực hiện được các kỹ thuật khám – lượng giá Vật lý trị liệu trong các trường hợp bệnh lý thông thường và phức tạp.

– Thiết lập được mục tiêu, kế hoạch điều trị bằng phương pháp Vật lý trị liệu và tiên lượng phục hồi phù hợp trên từng trường hợp bệnh cụ thể.

– Thực hiện thành thạo các kỹ thuật Vật lý trị liệu thông thường và các kỹ thuật Vật lý trị liệu chuyên sâu

– Có khả năng làm việc theo nhóm phục hồi và phối hợp với các thành viên trong nhóm để nghiên cứu khoa học và thực hiện các kế hoạch phục hồi cho bệnh nhân.

– Chuyển giao kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

– Sử dụng thành thạo và bảo quản các trang thiết bị trong khoa Vật lý trị liệu, thích ứng được với các trang thiết bị hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

– Tham gia nghiên cứu khoa học và tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều hình thức khác nhau.

– Tham gia đào tạo và tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Chương trình đào tạo Ngành Vật lý trị liệu bậc Đại học

KHỐI KIẾN THỨC BẮT BUỘC

  1. Danh mục các học phần bắt buộc
  2. Kiến thức giáo dục đại cương: 41 đvht (39 LT – 02 TH)
TT Tên môn học/ học phần Đơn vị học trình
TC LT TH
Các môn chung
Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin 8 8 0
Tư tưởng Hồ Chí Minh 3 3 0
Đường lối CM của Đảng CSVN 4 4 0
Ngoại ngữ 10 10 0
Tin học đại cương 2 1 1
Giáo dục thể chất* 5*
Giáo dục quốc phòng – an ninh* 11*
Các môn cơ sở khối ngành
Xác suất – Thống kê y học 2 2 0
Hóa học 2 2 0
Sinh học và Di truyền 3 2 1
Vật lý và Lý sinh 2 2 0
Nghiên cứu khoa học 2 2 0
Tâm lý y học – Đạo đức Y học 3 3 0
Tổng cộng 43* 39* 2*

* Chưa tính các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng – an ninh

  1. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu:

Kiến thức cơ sở ngành   25 đvht (19 LT – 06 TH)

TT Tên môn học/ học phần Đơn vị học trình
TC LT TH
Giải phẫu 3 2 1
Sinh lý 2 1 1
Giải phẫu bệnh 2 1 1
Sinh lý bệnh & Miễn dịch 2 1 1
Hóa sinh 2 1 1
Dược lý 2 2 0
Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu 2 1 1
Bệnh học Nội khoa 2 2 0
Bệnh học Ngoại khoa 2 2 0
Sức khỏe môi trường 2 2 0
Dịch tễ học và Các bệnh truyền nhiễm 1 1 0
Tổ chức y tế -Chương trình y tế – Giáo dục sức khỏe 3 3 0
Tổng cộng 25 19 6

Kiến thức ngành ( kể cả chuyên ngành)   73 đvht (29 LT-  44  TH)

TT TÊN MÔN HỌC/ HỌC PHẦN Tổng số ĐVHT Phân bố ĐVHT
LT TH
Giải phẩu chức năng 4 2 2
Khoa học thần kinh 2 2 0
Vận động học và sinh cơ học khớp/cơ 4 2 2
Lượng giá chức năng 5 2 3
Vận động trị liệu 1 3 2 1
Vận động trị liệu 2 3 1 2
Các phương thức điều trị Vật Lý trị liệu 1 2 1 1
Các phương thức điều trị Vật Lý trị liệu 2 4 2 2
Bệnh lý và VLTL hệ cơ – xương 1 5 2 3
Bệnh lý và VLTL hệ cơ – xương 2 4 2 2
Bệnh lý và VLTL hệ cơ – xương 3 2 1 1
Bệnh lý và VLTL hệ  tim mạch – hô hấp 5 2 3
Bệnh lý và VLTL hệ thần kinh – cơ 5 2 3
Bệnh lý và VLTL hệ da – tiêu hóa – tiết niệu  – sinh dục – nội tiết 4 2 2
Tổ chức & quản lý khoa Vật Lý Trị liệu – Phục Hồi Chức Năng- Kỹ năng giao tiếp chuyên ngành VLTL 2 2 0
PHCN dựa vào cộng đồng 3 2 1
Thực tập lâm sàng 1 4 0 4
Thực tập lâm sàng 2 4 0 4
Thực tập lâm sàng 3 4 0 4
Thực tập lâm sàng 4 4 0 4
Tổng cộng 73 29 44

