Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn tỉnh Hà Tĩnh

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn tỉnh Hà Tĩnh

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn tỉnh Hà Tĩnh năm học 2015 – 2016 Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với những câu hỏi về: lòng khiêm tốn, bài thơ Khói bếp xưa, niềm vui thực sự của bản thân, tác phẩm Rừng Xà Nu. Bên cạnh đó, đây cũng là đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn tỉnh Hà Tĩnh

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Lòng khiêm tốn có thể được coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật.

 

 

Điều quan trọng của khiêm tốn là chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội. Khiêm tốn là biểu hiện của con người đứng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người khiêm tốn bao giờ cũng là người thường thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người.

Vậy khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi. Hoài bão lớn nhất của con người là tiến mãi không ngừng, nhưng không nhằm mục đích tự khoe khoang, tự đề cao cá nhân mình trước người khác.

(Theo Lâm Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996)

Câu 1. Hãy cho biết đoạn trích trên đang đề cập đến nội dung gì? Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra thao tác lập luận được tác giả sử dụng trong câu văn: Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi.

Câu 3. Trong đoạn trích trên, tác giả đã sử dụng nhiều kiểu câu. Theo anh/chị việc sử dụng nhiều kiểu câu đã đem lại hiệu quả nghệ thuật gì cho đoạn trích?

Câu 4. Theo anh/chị sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự ti là ở chỗ nào?

Đọc đoạn thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Chân nhang cắm gốc bồ đề
Mẹ xin bóng mát tỏa về cái no
Con xin chiếc lá làm trò
Lêu têu chân đất quạt mo thằng Bờm

Tết nghèo bánh lá thay cơm
Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn
Con cầm thương khó run run
Muốn khoe với cả mưa phùn mẹ ơi

Con lam lũ của một thời
Để khi khôn lớn nên người lại xa
Mỗi lần nhìn khói ngang qua
Tự dưng mắt nhớ quê nhà lại cay…

(Khói bếp xưa – Trương Nam Hương)

Câu 5. Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

Câu 6. Qua hồi ức của tác giả, cuộc sống của gia đình, quê hương hiện lên như thế nào trong đoạn thơ trên?

Câu 7. Tác giả muốn gửi gắm điều gì qua những dòng thơ:

Chân nhang cắm gốc bồ đề
Mẹ xin bóng mát tỏa về cái no
Con xin chiếc lá làm trò
Lêu têu chân đất quạt mo thằng Bờm

Câu 8. Từ nội dung đoạn thơ trên, gợi cho anh chị có suy nghĩ gì về ký ức gia đình đối với đời sống tâm hồn của mỗi người (Trả lời trong khoảng 5 – 7 câu)

PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm) Niềm vui thực sự chỉ có được khi bản thân mỗi người vượt qua được chính mình của ngày hôm qua chứ không phải là vượt hơn người khác.

(Bí mật của hạnh phúc – David Niven, Nhà xuất bản Trẻ, 2013).

Anh chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4.0 điểm)

Trong phần mở đầu truyện ngắn Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành có đoạn viết:

… Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rởn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất đầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

Và kết thúc truyện ngắn, Nguyễn Trung Thành viết:

Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

(Trích “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập 2,
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2013)

Từ việc cảm nhận về đoạn văn mở đầu và kết thúc trên, anh chị hãy làm rõ dụng ý nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Trung.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn tỉnh Hà Tĩnh