Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Chế biến dầu mỏ bậc Đại học

Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Chế biến dầu mỏ bậc Đại học

  • Ngành đào tạo:           CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN DẦU MỎ  (Petroleum Processing Technology)
  • Trình độ đào tạo:        Đại học
  • Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ chế biến dầu mỏ trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện, khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng kỹ thuật để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ.

Mục tiêu cụ thể

Phẩm chất

 

 

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ chế biến dầu mỏ (CNCBDM) là người có phẩm chất chính trị, đạo đức và đủ sức khoẻ tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Kiến thức

Sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành, có khả năng hiểu biết toàn bộ quá trình sản xuất chính và các mối quan hệ kỹ thuật – công nghệ và thiết bị trong ngành, đáp ứng nhu cầu của công nghiệp và xã hội.

Kỹ năng

Sinh viên tốt nghiệp ngành CNCBDM có kỹ năng thực hành thuần thục về CNCBDM, có khả năng tham gia điều hành toàn bộ quá trình sản xuất chính và các thiết bị trong ngành, có khả năng tổ chức sản xuất và áp dụng các quy trình công nghệ vào điều kiện sản xuất thực tế tại các cơ sở sản xuất ngành CNCBDM.

Mục tiêu sử dụng

Sinh viên tốt nghiệp ngành CNCBDM sẽ đảm trách công tác tại các nhà máy, xí nghiệp, kho hoặc làm việc tại các Viện, Trường, Trung tâm ứng dụng và triển khai công nghệ chuyên ngành Chế biến dầu mỏ và các đơn vị hoạt động liên quan tới lĩnh vực dầu khí.

Sinh viên tốt nghiệp ngành CNCBDM có khả năng tiếp cận, triển khai các công nghệ mới thuộc lĩnh vực CNCBDM nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Chương trình đào tạo Ngành Công nghệ Chế biến dầu mỏ bậc Đại học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương
1 Những nguyên lý cơ bản của CNMLN 8 Xác suất – Thống kê
2 Tư tưởng Hồ Chí Minh 9 Vật lý đại cương 1 (bao gồm cả thí nghiệm)
3 Đường lối CM của Đảng CSVN 10 Hoá học đại cương 1
4 Ngoại ngữ 11 Nhập môn tin học
5 Toán cao cấp 1 12 Giáo dục thể chất
6 Toán cao cấp 2 13 Giáo dục Quốc phòng – An ninh
7 Toán cao cấp 3
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
Kiến thức cơ sở ngành
1 Vẽ kỹ thuật 6 Hoá kỹ thuật
2 Hoá phân tích 7 Hoá lý 1
3 Thí nghiệm Hoá phân tích 8 Hoá lý 2
4 Hoá hữu cơ 9 Quá trình thiết bị 1
5 Thí nghiệm Hoá hữu cơ 10 Quá trình thiết bị 2
Kiến thức ngành
1 Hoá học dầu mỏ 6 Thiết bị phản ứng trong chế biến dầu mỏ
2 Công nghệ Chế biến dầu mỏ 7 Động học xúc tác
3 Sản phẩm dầu mỏ 8 Nhiên liệu sạch
4 Công nghệ Chế biến khí tự nhiên và khí đồng hành 9 Công nghệ Tổng hợp các hợp chất trung gian
5 Công nghệ Tổng hợp hoá dầu 10 An toàn lao động trong công nghiệp lọc hoá dầu
Thực tập
1 Thực tập nhận thức 6 Thực tập thiết kế Công nghệ Chế biến dầu mỏ
2 Thực tập ứng dụng tin học trong hoá học 7 Thực tập chuyên ngành
3 Thực tập điều chế xúc tác 8 Thực tập công nghệ
4 Thực tập các phương pháp phân tích công cụ 9 Thực tập tốt nghiệp
5 Thực tập tổng hợp nhiên liệu sạch
Khóa luận tốt nghiệp

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Vẽ kỹ thuật:

Nội dung của học phần Vẽ kỹ thuật là cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về vẽ kỹ thuật như cách biểu diễn điểm, đường thẳng, mặt phẳng, mặt cong, hình chiếu trục đo của vật thể, vẽ hình chiếu thứ ba, các mối lắp ghép chính. Ngoài ra bồi dưỡng cho sinh viên khả năng thiết lập và đọc các bản vẽ kỹ thuật

Hoá phân tích

Nội dung đề cập đến nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi ứng dụng của hoá học phân tích; ý nghĩa của hoá học phân tích đối với sự phát triển của hoá học, các ngành khoa học, công nghệ và tiến bộ xã hội; Các kiến thức về phân tích định tính, phân tích định lượng; Các bước của một quy trình phân tích tổng thể; Các phương pháp của hoá phân tích. Nội dung học phần có 11 chương.