 

  1. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Giải phẫu

Nội dung gồm những kiến thức về đặc điểm giải phẫu đại thể của các bộ phận, cơ quan trong cơ thể người; kiến thức về chức năng, hoạt động của các cơ quan và mối liên hệ với dấu hiệu lâm sàng.

Sinh lý

Nội dung gồm các kiến thức cơ bản về chức năng, hoạt động của cơ quan, hệ thống cơ quan và chức năng điều hoà trong mối liên hệ thống nhất giữa các cơ quan trong cơ thể, giữa cơ thể với môi trường bên ngoài

Giải phẫu bệnh

Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về những biến đổi hình thái học của tế bào và mô trong quá trình bệnh lý, mối quan hệ giữa hình thái và chức năng, giữa con người và môi trường sống.

Sinh lý bệnh – Miễn dịch

Nội dung gồm những kiến thức cơ bản về bệnh, bệnh nguyên, bệnh sinh, những rối loạn chức năng của các cơ quan trong quá trình bệnh lý phổ biến; vai trò của hệ thống miễn dịch và những cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch

Hóa sinh

Nội dung gồm những kiến thức cơ bản và có hệ thống về hóa sinh, bao gồm: các sinh chất chủ yếu và chuyển hóa của chúng ở tế bào sống của cơ thể, các nguyên tắc và ý nghĩa của một số xét nghiệm hóa sinh lâm sàng thông thường.

Dược lý

Nội dung gồm kiến thức cơ bản về dược lý học tác dụng và cách sử dụng một số thuốc thông thường, tác dụng không mong muốn của thuốc và cách phòng ngừa nhằm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Điều dưỡng cơ bản – cấp cứu ban đầu

Nội dung gồm kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc người bệnh, sơ- cấp cứu ban đầu người bị nạn và các kỹ thuật tiêm, truyền..

Bệnh học Nội khoa

Nội dung gồm kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, biến chứng và phương pháp phòng và xử trí một số bệnh nội khoa thường gặp.

Bệnh học Ngoại khoa

Nội dung gồm kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, biến chứng, phương pháp phòng và xử trí một số bệnh ngoại khoa thường gặp.

Sức khoẻ môi trường

Nội dung gồm kiến thức cơ bản về mối quan hệ giữa sức khoẻ, môi trường và bệnh tật. Các yếu tố nguy cơ của môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ và các biện pháp phòng chống.

Dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm

Nội dung gồm kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ, diễn biến, các biện pháp phòng chống dịch và đặc điểm dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp

Tổ chức y tế – Chương trình y tế quốc gia – Giáo dục sức khoẻ

Nội dung gồm hệ thống tổ chức mạng lưới y tế, các chương trình y tế quốc gia đang triển khai thực hiện, các kiến thức về truyền thông – giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe, các phương pháp, phương tiện truyền thông trong công tác giáo dục chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giải phẫu chức năng

Nội dung gồm các kiến thức về vị trí của cơ: nguyên ủy và bám tận , chức năng của một cơ hay nhóm cơ, thần kinh chi phối để điều khiển hoạt động chức năng của các nhóm cơ chi trên, chi dưới, cột sống và đầu mặt – cổ. Phân loại các loại khớp trong cơ thể và các chức năng hoạt động.

Khoa học thần kinh

Nội dung gồm kiến thức về sự phát triển của hệ thần kinh và mối liên quan đến sự phát triển vận động, vai trò của hệ thần kinh trong chức năng vận động, chức năng cảm giác, hệ thính giác và thị giác, thần kinh vận động, cơ vân và sự kiểm soát của tủy sống. Các chức năng thần kinh cao cấp bao gốm chức năng ngôn ngữ, nhận thức và cử động hữu ý. Các chứng đau do nguồn gốc thần kinh và sự tái sinh thần kinh sau tổn thương, ứng dụng các kiến thức vào lĩnh vực vật lý trị liệu và phục hồi.

