Hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia môn Văn
Hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia môn Văn – Luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn bằng bản đồ tư duy
Trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn sẽ có phần thi Đọc, hiểu và Làm văn, đòi hỏi thí sinh có những nền tảng tư duy và kiến thức môn Văn từ tổng quát đến chi tiết. Khi ôn tập, các bạn nên lập bản đồ tư duy để hệ thống kiến thức môn Văn hiệu quả.
Hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia môn Văn
Hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia môn Văn
Kiến thức môn Văn được sắp xếp thành hệ thống rất rõ ràng. Để ghi nhớ, thí sinh nên học theo phương pháp sơ đồ tư duy, tức là sơ đồ hóa nội dung bài học, sử dụng các “từ khóa” một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhất.
Ngữ văn là bộ môn quan trọng, bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Đây cũng là môn học được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bởi nó có mặt trong các khối thi C, D. Tuy nhiên, việc học môn Văn lại là áp lực lớn với nhiều em, thậm chí là sợ hãi hay chán ghét. Nguyên nhân chính là các em chưa biết cách học, chưa có chiến lược ôn thi hiệu quả.
Với gần 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, luyện thi, chấm thi đại học, cao đẳng, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm ôn thi hiệu quả nhất cho thí sinh.
Theo cô Phương, từ năm 2015, ngành giáo dục thực hiện đổi mới hình thức thi cử, cùng với đó cấu trúc đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn cũng có sự thay đổi lớn. Đề thi gồm 2 phần: Phần đọc hiểu văn bản chiếm 3 điểm; Phần làm văn chiếm 7 điểm, trong đó có một câu hỏi nghị luận xã hội 3 điểm và một câu nghị luận văn học 4 điểm.
Phần đọc hiểu chủ yếu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc – hiểu, cảm thụ và kiến thức tiếng Việt của thí sinh với 2 văn bản hoàn toàn mới, nằm ngoài sách giáo khoa. Để làm tốt phần này thí sinh cần ôn tập toàn bộ kiến thức tiếng Việt đã học từ trước đến nay và biết vận dụng để viết các đoạn văn ngắn bày tỏ quan điểm, thái độ, tình cảm với các vấn đề được đặt ra trong văn bản.
Phần làm văn đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức văn học, lịch sử, xã hội phong phú và kỹ năng làm bài khoa học, logic, chặt chẽ. Trọng tâm kiến thức là chương trình lớp 12.
“Như vậy nội dung ôn thi là khá lớn. Ở thời điểm này, khi các em chỉ còn cách kỳ thi 3 tháng, nhiều em vẫn chưa biết học gì, học như thế nào? Chính vì lẽ đó nên việc học, thi của các em chưa đạt kết quả tốt nhất“, cô Phương nhận xét.
Theo cô, các em lớp 12 và các thế hệ kế tiếp cần hiểu rằng, kết quả của các em trong kỳ thi không chỉ là kết quả của một bài mà là của cả một quá trình ôn luyện. Vì vậy, hãy bắt đầu sớm nhất có thể, vì khởi động sớm là một lợi thế.
Quá trình ôn luyện sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là học kiến thức mới, học đâu chắc đấy, tích lũy kiến thức cả ở bề rộng và chiều sâu. Đây là giai đoạn xây dựng kiến thức nền tảng, các em không thể chủ quan, hời hợt bởi nền tảng có vững chắc thì mới có thể xây một tòa tháp lớn.
Giai đoạn 2 kết hợp học và luyện đề. Việc luyện đề nên bắt đầu từ tháng 1 – 2, khi các em nắm được khoảng 70% kiến thức. Ở giai đoạn này, các em có thể luyện với tần suất 2 tuần/đề và càng về sau càng tăng dần lên một tuần/đề, ở dạng lập dàn ý chi tiết. Việc này giúp các em củng cố kiến thức, làm quen với các dạng bài, các vấn đề mới lạ, học hỏi những phương pháp làm bài mới.
Giai đoạn 3 là tổng ôn toàn bộ kiến thức, tiếp tục luyện đề. Đây là bước không thể bỏ qua, nó thích hợp khi bước vào tháng 6, khi học sinh chỉ còn một tháng ôn tập. Hãy rà soát toàn bộ kiến thức và kỹ năng bằng cách làm đề hoàn chỉnh, 2 đề/ tuần.
Cô Phương nhấn mạnh, thí sinh hãy thử sức với các đề thi thử với tinh thần, thái độ nghiêm túc, tuân thủ quy định về thời gian và thực hiện yêu cầu của đề như khi thi thật. Việc này giúp các em làm quen với tâm lý thi cử, biết cách phân bố thời gian hợp lý, rèn luyện kỹ năng làm bài, trình bày bài rất tốt. Nhờ đó, các em phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu hay những lỗ hổng của bản thân để có sự khắc phục kịp thời.
“Tôi tin rằng với chiến lược khoa học, thái độ học tập nghiêm túc và sự cố gắng không ngừng nghỉ, đại học không phải là cánh cửa xa vời với các em“, cô nói.
Nữ giáo viên chia sẻ, kiến thức môn Văn được sắp xếp thành hệ thống rất rõ ràng. Để ghi nhớ, thí sinh nên học theo phương pháp sơ đồ tư duy, tức là sơ đồ hóa nội dung bài học, sử dụng các “từ khóa” một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhất. Trên cơ sở đó, các em không chỉ nắm bắt đầy đủ tất cả khía cạnh của vấn đề, đi sâu vào từng vấn đề mà còn nhận thấy mối quan hệ giữa các vấn đề.
Thí sinh cũng cần hình thành tư duy so sánh, đây là phương pháp quan trọng. Khi học phần Văn, các em cần xâu chuỗi kiến thức, có sự khái quát, tổng hợp về các tác phẩm theo chủ đề, tìm ra điểm giống và khác nhau. Như vậy, kiến thức sẽ được khắc sâu. Đặc biệt, khi gặp kiểu bài so sánh các em sẽ không lúng túng, bỡ ngỡ.
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để các em làm được tất cả điều trên là sự chăm chỉ“, cô nhấn mạnh.
Cần ghi nhớ
Cô Phương cho hay, để bài thi chiếm được cảm tình của giám khảo, thí sinh cần trình bày thật sạch sẽ, tránh gạch xóa, chữ viết to, rõ ràng, dễ đọc.
Phần đọc hiểu các em trả lời ngắn gọn, súc tích, hỏi gì đáp nấy, tránh lan man, dài dòng gây mất thời gian và không được thêm điểm. Phần này chỉ làm tối đa trong vòng 30 phút.
Phần làm văn, bài viết phải đảm bảo bố cục 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài; chia luận điểm, tách đoạn văn rõ ràng, chú ý sự liên kết giữa các ý, các đoạn. Thí sinh nên viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch, câu chủ đề ở đầu đoạn văn để tiện cho người chấm khi đọc và tìm nội dung của bài văn. Nhưng trước khi viết, các em hãy phân tích đề thật kỹ, bởi nếu xác định sai kiểu bài, sai vấn đề cần nghị luận, sẽ bị trừ điểm rất nặng, thậm chí không có điểm. Sau đó, hãy lập dàn ý cho bài văn, đừng bỏ qua bước này để không bị thiếu ý, lặp ý.
Mỗi kiểu bài có phương pháp làm bài riêng. Trong quá trình học, các em phải tìm ra phương pháp đó để bài làm đạt kết quả cao. Câu hỏi nghị luận xã hội nên viết tối đa trong khoảng 50 phút. Thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học và việc soát bài, sửa lỗi.