Thí nghiệm Hoá phân tích:

Nội dung đề cập đến nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi ứng dụng của hoá học phân tích; ý nghĩa của hoá học phân tích đối với sự phát triển của hóa học, các ngành khoa học, công nghệ và tiến bộ xã hội; Các kiến thức về phân tích định tính, phân tích định lượng; Các bước của một quy trình phân tích tổng thể; Các phương pháp của hoá phân tích. Nội dung học phần có 15 bài.

Hoá hữu cơ:

Trong học phần này, sinh viên sẽ được trang bị: Những kiến thức cơ bản nhất về chất hữu cơ và lý thuyết hoá hữu cơ; quan hệ giữa cấu tạo và tính chất các hợp chất hữu cơ; phương pháp điều chế và ứng dụng các hợp chất hữu cơ quan trọng. Nội dung gồm 6 chương: Cơ sở đại cương Hoá hữu cơ, Các hợp chất hydrocacbon, Dẫn xuất halogen của hydrocacbon, Dẫn xuất oxi của hydrocacbon, Hợp chất amin, Các hợp chất dị vòng, gluxit, aminoaxit.

Thí nghiệm Hoá hữu cơ:

Học phần này sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức về thao tác lắp đặt, tiến hành bài thí nghiệm hữu cơ; tiến hành thực hành các bài thí nghiệm hữu cơ theo quy định; phân tích, lý giải được các thông số kỹ thuật của quy trình bài thí nghiệm.

Hoá kỹ thuật:

Nội dung môn học bao gồm những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất và sơ đồ nguyên tắc công nghệ, những biện pháp chung để tăng hiệu suất, chất lượng sản phẩm và hướng phát triển của ngành công nghiệp hoá chất. Bao gồm kỹ thuật sản xuất các hợp chất vô cơ và kỹ thuật sản xuất các hợp chất hữu cơ. Trong đó, kỹ thuật các hợp chất vô cơ nghiên cứu các quá trình chế tạo các nguyên liệu vô cơ cơ bản, sản xuất xút-clo, sản xuất phân bón hoá học, hợp chất silicat … và kỹ thuật các hợp chất hữu cơ chủ yếu nghiên cứu chế biến các hợp chất hữu cơ cơ bản, kỹ thuật sản xuất và chế biến nhiên liệu…

Hoá lý 1:

Nội dung bao gồm: Những kiến thức cơ bản, hiện đại trên cơ sở cơ học lượng tử về: Cấu trúc electron nguyên, liên kết hóa học, cấu trúc electron, cấu trúc hình học phân tử, các mối quan hệ phụ thuộc có tính quy luật các tính chất vật lý, hoá học, khả năng phản ứng của các chất dựa vào cấu trúc của chúng.

Hoá lý 2:

Nội dung chính của học phần: Gồm 3 nguyên lý nhiệt động I, II, III và ứng dụng của ba nguyên lý để nghiên cứu, phạm vi ứng dụng quy luật chuyển hoá các dạng năng lượng, tính toán các hàm nhiệt động, khảo sát các hiệu ứng nhiệt của phản ứng, xác định khả năng tự diễn biến của các quá trình hóa học, vị trí của cân bằng và sự chuyển dịch cân bằng của các phản ứng hoá học, các quá trình chuyển pha…

Quá trình và thiết bị 1

Môn học trình bày cơ sở lý thuyết về tĩnh lực học và động lực học chất lỏng, các phương trình cơ bản của chất lỏng, chế độ chuyển động của chất lỏng trong đường ống và trong các dạng thiết bị, trở lực ma sát và cục bộ. Phân riêng hệ khí và lỏng không đồng nhất. Cơ sở lý thuyết về truyền nhiệt, các quá trình đun nóng, làm nguội ngưng tụ, quá trình cô đặc, cơ sở các quá trình lạnh đông. Nguyên tắc làm việc và cấu tạo của bơm, quạt và máy nén, nguyên tắc và cấu tạo của các thiết bị phân riêng hệ không đồng nhất như lắng, lọc, ly tâm, các thiết bị truyền nhiệt và thiết bị cô đặc. Máy lạnh và hệ thống làm lạnh.

