Chương trình đào tạo Ngành Khoa học đất bậc Đại học
- Ngành đào tạo: KHOA HỌC ĐẤT (Soil Science)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 4 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có lập trường chính trị-tư tưởng vững vàng, có kiến thức và kỹ năng về Khoa học đất; có thái độ lao động nghiêm túc và có đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ; có khả năng hợp tác và quản lý nguồn lực; khả năng thích ứng với công việc đa dạng ở các cơ quan khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ Khoa học đất.
Mục tiêu cụ thể:
– Có kiến thức cơ bản vững chắc, có kiến thức về các quá trình vật lý, hoá học đất và môi trường, quá trình sinh học và tương tác giữa đất – nước – phân – cây.
– Có kỹ năng quy hoạch, sử dụng, cải tạo, bảo vệ đất và quản lý đất trong yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.
– Có thái độ nghề nghiệp đúng đắn, phát triển và bảo vệ đất nông nghiệp, bảo vệ đất và môi trường.
Chương trình đào tạo Ngành Khoa học đất bậc Đại học
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc
Kiến thức giáo dục đại cương | |||
1 | Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin | 8 | Hoá phân tích |
2 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 9 | Sinh học đại cương |
3 | Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam | 10 | Sinh học phân tử |
4 | Giáo dục thể chất | 11 | Toán cao cấp |
5 | Giáo dục quốc phòng | 12 | Xác suất – Thống kê |
6 | Ngoại ngữ | 13 | Tin học đại cương |
7 | Hoá học | ||
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp | |||
Kiến thức cơ sở ngành | |||
1 | Vi sinh vật đại cương | 5 | Vật lý đất |
2 | Địa chất học | 6 | Hoá môi trường |
3 | Thổ nhưỡng I | 7 | Canh tác học |
4 | Hoá học đất | ||
Kiến thức ngành | |||
1 | Phân bón và cách bón phân | 5 | Đánh giá đất |
2 | Phân tích đất- nước- phân – cây | 6 | Hệ thống thông tin địa lý |
3 | Phân tích bằng công cụ | 7 | Qui hoạch sử dụng đất |
4 | Đất Việt Nam và xây dựng bản đồ đất | 8 | Thuỷ nông cải tạo đất |
Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)
Vi sinh vật đại cương
Nội dung: giới thiệu khái niệm cơ bản về vi sinh vật, cơ chế hoạt động và vai trò của vi sinh vật trong các hoạt động sống; đặc điểm hình thái, cấu tạo tế bào và hoạt động sống của vi sinhvật, sự khác nhau giữa cơ thể vi sinhvật và cơ thể sống bậc cao về cấu tạo cũng như hoạt động sống; một số nhóm vi sinh vật chủ yếu, cơ chế hoạt động của chúng và những ứng dụng chính trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp.
Địa chất học
Nội dung: Môn học tập trung vào thành phần vật chất cấu tạo nên vỏ trái đất: khoáng và đá, công dụng của khoáng và đá trong việc cải tạo đất và dùng vào việc sản xuất phân bón; lịch sử địa chất; các hoạt động địa chất diễn ra ở lớp vỏ trái đất; quá trình biến đổi lớp ngoài cùng của vỏ trái đất và hình thành lớp phủ trên bề mặt lục địa; địa chất và địa hình Việt Nam; thực hành quan sát, mô tả khoáng vật và đá trong phòng thí nghiệm, khảo sát khoáng vật và đá ngoài thực địa.
Thổ nhưỡng I
Nội dung: giới thiệu khái niệm cơ bản về đất, quá trình hình thành đất; thành phần cơ giới và kết cấu đất; nước, không khí, nhiệt trong đất và các đặc tính vật lý khác của đất; keo đất và khả năng hấp phụ của đất; thành phần hữu cơ và các nguyên tố dinh dưỡng trong đất; phản ứng của đất: độ chua, độ kiềm, tính đệm và phản ứng oxy hóa khử; một số nhóm đất chính của Việt Nam bao gồm đất bạc mầu, đất cát biển, đất phèn, đất mặn, đất phù sa, đất đồi núi.
Thực hành: đào và mô tả phẫu diện, xác định thành phần cơ giới theo phương pháp vê tay (cùng với quá trình đào và mô tả phẫu diện); phân tích độ chua pH KCl, pHnước; xác định tổng chất hữu cơ theo Walkley-Black.
Hoá học đất
Nội dung: Môn học tập trung vào thành phần khoáng vật và thành phần hoá học của đất; quá trình sinh hoá học và thành phần hữu cơ trong đất; quá trình hấp phụ (cơ học, hoá học, lý học, hoá lý học, sinh học); phản ứng của dung dịch đất; khả năng đệm; tính oxy hoá và khử oxy của đất; quá trình cố định và giải phóng chất dinh dưỡng của đất.
Vật lý đất
Nội dung: Môn học tập trung vào tướng rắn trong đất và các đặc tính liên; tướng lỏng trong đất, vai trò của nước đối với tính chất đất và đối với sự phát triển của cây, các dạng nước trong đất, thế năng của nước, vận chuyển nước và cân bằng nước trong đất; tướng khí trong đất, thành phần và nguồn gốc các chất khí trong đất, mối quan hệ đất-cây và không khí trong đất; nhiệt trong đất, nguồn nhiệt, tính chất nhiệt của đất, vai trò của nhiệt đối với đất và cây.
Hoá môi trường
Nội dung: giới thiệu về môi trường; độc chất học môi trường; hoá khí quyển; hoá thạch quyển; hoá thuỷ quyển: Tuần hoàn nước trong tự nhiên; quan hệ giữa khí quyển, thạch quyển và thuỷ quyển về hoá môi trường; đánh giá chất lượng môi trường về mặt hoá học.