Vận động học và sinh cơ học của khớp

Nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng, nguyên tắc cơ học về lực và tư thế, cơ chế của cử động và nguyên tắc của đũn bẩy, các cử động xảy ra tại mỗi khớp trong cơ thể, các tư thế căn bản và tư thế biến thể. Giải thích sự vận động trên sinh cơ học của khớp.

Lượng giá chức năng

Nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng của cách khám, lượng giá, cách thiết lập hồ sơ VLTL dựa trên sự phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Phương pháp thử cơ bằng tay và đo tầm vận động khớp ở chi trên, chi dưới, cột sống; mẫu dáng bộ bình thường, các chu kỳ của dáng đi và những sai lệch trong dáng bộ và dáng đi.

Vận động trị liệu 1

Nội dung gồm kiến thức, kỹ năng và những nguyên lý cơ bản, chỉ định và chống chỉ định của các bài tập thô động, chủ động tập, chủ động tập trợ giúp, chủ động tập có lực kháng.

Vận động trị liệu 2

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng kỹ thuật tạo thuận cảm thô bản thể thần kinh – cơ; kỹ thuật tập trên banh trị liệu, kỹ thuật tập chuỗi động đóng và chuỗi động mở, kỹ thuật isokinetic… , sử dụng các phương tiện trợ giúp như gậy, nạng, khung tập đi, xe lăn…

Các phương thức điều trị vật lý trị liệu 1

Nội dung gồm các kiến thức và kỹ năng về tác dụng, chỉ định, chống chỉ định của xoa bóp.

Các phương thức điều trị vật lý trị liệu 2

Nội dung gồm các tác dụng điều trị, tai biến và các biện pháp an toàn, chỉ định và chống chỉ định của các phương pháp điều trị bằng siêu âm, thấu nhiệt sóng ngắn, các dũng điện giảm đau, kích thích điện, laser trị liệu và ánh sáng trị liệu. Các phương pháp áp dụng nước trong điều trị và nhiệt trị liệu. Sử dụng và bảo quản máy mãc điện trị liệu, thủy và nhiệt trị liệu.

Bệnh lý và vật lý trị liệu cơ xương 1

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về bệnh nguyên, dấu hiệu lâm sàng, điều trị, biến chứng và tiên lượng cho các trường hợp gãy xương chi trên, chi dưới, cột sống và chấn thương đầu. Nguyên tắc khám và lượng giá Vật lý trị liệu cho các trường hợp gãy xương;. Ứng dụng các kiến thức và kỹ năng của các môn Vận động học – Vận động trị liệu, các phương thức  điều trị  VLTL  trong điều trị gãy xương chi trên, chi dưới, cột sống và chấn thương đầu.

Bệnh lý và vật lý trị liệu cơ xương 2

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về bệnh nguyên, dấu hiệu lâm sàng, điều trị, biến chứng và tiên lượng cho từng trường hợp bệnh lý chỉnh hình và chấn thương trong thể dục thể thao; Nguyên tắc khám và lượng giá Vật lý trị liệu cho các khớp của chi trên, chi dưới và cột sống; nguyên tắc thực hiện kỹ thuật di động khớp (Joint Mobilization) trên từng khớp của cơ thể.

Bệnh lý và vật lý trị liệu cơ xương 3

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng điều trị VLTL thích hợp trong các trường hợp có vấn đề về cơ xương và chấn thương trong thể dục thể thao. Sơ cứu và cách phòng ngừa các tai nạn trong luyện tập thể dục thể thao và trong thi đấu.

Bệnh lý và Vật lý trị liệu hô hấp và tim mạch

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về bệnh nguyên, dấu hiệu lâm sàng, điều trị, biến chứng và tiên lượng cho từng trường hợp bệnh lý về hệ hô hấp và tim mạch. Nguyên tắc khám và lượng giá Vật lý trị liệu trong các trường hợp bệnh hệ hô hấp và tim mạch ở người lớn. Điều trị VLTL thích hợp trong các trường hợp bệnh hệ hô hấp và tim mạch.