Quá trình và thiết bị 2:

Môn học trình bày cơ sở lý thuyết của quá trình truyền chất chung. Tính toán kích thước cơ bản của thiết bị truyền chất. Cơ sở lý thuyết của các quá trình chưng luyện, hấp thụ, trích ly, kết tinh, hấp phụ và sấy. Nguyên tắc hoạt động và cấu tạo thiết bị để thực hiện các quá trình trên. Ngoài ra còn trình bày một số kiến thức về các quá trình cơ học như đập, nghiền, sàng…

Hoá học dầu mỏ:

Môn học này gồm 2 phần lớn:

Phần 1: Hoá học dầu thô: Trong phần này trang bị các kiến thức liên quan đến thành phần hoá học của dầu mỏ, phân loại dầu thô; thành phần hydrocacbon và phi hydrocacbon của dầu thô; ứng dụng của các phần đoạn dầu mỏ, xác định các đặc trưng hoá lý của dầu thô và sản phẩm dầu để trên cơ sở đó, đánh giá chất lượng dầu thô và định hướng công nghệ chế biến dầu.

Phần 2: Hóa học các quá trình chế biến dầu: Bao gồm các kiến thức về quá trình chế biến hoá học như: Quá trình Cracking (cracking nhiệt, cracking xúc tác, hydrocracking), refoming xúc tác, isome hoá, alkyl hoá, polime hoá, thơm hoá. Quá trình pha trộn tạo sản phẩm dầu, quá trình làm sạch dầu (làm sạch bằng phương pháp hoá học, làm sạch bằng phương pháp hoá lý,…), zeolit và vai trò xúc tác trong lọc hoá dầu, khái quát về dầu thô Việt Nam để hiểu biết về phương pháp chế biến loại dầu này.

Công nghệ Chế biến dầu mỏ:

Môn học bao gồm ba phần chính:

Phần 1: Nguyên liệu dầu thô và các sản phẩm chính trong chế biến lọc dầu

Phần 2: Công nghệ các quá trình chế biến vật lý trong lọc dầu

Phần 3: Công nghệ các quá trình chế biến hoá học.

Nội dung được chia thành các chương sau:

Chương 1: Các tính chất quan trọng của dầu thô trong chế biến.

Chương 2: Các sản phẩm chính trong chế biến lọc dầu.

Chương 3: Công nghệ chưng cất dầu thô.

Chương 4: Công nghệ sản xuất dầu mỡ bôi trơn.

Chương 5: Công nghệ chế biến nhiệt.

Chương 6: công nghệ cracking xúc tác.

Chương 7: Công nghệ reforming xúc tác.

Chương 8: Công nghệ hydrocracking và hydro hoá làm sạch.

Chương 9: Công nghệ alkyl hoá.

Chương 10: Công nghệ isome hoá.

Sản phẩm dầu mỏ:

Môn học này bao gồm các kiến thức về sản phẩm dầu mỏ và các chỉ tiêu kỹ thuật của chúng, được phân bố trong 7 chương: Chương 1 – Khái quát chung về các sản phẩm dầu mỏ; Chương 2 – Các chỉ tiêu kỹ thuật chung của sản phẩm dầu mỏ; Chương 3 – Các sản phẩm nhiên liệu; Chương 4 – Các sản phẩm phi nhiên liệu; Chương 5 – Các sản phẩm hoá học; Chương 6 – Dung môi dầu mỏ; Chương 7 – An toàn trong bảo quản và tồn chứa xăng dầu.

Sau khi học xong môn này, sinh viên cần nắm vững, hiểu biết và mô tả lại được sự phân loại các sản phẩm dầu, bản chất, ứng dụng và các chỉ tiêu kỹ thuật của từng loại sản phẩm nhiên liệu, phi nhiên liệu cũng như các sản phẩm hoá học và dung môi dầu mỏ. Sau cùng là phải biết các biện pháp an toàn cho tồn chứa và bảo quản xăng dầu.