Canh tác học
Nội dung: Môn học tập trung vào cơ sở khoa học của việc xác định hệ thống cây trồng; luân canh cây trồng, biện pháp tận dụng tốt nhất tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, đất trồng và tài nguyên thực vật); nguyên lý và biện pháp làm đất phục vụ việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Phân bón và cách bón phân
Nội dung: môn học tập trung vào vai trò của phân bón đối với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và môi trường; vai trò của các nguyên tố đa, trung, vi lượng đối với đời sống cây trồng; sự chuyển hóa của các nguyên tố phân bón trong đất; các loại phân bón đa, trung, vi lượng và cách sử dụng; phân đa yếu tố; phân hữu cơ (phân chuồng, phân bắc, phân xanh, than bùn, phân rác thành phố), phân vi sinh vật; các định luật về phân bón: luật trả lại, luật tối thiểu, luật bội thu không hẳn tỷ lệ thuận với lượng phân bón, luật ưu tiên chất lượng sản phẩm.
Thực hành: Nhận diện phân hoá học. Quan sát tiêu bản cây phân xanh. Xây dựng qui trình bón phân cho một cơ sở sản xuất.
Phân tích đất – nước – phân – cây
Nội dung: Tính toán pha chế các hoá chất theo nồng độ mong muốn; hiệu chỉnh các dụng cụ phân tích, đánh giá sai số thiết bị phân tích, tính toán sai số trong phân tích hoá học; các quá trình xảy ra khi công phá mẫu phân tích, tro hoá khô mẫu thực vật; các cơ chế chính khi phân tích N, P, K, Ca, Mg, S, vi chất dinh dưỡng trong đất, nước, phân, cây theo tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); chọn phương pháp phân tích theo yêu cầu và mục đích nghiên cứu.
Thực hành : Phân tích thành thạo các chỉ tiêu N, P, K (tổng số và dễ tiêu) Ca, Mg (tổng số và trao đổi). H+, Al+++, Na+ trao đổi, CEC, tổng số muối tan, chất hữu cơ, tính được V%. Phân tích tổng số và dễ tiêu một số nguyên tố vi lượng Fe, Zn, Cu, Bo, Mn; phân tích tổng số SiO2, Fe2O3, Al2O3, S; phân tích hàm lượng chất khô trong thực vật; phân tích độ ẩm đất, độ ẩm cây héo, sức chứa ẩm đồng ruộng; phân tích các cấp hạt theo phương pháp ống hút Robinson ; đánh giá kết quả phân tích
Phân tích bằng công cụ
Nội dung: Môn học tạp trung vào nguyên lý phương pháp so mầu; nguyên lý phương pháp phát xạ nguyên tử và đo các cation K+, Ca++, Mg++; nguyên lý phương pháp hấp thu nguyên tử và việc đo các cation Cu, Zn, Pb và Cd; nguyên lý phân tích cực phổ, pH meter, conductometer, đo DO
Thực hành trên các các máy công cụ được học để đo các nguyên tố vi lượng, độ mặn, độ chua và ô nhiễm môi trường.
Đất Việt Nam và xây dựng bản đồ đất
Nội dung: Môn học tập trung vào các loại đất Việt Nam; qui phạm và phương pháp điều tra lập bản đồ đất; hệ thống phân loại vào việc chú dẫn bản đồ; tiêu chuẩn phân cấp và ký hiệu dùng cho bản đồ.
Thực hành: Điều tra xây dựng bản đồ đất cho một đơn vị sản xuất.
Đánh giá đất
Nội dung: giới thiệu khái quát về bản chất và mục tiêu việc đánh giá đất; chất lượng đất và tiêu chuẩn chẩn đoán chất lượng đất; sử dụng đất thích hợp và phân hạng mức độ thích hợp đất đai; qui trình đánh giá đất, xây dựng bản đồ đơn vị đất đai, so sánh sử dụng đất và đất đai, phân tích về mặt kinh tế xã hội; kiểm tra đồng ruộng phân hạng thích hợp đất; đánh giá đất cho một vùng nông nghiệp không được tưới nước và đánh giá đất cho vùng nông nghiệp được tưới nước.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS)
Nội dung: giới thiệu về hệ thống thông tin địa lý; các bộ phận cấu thành của hệ thống thông tin về địa lý; ứng dụng của hệ thống thông tin địa lý trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; cấu trúc dữ liệu trong hệ thống thông tin địa lý và việc xử lý số liệu trong hệ thống thông tin địa lý.
Qui hoạch sử dụng đất
Nội dung: Môn học tập trung vào cơ sở lý luận của việc qui hoạch đất đai, những tính chất của đất cần đề cập đến khi xây dựng qui hoạch đất đai, bản chất của qui hoạch đất đai và qui luật phát triển của qui hoạch đất đai; nội dung và phương pháp qui hoạch sử dụng đất cấp xã: hoàn chỉnh ranh giới đất đai, bố trí đơn vị sản xuất và điểm dân cư, bố trí hệ thống giao thông, bố trí sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức lãnh thổ đất canh tác, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây thức ăn gia súc; tổ chức thực hiện qui hoạch đất đai.
Thực hành: Xây dựng đồ án qui hoạch cho một xã.
Thuỷ nông cải tạo đất
Nội dung: Môn học tập trung vào phương pháp xác định nhu cầu nước của các loại cây trồng; xác định khả năng dự trữ nước; cân bằng nước trong đất; tần suất cấp nước; các phương pháp tưới nước cải tạo và các phương pháp tiêu nước để cải tạo đất mặn, đất úng trũng; các biện pháp giữ đất, giữ nước vùng đồi núi.