Bệnh lý và Vật lý trị liệu hệ Thần kinh – Cơ

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về bệnh nguyên, dấu hiệu lâm sàng, điều trị, biến chứng và tiên lượng cho từng trường hợp bệnh lý của hệ thần kinh –cơ; Nguyên tắc khám và lượng giá Vật lý trị liệu trong các trường hợp bệnh hệ thần kinh –cơ ở các lứa tuổi; Điều trị VLTL thích hợp trong các trường hợp bệnh lý hệ thần kinh –cơ ở các lứa tuổi.

  1. Bệnh lý và VLTL hệ da – tiêu hóa – tiết niệu – sinh dục và nội tiết

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về bệnh nguyên, dấu hiệu lâm sàng, điều trị, biến chứng cho từng trường hợp bệnh lý của hệ da – tiêu hóa – tiết niệu – sinh dục và nội tiết; Nguyên tắc khám và lượng giá Vật lý trị liệu trong các trường hợp bệnh hệ da – tiêu hóa – tiết niệu – sinh dục và nội tiết bao gồm VLTL cho sản phụ trước và sau khi sanh; Điều trị VLTL thích hợp trong các trường hợp bệnh lý hệ da – tiêu hóa – tiết niệu – sinh dục và nội tiết.

Tổ chức và quản lý Khoa VLTL /PHCN

Nội dung gồm kiến thức về hệ thống tổ chức và quản lý ngành VLTL –PHCN từ trung ương đến địa phương ; chức trách và nhiệm vụ của các thành viên trong Khoa VLTL –PHCN; hoạt động của các thành viên trong nhóm phục hồi và cách tổ chức  một  khoa VLTL – PHCN ở các tuyến.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Nội dung gồm kiến thức và kỹ năng về hệ thống tổ chức và quản lý chương trình PHCN dựa vào cộng đồng của Việt Nam; cách phát hiện và phân loại 07 nhóm tàn tật tại cộng đồng; sử dụng sách huấn luyện PHCN dựa vào cộng đồng; các  phương cách PHCN 07 nhóm tàn tật.

Thực tập lâm sàng 1

Nội dung gồm thực tập các kỹ thuật cơ bản về khám và lượng giá, áp dụng các kỹ thuật lượng giá chức năng và vận động trị liệu cơ bản trên bệnh nhân, sử dụng các dụng cụ và thiết bị Vật lý trị liệu tại các cơ sở thực tập; Kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và thân nhân người bệnh.

Thực tập lâm sàng 2

Nội dung gồm thực tập kỹ năng khám và lượng giá, thiết lập chương trình điều trị Vật lý trị liệu nhấn mạnh vào sự an toàn của bệnh nhân, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thực hiện các kỹ thuật Vật lý trị liệu trong việc lượng giá và điều trị bệnh nhân.

Thực tập lâm sàng 3

Nội dung gồm khám và lượng giá hoàn chỉnh các trường hợp bệnh thường gặp, thiết lập mục tiêu và chương trình điều trị Vật lý trị liệu thích hợp. Sử dụng các dụng cụ và trang thiết bị một cách thành thạo và áp dụng đúng các kỹ thuật điều trị Vật lý trị liệu; Hướng dẫn bệnh nhân và người thân người bệnh phương pháp dự phòng y học và chương trình tập tại nhà.

Thực tập lâm sàng 4

Nội dung gồm khám và lượng giá hoàn chỉnh các trường hợp bệnh thông thừơng và phức tạp, thiết lập mục tiêu và chương trình điều trị Vật lý trị liệu thích hợp. Sử dụng các dụng cụ và trang thiết bị một cách thành thạo và áp dụng thành thạo các kỹ thuật điều trị Vật lý trị liệu . Hướng dẫn bệnh nhân và thân nhân người bệnh phương pháp dự phòng y học và chương trình tập tại nhà.