Công nghệ Chế biến khí tự nhiên và khí đồng hành:

Học phần này gồm 3 phần:

Phần 1: Khái niệm khí đốt: nguồn gốc, thành phần, phân loại, ứng dụng và các đặc tính hóa lý của khí hidrocacbon, định hướng công nghệ chế biến khí tự nhiên và khí đồng hành.

Phần 2: Các quá trình công nghệ chế biến khí: Sơ đồ tổng quát, làm khô khí (bằng phương pháp hấp thụ, phương pháp hấp thụ); làm ngọt khí (phương pháp dung môi vật lý, dung môi hoá học, dung môi hỗn hợp, phương pháp hấp phụ), các quy trình chế biến khí (phương pháp ngưng tụ, phương pháp hấp thụ, phương pháp chưng cất nhiệt độ thấp). Trong mỗi quy trình đều khảo sát nhiều phương án, so sánh ưu nhược điểm của mỗi quy trình để phân tích, lựa chọn phương án tối ưu cho mỗi loại khí.

Phần 3: Tính toán các quá trình cơ bản: Quá trình làm khô khí (hấp thụ, hấp phụ); quá trình làm ngọt khí (đặc biệt bằng phương pháp hấp thụ hoá học), chế biến tách khí (ngưng tụ – bay hơi, chưng cất phân đoạn nhiệt độ thấp).

Công nghệ Tổng hợp hoá dầu:

Môn học này gồm 5 chương:

Chương I: Nguồn nguyên liệu cho công nghệ tổng hợp hoá dầu.

Chương II: Các công nghệ tổng hợp hoá dầu từ metan và khí thiên nhiên.

Chương III: Các công nghệ tổng hợp hoá dầu từ olefin nhẹ C2=.

Chương IV: Các công nghệ tổng hợp hoá dầu từ C3=, C4=.

Chương V: Các công nghệ tổng hợp hoá dầu từ benzene, toluene, etylbenzen và xylen (BTEX).

Thiết bị phản ứng trong chế biến dầu mỏ:

Môn học này gồm 2 phần:

Phần 1: Phân loại thiết bị phản ứng. Phần này trang bị các kiến thức liên quan đến các đặc tính chính của thiết bị phản ứng trong hoá học nói chung và trong quá trình chế biến hoá dầu nói riêng; phân loại các thiết bị phản ứng trong chế biến hoá dầu; các khái niệm tổng quát về các kiểu thiết bị phản ứng lý tưởng khác nhau.

Phần 2: Thiết bị phản ứng trong chế biến dầu mỏ; Đi sâu nghiên cứu các thiết bị phản ứng trong chế biến hoá dầu: thiết bị phản ứng pha lỏng áp suất thường và áp suất cao; thiết bị phản ứng pha khí áp suất thường và áp suất cao, thiết bị phản ứng ba pha dạng có khuấy, thiết bị phản ứng tầng sôi. So sánh các kiểu thiết bị phản ứng khác nhau. Một số ví dụ điển hình về các thiết bị phản ứng trong quá trình chế biến hoá dầu.

Động học xúc tác:

Môn “Động học xúc tác” gồm phần mở đầu và 4 chương: xúc tác đồng thể, xúc tác dị thể, các phương pháp nghiên cứu đặc trưng xúc tác và các phương pháp nghiên cứu động học phản ứng.

Trong phần mở đầu, sinh viên sẽ được học về lịch sử phát triển của các quá trình xúc tác, các khái niệm cơ bản, phân loại xúc tác.

Chương 1 sẽ đưa ra các cách phân loại phản ứng xúc tác đồng thể, thuyết xúc tác đồng thể của Spitanski-Kobozeb, các phản ứng xúc tác đồng thể với xúc tác axit-bazơ, xúc tác phức, xúc tác enzym và một số ví dụ về phản ứng xúc tác dị thể được sử dụng trong công nghiệp.

Chương 2 sẽ giới thiệu về cách phân loại phản ứng xúc tác dị thể, động học phản ứng, cơ chế phản ứng, thành phần xúc tác dị thể, các phương pháp điều chế và một số ví dụ về phản ứng xúc tác dị thể trong công nghiệp.

Chương 3 bao gồm các phương pháp cơ bản nghiên cứu đặc trưng xúc tác.

Chương 4 trình bày các phương pháp nghiên cứu động học phản ứng

Nhiên liệu sạch:

Môn học này nhằm trang bị cho sinh viên ngành chế biến dầu mỏ kiến thức về nhiên liệu sạch, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong thời đại hiện nay và kể cả trong tương lai. Các kiến thức mà môn học này cung cấp được chuyển tải trong 7 chương sau: Chương 1: Phụ gia dầu mỏ, Chương 2: Các quá trình xử lý để tạo sản phẩm dầu mỏ sạch; Chương 3: Sản xuất nhiên liệu sạch; Chương 4: Nhiên liệu sinh học Biodiezel; Chương 5: Nhiên liệu sinh học Xăng etanol; Chương 6: Nhiên liệu sinh khối Biogas; Chương 7: Xử lý làm sạch môi trường sản xuất và tồn chứa sản phẩm dầu mỏ; Chương 8: Xử lý làm sạch dầu tràn thu hồi.

Sau khi học xong môn học này, sinh viên nắm vững và mô tả lại được các loại nhiên liệu sạch, các quá trình xử lý nhằm tạo nhiên liệu sạch, bản chất hoá học, quy trình sản xuất nhiên liệu sinh học biodiezel và xăng etanol. Ngoài ra, sinh viên còn hiểu được các phương pháp xử lý làm sạch môi trường, sản xuất tồn chứa sản phẩm dầu và xử lý thu hồi dầu tràn.

Công nghệ tổng hợp các hợp chất trung gian:

Môn học này đề cập tới hoá học và công nghệ các quá trình tổng hợp các hợp chất trung gian được ứng dụng phổ biến làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp tổng hợp hoá dầu, sản xuất dược phẩm, chất tẩy rửa và hoạt động bề mặt, các chất bảo vệ và kích thích sinh trưởng thực vật, chất nổ, thuốc nhuộm, polyme, phụ gia xăng dầu,…Nội dung gồm 10 chương; Chương 1. Sản xuất alkyl benzen mạch thẳng (LAB); Chương 2. Sản xuất axit axetic; Chương 3. Sản xuất phenol; Chương 4. Sản xuất styren; Chương 5. Sản xuất anilin; Chương 6. Sản xuất benzen sunfonic axit và các dẫn xuất; Chương 7. Sản xuất nitrobenzen; Chương 8. Sản xuất acrylat; Chương 9. Sản xuất monome cho tổng hợp polyeste; Chương 10. Sản xuất monome cho tổng hợp polyuretan.

An toàn lao động trong công nghiệp lọc hoá dầu:

Học phần này trang bị những kiến thức cơ bản và đặc thù liên quan đến vấn đề an toàn lao động trong ngành công nghiệp lọc hoá dầu và tạo cho sinh viên có nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Nội dung môn học gồm 3 phần:

Phần 1: Các vấn đề chung về an toàn lao động trong công nghiệp lọc hoá dầu.

Phần 2: An toàn cháy nổ trong công nghiệp lọc hoá dầu.

Phần 3: Các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động trong công nghiệp lọc hoá dầu.

Thực tập nhận thức:

Nội dung thực tập nhận thức gồm 8 phần: Lịch sử hình thành và phát triển của nhà máy; Quy tắc an toàn lao động, Phòng chống cháy nổ; Lý thuyết quy trình sản xuất; Các dây chuyền công nghệ sản xuất của nhà máy/phân xưởng; Cấu tạo, nguyên lý hoạt động, quy trình vận hành của các thiết bị trong dây chuyền; Các phương pháp bảo quản và tồn chứa nguyên liệu và sản phẩm; Thực hành dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật của nhà máy trên một thiết bị hoặc một công đoạn trong dây chuyền.

Thực tập ứng dụng tin học trong hoá học:

Môn học đề cập tới các vấn đề chính sau đây:

  1. Lập mô hình các quá trình và thiết bị cơ bản của công nghệ hoá chất và dầu khí.
  2. Các phương pháp và thuật toán giải mô hình.
  3. Lập trình Pascal để tính toán và tối ưu các quá trình và thiết bị.
  4. Sử dụng một số phần mềm mô phỏng cho tính toán, thiết kế hệ thống, dây chuyền thiết bị trong CN Hoá chất và Dầu khí.

Thực tập điều chế xúc tác:

Học phần này cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng về các phương pháp điều chế xúc tác, đặc biệt là xúc tác dị thể trong lĩnh vực lọc, hoá dầu và chế biến khí. Sinh viên sẽ được làm quen với các thiết bị tổng hợp xúc tác trong phòng thí nghiệm: autoclave, lò nung tĩnh, lò nung dòng liên tục, tủ sấy, máy sấy phun, dụng cụ lọc chất rắn, máy tạo viên… Ngoài ra, sinh viên còn được thực hành các phương pháp đặc trưng các tính chất hoá lý của xúc tác: nhiễu xạ tia X, đo diện tích bề mặt riêng và độ xốp, phân tích nhiệt vi sai, hồng ngoại…

Thực tập các phương pháp phân tích công cụ:

Thực tập các phương pháp phân tích công cụ cung cấp cho sinh viên các kiến thức liên quan việc cơ sở phương pháp và quy trình phân tích đánh giá đặc trưng vật liệu bằng các kỹ thuật hoá lý hiện đại. Nội dung môn học gồm 8 bài thí nghiệm; Phương pháp hấp thụ hồng ngoại (IR), Phương pháp nhiễu xạ tia X (XRD), Phương pháp phân tích nhiệt (TGA-DTA-DSC), Phương pháp phân tích hấp phụ vật lý, Phương pháp phân tích hấp phụ hoá học, Phương pháp hấp thụ nguyên tử (AAS), Phương pháp sắc ký khí (GC), Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC).

Thực tập tổng hợp nhiên liệu sạch:

Học phần này cung cấp cho sinh viên kiến thức thực hành về các phương pháp xử lý để sản xuất ra nhiên liệu sạch; vai trò của phụ gia trong việc nâng cao chất lượng của sản phẩm dầu; sản xuất nhiên liệu sinh học biodiezel, sản xuất nhiên liệu sinh học xăng etanol; sản xuất nhiên liệu sinh khối biogas, xử lý làm sạch môi trường tồn chứa và sản xuất sản phẩm dầu, xử lý dầu tràn thu hồi để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Thực tập thiết kế Công nghệ Chế biến dầu mỏ:

Bài tập lớn bao gồm hai phần chính:

Phần 1: Xây dựng và chuyển đổi các đường cong chưng cất.

Phần 2: Thiết lập cân bằng vật chất và nhiệt của các thiết bị chính của cracking xúc tác.

Thực tập chuyên ngành:

Thực tập chuyên ngành là môn học cung cấp cho sinh viên các kiến thức liên quan việc phân tích đánh giá chỉ tiêu chất lượng dầu thô và sản phẩm và các thiết bị phân tích được sử dụng phổ biến trong ngành Công nghệ lọc hoá dầu. Nội dung môn học được thực hiện ngay tại phòng thí nghiệm chuyên ngành của cơ sở đào tạo. Học phần gồm 10 bài thí nghiệm.

Thực tập công nghệ:

Nội dung thực tập công nghệ gồm 10 phần: an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp; tìm hiểu nguồn gốc dầu mỏ và nhận dạng các sản phẩm; các phòng hoá nghiệm, phân tích chất lượng sản phẩm; kho xăng dầu; kho gas LPG; kho nhựa đường, nhà máy pha chế dầu nhờn, các pilot công nghệ, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, các nhà máy chế biến dầu – khí, hoá dầu.

Thực tập tốt nghiệp:

Thực tập tốt nghiệp là thời gian thực tập của sinh viên tại các phòng thí nghiệm liên quan phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm hoá dầu, hoặc tại các nhà máy lọc hoá dầu, hay các cơ sở sản xuất các sản phẩm hoá dầu. Trong thời gian này, sinh viên sẽ có điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật phân tích và công nghệ chế biến hiện đại đang được sử dụng trong các nhà máy lọc hoá dầu và sản xuất sản phẩm hoá dầu của Việt Nam. Tuỳ thuộc điều kiện từng cơ sở đào tạo, có thể lựa chọn 1 trong 3 nội dung: Thực tập phân tích trong phòng thí nghiệm, Thực tập tổng hợp sản phẩm hoá dầu/vật liệu xúc tác trong phòng thí nghiệm và Thực tập nhà máy.